CẦN TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP MINH BẠCH THÔNG TIN, BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG TÀI CHÍNH

26/09/2023

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 được tổ chức với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững". Tham gia đóng góp ý kiến với Diễn đàn, TS. Vũ Nhữ Thăng, Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, cần tăng cường các biện pháp minh bạch thông tin và bảo vệ người tiêu dùng tài chính, trên thị trường chứng khoán.

Được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 lựa chọn xác định chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững". Tham gia đóng góp tham luận tại diễn đàn, TS. Vũ Nhữ Thăng, Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia bày tỏ quan tâm đến vấn đề lành mạnh hóa thị trường tài chính và khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế.

Theo đó, TS. Vũ Như Thăng cho rằng, đối với vấn đề minh bạch thông tin và bảo vệ người tiêu dùng tài chính, trên thị trường chứng khoán, vẫn xuất hiện tình trạng các công ty đại chúng không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ thông tin theo quy định. Một số lãnh đạo DN, công ty chứng khoán có hành vi vi phạm về công bố thông tin (CBTT) như mua/bán chui: không báo cáo/báo cáo không đúng/không công bố về dự kiến giao dịch; giao dịch ngoài/trước khoảng thời gian Sở giao dịch CBTT; giao dịch vượt quá/ không đúng giá trị chứng khoán đã đăng ký; đăng ký mua/bán chứng khoán nhưng không tiến hành mua/bán không báo cáo lý do, thậm chí mua bán không theo công bố. Sự “bất cân xứng thông tin” trên TTCK đươc phản ánh thông qua không cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, và tình trạng một số thành viên thị trường có khả năng tiếp cận thông tin nhiều hơn so với các thành viên cùng tham gia thị trường. Trong khi, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế khuyến nghị việc công khai, minh bạch dữ liệu là yếu tố cần cải thiện để Việt Nam có được thứ hạng cao hơn trong thời gian tới.

TS. Vũ Nhữ Thăng, Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia

Trên thị trường bảo hiểm, hiện nay, người mua bảo hiểm còn khó khăn trong việc tiếp cận các thông tin đánh giá DN bảo hiểm, đặc biệt là từ cơ quan quản lý nhà nước. Theo thông tin từ Bộ Tài chính, phần lớn bức xúc, khiếu nại trên thị trường bảo hiểm nhân thọ thời gian qua đến từ khách hàng tham gia bảo hiểm qua tổ chức tín dụng (bancassurance). Thực trạng này xuất phát từ việc chay đua doanh số để đạt được mục tiêu cam kết, một số tổ chức giao chỉ tiêu doanh số bán bảo hiểm cho nhân viên, tạo sức ép cho nhân viên tổ chức tín dụng. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường công bố thông tin đánh giá các DN bảo hiểm; minh bạch tỷ lệ duy trì hợp đồng năm thứ hai;…

Trên thị trường ngân hàng, về minh bạch thông tin đối với chủ sở hữu cổ phần tại ngân hàng, quy định về tỷ lệ sở hữu của cổ đông không cho phép sở hữu chéo và cơ bản giải quyết được việc sở hữu chéo. Tuy vậy, trên thực tiễn qua các sự việc vừa qua có tình trạng các cổ đông nhờ người có liên quan đứng tên sở hữu mà ngân hàng cũng như cơ quan quản lý không thể nắm được thông tin. Trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che giấu, nhờ cá nhân hay tổ chức khác đứng tên hộ cổ phần sở hữu để "lách" quy định của pháp luật về sở hữu chéo/ sở hữu vượt mức quy định hoặc "lách" quy định về giới hạn cấp tín dụng về nhóm khách hàng liên quan, tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông và người có liên quan. Điều này có thể dẫn tới rủi ro tập trung, rủi ro lan truyền trên thị trường, ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức tín dụng cũng như quyền và lợi ích của nhà đầu tư.

Cùng với đó, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tài chính hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân do tính công khai minh bạch trên thị trường còn hạn chế và cơ chế giám sát, thực thi của Việt Nam được xây dựng theo mô hình quản lý chia sẻ trách nhiệm giữa cơ quan bảo vệ người tiêu dùng và các cơ quan quản lý thị trường tài chính  dẫn tới: thiếu cơ quan/đơn vị chuyên trách về bảo vệ người tiêu dùng tài chính; thiếu sự phân định rạch ròi về chức năng, nhiệm vụ; thiếu cơ chế liên thông; thiếu thẩm quyền.

Bên cạnh đó, cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp dành cho người tiêu dùng tài chính chưa thuận tiện và hiệu quả. Quy trình giải quyết khiếu nại của các định chế tài chính và thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan có chức năng giám sát, thực thi trong một số lĩnh vực tài chính đã được quy định. Tuy nhiên, trong một số lĩnh vực như tư vấn tài chính, chứng khoán, phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng,… vẫn chưa đầy đủ.

Với sự biến động của thị trường cũng như một số các sự kiện liên quan đến TP DN, thao túng giá cổ phiếu hay các vấn đề liên quan đến quyền lợi người tham gia bảo hiểm qua kênh bancassurance đã ảnh hưởng đến niềm tin nhà đầu tư. Mặc dù các hành vi này về cơ bản đã được phát hiện, giải quyết và xử lý, tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề đặt ra như: giải quyết khiếu nại; chế tài xử lý đối với các tổ chức chưa đảm bảo được quyền lợi của khách hàng khi NHTM với tư cách là đại lý của DNBH tư vấn không rõ ràng hoặc bị xung đột lợi ích; hay niềm tin đối với thị trường xuống thấp.

Minh Hùng