CẦN GIẢI QUYẾT BẤT CẬP CỦA MÔ HÌNH QUẢN LÝ KINH TẾ THEO HÀNH CHÍNH CẤP TỈNH

25/09/2023

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 được tổ chức với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững". Tham gia đóng góp ý kiến với Diễn đàn, TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XII và XIII cho rằng, , một trong những vấn đề lớn cần giải quyết hiện nay là những bất cập của mô hình quản lý kinh tế theo hành chính cấp tỉnh và những di sản của cơ chế kế hoạch hóa tập trung- nền hành chính “công vụ lồng ghép” dẫn đến cơ chế xin-cho.

Được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 lựa chọn xác định chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững". Tham gia đóng góp tham luận tại diễn đàn, TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XII và XIII bày tỏ quan tâm đến vấn đề khai thác năng lực nội sinh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

TS.Trần Du Lịch cho biết, một trong những vấn đề lớn cần giải quyết hiện nay là những bất cập của mô hình quản lý kinh tế theo hành chính cấp tỉnh và những di sản của cơ chế kế hoạch hóa tập trung- nền hành chính “công vụ lồng ghép” dẫn đến cơ chế xin-cho.

Hệ thống thể chế Việt Nam được thiết kế với tư duy phát triển kinh tế theo địa giới hành chính (các địa phương) với tầm nhìn của từng ngành. Các quy định được thiết kế, vận hành chung cho cả nước, rất hạn chế những thiết kế có tính đến điều kiện, đặc điểm riêng của từng vùng. Điều này dẫn đến: Sự bất cập, không đồng bộ của các quy định pháp luật về đầu tư, quy hoạch, đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản; ảnh hưởng đến việc thu hút, triển khai các dự án đầu tư, công trình trọng điểm trên địa bàn vùng; Phân cấp, phân quyền chưa thực sự gắn với năng lực và điều kiện tạo thực tiễn cho từng địa phương; Thiếu khuôn khổ thể chế để huy động hiệu quả nguồn lực đầu tư cho các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, quy mô lớn của vùng trong khi phân bổ nguồn lực ngân sách hạn chế và thiếu trọng tâm.

TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XII và XIII 

Bên cạnh đó, một số thể chế quản lý tạo ra sự lồng ghép công vụ về vai trò giữa Trung ương và địa phương. Các cơ sở dữ liệu thông tin quản lý buộc phải tập trung đầu mối và theo những chuẩn thiết kế của Trung ương trong khi địa phương lại có những đặc thù và những yêu cầu riêng. Đồng thời, giới hạn trong các khuôn khổ thể chế cũng tạo ra sự cạnh tranh giữa các địa phương trong việc xin - cho các cơ chế, chính sách đặc thù. Mô hình quản lý nhà nước ở nước ta kiểu như “đan một cái lưới để đánh mọi loại cá” nên dẫn đến tinh trạng địa phương nào cũng cố xin “cơ chế đặc thù”. Trong tình hình hiện nay, TS.Trần Du Lịch  hoan nghênh Chính phủ tổ chức những tổ công tác hoặc ban chỉ đạo đặc biệt để thúc đẩy và tháo gỡ những điểm nghẽn cho các lĩnh vực và dự án quan trọng, cấp thiết, nhưng mặt khác phải thấy rằng đó là dấu hiệu của một nền hành chính bị trục trặt, vận hành yếu kém.

 Bên cạnh đó, TS.Trần Du Lịch cũng cho biết, thương hiệu Việt, doanh nghiệp Việt –đang đuối tầm trong môi trường hội nhâp. Theo Luật doanh nghiệp, thì mọi doanh nghiệp được thành lập ở Việt Nam, bất luận nguồn gốc vốn được xem là doanh nghiệp Việt nam ( pháp nhan Việt Nam), bao gồm cả Doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI. Theo số liệu năm 2022, khu vực FDI đóng góp khoảng 20% GDP, nhưng chiếm 74% kim ngạch xuất khẩu (năm 2001 chiếm 45,2%); còn khu vực 100% vốn trong nước( kinh tế tư nhân) chỉ chiếm 6,8%. Con số trên cho thấy, với chiến lược hướng về xuất khẩu, chủ động và tích cực hội nhập; nổ lực ký kết và thực thi các hiệp định FTA song phương và đa phương, chưa mang lại lợi ích nhiều cho các doanh nghiệp thuần Việt so với khu vực FDI.

Tinh từ thời điểm năm 1991, sau hơn 30 năm từ khi ban hành Luật doanh nghiệp tư nhân và Luật công ty cho đến nay khu vực kinh tế tư nhân có bước phát triển đáng kể, đã hình thành nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô khá lớn, trong một số ngành kinh tế, nhất là hoạt động trên thị trường bất động sản; xây dựng được thương hiệu Việt ở một số mặt hàng tiêu dùng, lĩnh vực thương mại bán lẻ, du lịch... nhưng nhưng nhìn tổng thể cả nền kinh tế, thì doanh nghiệp Việt vẫn là lực lượng yếu kém và nhiều thương hiệu Việt xây dựng trong nhiều năm đã bị doanh nghiệp nước ngoài thôn tính, phổ biến thông qua mua-bán sáp nhập (M&A).

Hệ thống bán lẻ ở thị trường nội địa, thương mại điện tử... doanh nghiệp nước ngoài đang chi phối. ... Doanh nghiệp Việt đang thua ngay trên “sân nhà” đang là thực tế, chứ không còn là nguy cơ. Về đường lối của Đảng đã khẳng định vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong nước là quan trọng, nhưng dường như khu vực này không “lớn lên” được, mà đang” tự thúc thủ”, nhất là sau đại dịch Covid-19.

Hiến pháp năm 2013 và Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư năm 2014 đã bước đột phá về mở rộng quyền kinh doanh cho doanh nghiệp khi chuyển cơ chế “chọn cho sang chọn bỏ”, doanh nghiệp được kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên, trên thực tế với vô vàng những quy định dưới luật vẫn duy trì cơ chế xin- cho dưới nhièu hình thức.

Ngoài ra, sự chồng chéo giữa các quy định, đúng sai không rõ ràng, nên môi trường tự do kinh doanh chưa cải thiện đáng kể. Tình trạng những doanh nghiệp làm ăn chân chính thì nản chí, còn những doanh nghiệp “luồn lách” vẫn còn đất sống. Một nền quản trị tốt là nền quản trị có cơ chế ngăn ngừa vi phạm có hiệu quả, chứ không phải cơ chế xử lý vi phạm hiệu quả.

Minh Hùng