ĐẨY MẠNH HƠN NỮA CƠ CHẾ TRÁCH NHIỆM GIẢI TRÌNH, MINH BẠCH HÓA HOẠT ĐỘNG CÔNG VỤ ĐỂ PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG

19/09/2023

Một số chuyên gia cho rằng, trách nhiệm giải trình với tính chất, đặc trưng và sức mạnh hệ quả của nó đóng vai trò rất lớn trong việc minh bạch hóa hoạt động công vụ. Từ đó trực tiếp hoặc gián tiếp giúp cho hoạt động phòng, chống tham nhũng có hiệu quả hơn. Vì vậy cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cơ chế trách nhiệm giải trình để giúp cho hoạt động này được hiệu quả và toàn diện hơn.

Theo giảng viên Tạ Quang Duy, Khoa Luật, Học viện Khoa học xã hội, có nhiều phương diện thể hiện vai trò của trách nhiệm giải trình đôi với phòng, chống tham nhũng. Cụ thể: Thứ nhất, trách nhiệm giải trình giúp minh bạch thông tin. Điều kiện của tham nhũng chính là tính thiếu minh bạch về thông tin. Thông tin quản lý càng thiếu minh bạch, chủ thể sử dụng quyền lực càng có khả năng thực hiện hành vi tham nhũng và thông tin càng thiếu minh bạch, chủ thể phòng, chống tham nhũng càng khó khăn trong việc giám sát, phòng ngừa, phát hiệu và đấu tranh với hành vi tham nhũng. Chính vì thế, trong phòng và đặc biệt là chống tham nhũng, vấn đề cần thiết chính là làm cho thông tin quản lý được minh bạch. Thậm chí, nhiều nghiên cứu cho rằng, cơ chế minh bạch thông tin là cơ chế phòng, chống tham nhũng hiệu quả nhất.

Một số chuyên gia cũng phân tích, trách nhiệm giải trình có nhiều lớp nghĩa, trong đó lớp nghĩa phổ biến nhất, trực quan nhất chính là nghĩa vụ phải cung cấp thông tin một cách chủ động và cả bị động của chủ thể quản lý một cách định kỳ hoặc khi có yêu cầu. Như vậy, có thể nói, trách nhiệm giải trình chính là cơ chế bắt buộc để thông tin quản lý được minh bạch. Chính điều này đã khiến cho một số nghiên cứu đồng nhất trách nhiệm giải trình chính là thao tác làm minh bạch thông tin. Thông tin quản lý để đạt được minh bạch, trước hết cần phải công khai.

Minh bạch hóa hoạt động công vụ là yêu cầu của thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng

Công khai là bước đầu tiên của các chủ thể quản lý giúp cho các chủ thể giám sát biết đến thông tin này. Hoạt động công khai được thực hiện bằng chính trách nhiệm giải trình, trong đó, bao gồm cả trách nhiệm giải trình chủ động và trách nhiệm giải trình bị động. Nếu trách nhiệm giải trình chủ động giúp thông tin quản lý được công khai một cách định kỳ, thì trách nhiệm giải trình bị động giúp công khai thông tin khi xuất hiện các yêu cầu hợp pháp, cấp độ thứ hai của minh bạch thông tin sau khi công khai - giúp người ta biết chính là giải nghĩa các thông tin - giúp người ta hiểu.

Thứ hai, trách nhiệm giải trình là công cụ hữu hiệu của chủ thể giám sát. Việc phòng, chống tham nhũng quan trọng nhất chính là cơ chế giám sát của các chủ thể có thẩm quyền. Theo đó, thông tin chính là yếu tố quyết định sự thành bại của hoạt động phòng, chống tham nhũng. Chính vì thế, các chủ thể có thẩm quyền phòng, chống tham nhũng phải cần đến những công cụ để thu thập thông tin. Các công cụ này không chỉ tạo cho các chủ thể này khả năng yêu cầu các đối tượng bị giám sát phải cung cấp thông tin và làm rõ những vấn đề mà chủ thể giám sát cần biết mà còn là cơ chế tự động bắt buộc các đối tượng bị giám sát phải thường xuyên chủ động cung cấp thông tin một cách trung thực, khách quan, nhanh chóng và đầy đủ.

Trách nhiệm giải trình đảm bảo được cả hai khía cạnh thu thập thông tin trên của các chủ thể giám sát. Cụ thể, khi trách nhiệm giải trình được pháp định là một trong những trụ cột quan trọng nhất của hoạt động công quyền thì tất yếu các đối tượng bị giám sát sẽ thực hiện trách nhiệm giải trình như một nghĩa vụ không thể nào chối bỏ được. Khi đó, nguồn thông tin sẽ đảm bảo được cung ứng một cách chủ động. Ở khía cạnh khác, yêu cầu đối tượng bị giám sát có trách nhiệm phải giải trình chính là một quyền quan trọng của các chủ thể giám sát. Từ quyền này sẽ làm phát sinh các nghĩa vụ của những đối tượng bị giám sát để làm sáng tỏ những thông tin mà chủ thể giám sát mong muốn. Như vậy, ở khía cạnh này, trách nhiệm giải trình được xác lập với vai trò là một công cụ hữu hiệu trong phòng, chống tham nhũng của các chủ thể giám sát.

Thứ ba, trách nhiệm giải trình là cơ sở để quy trách nhiệm cho các chủ thể sử dụng quyền lực công. Đây là lớp nghĩa thứ hai và là lớp nghĩa ẩn của trách nhiệm giải trình. Theo đó, trách nhiệm giải trình chủ yếu được biết đến rộng rãi với lớp nghĩa thứ nhất là hoạt động công khai thông tin. Tuy nhiên, lớp nghĩa thứ hai gắn liền với tính trách nhiệm mới là đích đến của trách nhiệm giải trình. Điều này cho thấy, việc công khai, minh bạch thông tin bằng trách nhiệm giải trình không phải chỉ để thỏa mãn nhu cầu biết và hiểu của các chủ thể giám sát.

Hơn thế nữa, các thông tin có được từ trách nhiệm giải trình này chính là cơ sở để các chủ thể giám sát định đoạt trách nhiệm chính trị, pháp lý, hành chính và hình sự của các đối tượng bị giám sát. Nói một cách dễ hiểu, những thông tin có được từ trách nhiệm giải trình của đối tượng bị giám sát chính là cơ sở quan trọng nhất để chủ thể giám sát nghiên cứu, cân nhắc và áp đặt các trách nhiệm phải gánh chịu lên các đối tượng bị giám sát.

Như vậy, thực chất và cái đích cuối cùng của trách nhiệm giải trình là cơ chế quy trách nhiệm và gánh chịu trách nhiệm bằng các hậu quả bất lợi của các đối tượng bị giám sát. Thiếu đi trách nhiệm giải trình, các chủ thể có thẩm quyền giám sát sẽ không có đủ dữ liệu cần thiết cho việc xem xét và quyết định các hậu quả trách nhiệm cần phải gánh vác của các đối tượng bị giám sát.

Thứ tư, trách nhiệm giải trình là phương tiện của dân chủ. Một trong những điều kiện thuận lợi cho tham nhũng chính là sự mất dân chủ. Dân chủ có ưu điểm rất lớn trong việc dùng sô' đông để giám sát quyền lực của thiểu số lãnh đạo. Chính vì thế, cơ chế độc quyền sẽ tránh được sự giám sát này để tiến tới tham nhũng một cách tự do. Sự giám sát thông qua cơ chế dân chủ được ứng dụng rộng rãi và trở nên được yêu thích ở các quốc gia đương đại nhờ những ưu việt của nó. Đó là khả năng giám sát của đa số với thiểu số và hơn thế nữa là khả năng đa số tự giám sát lẫn nhau trong hoạt động giám sát thiểu số.

Các chủ thể nhà nước giám sát có thẩm quyền giám sát thường có một yếu điểm rất lớn là khả năng tự minh bạch. Điều này được ngạn ngữ Hy Lạp ví von bằng câu hỏi: “Ai gác kẻ gác đền?”. Nghĩa là sẽ phải cần một cơ chế giám sát những người thực hiện chức năng giám sát hay cơ chế phòng, chống tham nhũng trong lực lượng thực hiện chức trách phòng, chống tham nhũng. Điều này sẽ làm phình biên chế. Ngược lại, đa số với đa dạng các thành phần và quan điểm sẽ tồn tại trong nó cơ chế tự giám sát lẫn nhau trong việc giám sát các đối tượng khác.

Để đa số có thể thực hiện được chức năng giám sát đó của mình, nhất thiết phải có những cơ chế pháp định đủ sức mạnh để thiểu số phải phục tùng sự giám sát. Trong đó, trách nhiệm giải trình chính là phương tiện hữu hiệu nhất. Nó vừa ẩn chứa nghĩa vụ của người bị giám sát, đồng thời vừa ẩn chứa quyền của đa sô' giám sát. Chính vai trò này của trách nhiệm giải trình đã giúp cho đa số thực thi được quyền giám sát của mình. Thậm chí, trong một số nghiên cứu còn cho rằng trách nhiệm giải trình có thể là thước đo của một chế độ dân chủ. Theo đó, mức độ dân chủ càng cao luôn tỉ lệ thuận với sự đòi hỏi cao của trách nhiệm giải trình từ bộ máy công quyền và ngược lại.

Các chuyên gia nhấn mạnh, trách nhiệm giải trình là nghĩa vụ, bổn phận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thực hiện cung cấp thông tin và chịu trách nhiệm về các hành vi thuộc thẩm quyền của mình một cách tự nguyện hoặc khi có yêu cầu. Trách nhiệm giải trình có ý nghĩa rất quan trọng trong phòng, chống tham nhũng khi hiện diện ở các khía cạnh như: Trách nhiệm giải trình giúp minh bạch thông tin; Trách nhiệm giải trình là công cụ hữu hiệu của chủ thể giám sát; Trách nhiệm giải trình là cơ sở để quy trách nhiệm cho các chủ thể sử dụng quyền lực công và Trách nhiệm giải trình là phương tiện của dân chủ. Chính vì thế, trong phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay, thiết yếu phải đẩy mạnh hơn nữa cơ chế trách nhiệm giải trình để giúp cho hoạt động này được hiệu quả và toàn diện hơn.

Minh Hùng