PHÁT HUY VAI TRÒ QUY HOẠCH ĐÔ THỊ TRONG KHẮC PHỤC RỦI RO THIÊN TAI TẠI VIỆT NAM

03/09/2023

Nhằm đóng góp ý kiến hoàn thiện một số nội dung của Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), các chuyên gia cho rằng việc lồng ghép giảm thiểu rủi ro thiên tai trong quy hoạch đô thị từ quy trình quy hoạch, chính sách phát triển đô thị cần được tính toán khi lập các quy hoạch về đất đai.

Nghiên cứu sâu về vấn đề giảm thiểu rủi ro thiên tai trong quy hoạch đô thị, PGS.TS Lê Anh Đức, Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Văn Lang cho biết, các rủi ro và hiểm họa từ thiên tai đã và đang gây các tác hại nghiêm trọng đến Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng với tần suất và tác động khác nhau tùy thuộc vào vị trí địa lý, địa hình, độ cao và các yếu tố khí hậu.

Tác hại của thiên tai phổ biến tại Việt Nam phải kể đến những từ các loại rủi ro như sau: Bão: Việt Nam cũng hứng chịu trung bình từ 7 đến 9 cơn bão mỗi năm. Bão kèm theo gió mạnh, sóng triều, triều cường và lượng mưa không ngừng, có khả năng gây ra những thiệt hại thảm khốc cho đất nước. Các tỉnh miền Trung và và khu vực ven biển có nguy cơ cao do bão.

PGS.TS Lê Anh Đức, Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Văn Lang

Lũ lụt: Lũ lụt ở các lưu vực trước đây được coi là một phần của chu trình nước tự nhiên, tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, thủy triều gia tăng, lượng mưa lớn, xói mòn và nước biển dâng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm rủi ro và tác hại từ lũ lụt. Hầu hết các tỉnh và TP ở Việt Nam đều bị ảnh hưởng bởi lũ lụt với cường độ và thời gian khác nhau.

Hạn hán: Ở miền Trung, hạn hán thường do thiếu lượng mưa và khả năng tích nước của các hồ chứa hạn chế, do thời tiết nắng nóng gay gắt trở nên trầm trọng hơn. Biến đổi khí hậu là một vấn đề đáng lo ngại ở Việt Nam do khả năng làm trầm trọng thêm các tác động và tần suất của các hiểm họa khí tượng thủy văn, khiến chúng trở nên khó lường và có sức tàn phá lớn hơn. Những thay đổi về lượng mưa dữ dội, những thay đổi về hình thái bão và thời gian hạn hán kéo dài kéo dài trong vài tháng là những thách thức có thể phải chứng kiến trong những thập kỷ tới.

Đến năm 2100, mực nước biển có thể dâng 75 cm đến 1 m so với giai đoạn 1980-1999, do đó khiến nhiều thành phố ven biển và các khu vực sản xuất nông nghiệp khó khăn trong nhiều năm tới nếu không có các hành động thích ứng và giảm thiểu. Theo dự báo của mực nước biển dâng, khoảng 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, 11% Đồng bằng sông Hồng và 3% các tỉnh ven biển có thể bị ngập. Khoảng 10-12% dân số Việt Nam có thể chịu tác động trực tiếp của sự thay đổi này, điều này cũng sẽ dẫn đến những thiệt hại kinh tế đáng kể, vì khoảng 60% thành phố thủ đô nằm trên mực nước biển trung bình 1,5m, ngập lụt đô thị có thể trở thành mối quan tâm cấp bách trong những thập kỷ tới.

Việt Nam đã tham gia thực hiện Khung Hyogo và ký kết tham gia Khung Sendai. Chính phủ đã sớm ban hành Chiến lược quốc gia về Phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 (năm 2007), Chương trình Mục tiêu quốc gia Ứng phó với biến đổi khí hậu (năm 2009) và Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng (2009) tiếp tục quá trình giảm nhẹ tình trạng dễ bị tổn thương của cộng đồng dân cư, đặc biệt là các khu vực và các ngành dễ bị ảnh hưởng bởi các hiểm họa và thảm họa thiên nhiên có liên quan đến biến đổi khí hậu.

Từ năm 2016, Chính phủ đã chủ trương xây dựng Kế hoạch và Lộ trình triển khai Khung hành động Sendai giai đoạn 2015- 2030 về ứng phó biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai tại Việt Nam. “Báo cáo tiến độ Quốc gia về việc thực hiện khung hành động Hyogo”, “Báo cáo đặc biệt của Việt Nam về quản lý rủi ro thiên tai và hiện tượng cực đoan nhằm thúc đẩy thích ứng biến đổi khí hậu”. Hiện nay các chiến lược quốc gia đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc lồng ghép vấn đề giảm thiểu rủi ro vào các khuôn khổ chính sách, chiến lược, lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại cấp tỉnh và quốc gia trong giai đoạn 2011-2015 và các kế hoạch giai đoạn 2011-2020 cũng đã lồng ghép một số yếu tố về giảm thiểu rủi ro thiên tai. Đây là một dấu mốc quan trọng của Việt Nam trong nỗ lực giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về Phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2030 tầm nhìn 2050. Các bộ, ngành và địa phương đã triển khai các kế hoạch, chương trình phòng chống thiên tai quản lý theo các ngành và triển khai tại các địa phương. Như vậy, với các tác động và ảnh hưởng nghiêm trọng của rủi ro, thiên tai đến các khu vực nói chung và đặc biệt các tác động đến đô thị, việc nghiên cứu lồng ghép trong quy hoạch đô thị về mặt thực tiễn lẫn pháp lý đều rất cần thiết. Xét về quy định và pháp lý, quy hoạch đô thị vẫn phải đảm bảo cụ thể hóa các chiến lược quốc gia, các quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội, cũng như các định hướng của địa phương.

Do vậy, về mặt pháp lý các đồ án quy hoạch đô thị hiện nay phải đảm bảo triển khai các chiến lược quốc gia về Phòng, chống thiên tai của Chính phủ và các địa phương. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy nhiều khó khăn trong tích hợp giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong quy hoạch đô thị. Hiện nay, phương pháp quy hoạch của Việt Nam chủ yếu chú trọng về tổ chức không gian, chưa chú trọng đến bảo vệ môi trường, các bài toán kinh tế đô thị để hỗ trợ các giải pháp và thích ứng biến đổi khí hậu. Quy định và thực tiễn về nội dung quy hoạch hoàn toàn chưa có yêu cầu đánh giá, phân tích rủi ro thiên tai, chưa phân tích các tác động thiên tai. Các đề xuất chủ yếu là sử dụng đất, gia tăng các chỉ tiêu đất đai và sử dụng đất, nhưng chưa có xây dựng mô hình đô thị thích ứng; việc lựa chọn đất xây dựng, cấu trúc không gian đô thị, sử dụng đất, hạ tầng….hoàn toàn chưa tính đến các giải pháp thích ứng, giảm thiểu rủi ro, khai thác triệt để nguồn lực đô thị, gia tăng sử dụng đất, thiếu chú trọng tới phát triển bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái.

Cùng quan tâm đến vấn đề này, TS. Đỗ Phú Hưng, Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Văn Lang cho biết, các phương pháp lồng ghép tích hợp các vấn đề biến đổi khí hậu hay giảm thiểu rủi ro thiên tai trong quy hoạch đã được nghiên cứu trên thế giới, nhưng ở Việt Nam, vấn đề này chưa được nghiên cứu và xây dựng các mô hình lý thuyết tiến tới áp dụng trong pháp lý và thực tiễn.

TS. Đỗ Phú Hưng, Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Văn Lang

Trong bối cảnh hệ thống quy hoạch Việt Nam đang dần phát triển theo hướng đa ngành, quy hoạch đô thị cũng cần có những nghiên cứu về mặt lý luận các mô hình mới, có thể lồng ghép và tích hợp các vấn đề của giảm thiểu rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu.

Chính vì vậy, về mặt thực tiễn các đề xuất vai trò của Quy hoạch đô thị trong giảm thiểu rủi ro thiên tai sẽ bao gồm: Quy trình quy hoạch đô thị cần lồng ghép nội dung phân tích bối cảnh thiên tai cụ thể của từng khu vực và địa phương tại Việt Nam, nhằm đánh giá các tác động cụ thể của thiên tai như bão, ngập lũ và xâm nhập mặn làm cơ sở đánh giá những tác động đối với đô thị. Xây dựng và bổ sung nội dung của công tác đánh giá rủi ro vào trong các công tác quy hoạch và quản lý đô thị hiện nay, đặc biệt là quy trình triển khai thực hiện quy hoạch và thực thi quy hoạch; Đánh giá thực tiễn công tác quy hoạch hiện nay, vận dụng các giải pháp có khả năng hạn chế, giảm thiểu các tác hại và rủi ro của thiên tai bao gồm các giải pháp định hướng phân vùng, phân bố dân cư, lựa chọn đất xây dựng đô thị cũng như xác định cấu trúc và phân bố dân cư và các giải pháp kỹ thuật về hạ tầng, giải pháp kết cấu.

 Đồng thời, xây dựng kế hoạch thực thi quy hoạch bao gồm cả các giải pháp về kiểm tra, giám sát cũng như đánh giá thực thi trong quy hoạch nhằm đảm bảo hiệu quả quy hoạch cũng như đáp ứng tốt nhất cho công tác phòng chống và giảm thiểu rủi ro thiên tai; Như vậy, quy hoạch đô thị đã và đang là các giải pháp giảm thiểu rủi ro thiên tai hiệu quả ở các đô thị hiện nay, việc lồng ghép giảm thiểu rủi ro thiên tai trong quy hoạch đô thị từ quy trình quy hoạch, chính sách phát triển đô thị cũng như quá trình quản lý và thực thi quy hoạch là một nội dung cần thiết áp dụng trong tác quy hoạch và phát triển các đô thị Việt Nam, đặc biệt là các khu vực thường xuyên chịu tác động của thiên tai.

Hồ Hương

Các bài viết khác