DỰ ÁN LUẬT VIỄN THÔNG (SỬA ĐỔI): ĐẢM BẢO TÍNH MINH BẠCH, PHÁT HUY TỐI ĐA VAI TRÒ CỦA QUỸ DỊCH VỤ VIỄN THÔNG CÔNG ÍCH

31/08/2023

Góp ý vào dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách lần thứ 6, các đại biểu đề nghị cần tăng cường trách nhiệm của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông, đồng thời tiếp tục duy trì và sử dụng hiệu quả Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, cân nhắc quy định rõ các nội dung liên quan đến mục tiêu hỗ trợ, nguyên tắc hoạt động, cơ chế đặt hàng, quy định về đóng góp và sử dụng nguồn tài chính của Quỹ để đảm bảo tính minh bạch và phát huy tối đa vai trò của Quỹ.

GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ ÁN LUẬT VIỄN THÔNG (SỬA ĐỔI)

Toàn cảnh Hội nghị

Tăng cường trách nhiệm của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông

Góp ý vào dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 6, đại biểu Dương Văn Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam bày tỏ băn khoăn đến vấn đề rất quan trọng và cử tri quan tâm là cần đảm bảo vai trò quản lý nhà nước và tăng cường trách nhiệm của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông. Đại biểu cho rằng, đây là cơ hội để chúng ta có thể pháp lý hóa vấn đề này trong dự án Luật.

Đại biểu Dương Văn Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Theo đó, tại Điều 67 quy định về quản lý các công trình viễn thông, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị Ban soạn thảo xem xét và bổ sung thêm một khoản trong dự thảo Luật quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông trong việc phải thu hồi các công trình viễn thông, bao gồm cả hạ tầng kỹ thuật viễn thông và các thiết bị mạng khi không còn sử dụng nữa.

“Bởi lẽ, tình trạng dây cáp viễn thông, truyền hình cáp, Internet hiện nay giăng chằng chịt ở nhiều đô thị và ngay cả trên những tuyến đường ở thôn quê cũng như những khu dân cư, gây phản cảm, mất mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Nguyên nhân chủ yếu là do các nhà mạng cung cấp dịch vụ này thiếu trách nhiệm, không thu hồi các dây cáp này trong khi sử dụng, việc thi công lắp đặt cũng không đảm bảo kỹ thuật, mỹ quan”, đại biểu giải thích rõ.

Do đó, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các quy định để có chế tài xử lý nghiêm trường hợp này để doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này phải có trách nhiệm, đảm bảo quy trình kỹ thuật, mỹ quan và phải thu hồi những dây cáp khi không còn sử dụng nữa.

Tiếp tục duy trì và phát huy tối đa vai trò của Quỹ dịch vụ viễn thông công ích

Đề cập đến dự án Luật này, đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đánh giá cao sự chỉ đạo của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với các cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tham vấn để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi).

Đặc biệt quan tâm đến Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho biết, vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có báo cáo đánh giá tổng kết về hoạt động của Quỹ dịch vụ viễn thông công ích gửi Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố, trong đó báo cáo đánh giá rất rõ sự cần thiết cũng như hiệu quả hoạt động của Quỹ trong thời gian qua. Qua đó khẳng định hoạt động và việc cung cấp dịch vụ viễn thông công ích thông qua sự đảm bảo từ Quỹ dịch vụ viễn thông công ích đã phát huy vai trò rất lớn trong việc hỗ trợ thực hiện chính sách của Nhà nước về cung cấp dịch vụ viễn thông công ích, đảm bảo tính linh hoạt, kịp thời trong việc triển khai các hoạt động viễn thông công ích ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và các khu vực kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đồng thời điều này giúp giảm bớt sự chênh lệch về khoảng cách số, thụ hưởng thông tin giữa các vùng miền.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình

Do đó, đại biểu Nguyễn Minh Tâm tán thành với việc tiếp tục duy trì Quỹ này. Song để phát huy tối đa vai trò của Quỹ với mục tiêu là hỗ trợ thực hiện chính sách của Nhà nước trong việc cung cấp dịch vụ viễn thông công ích, đại biểu đề nghị trong Luật nên cân nhắc quy định rõ các nội dung liên quan đến mục tiêu hỗ trợ, nguyên tắc hoạt động, cơ chế đặt hàng, quy định về đóng góp và sử dụng nguồn tài chính của Quỹ để đảm bảo tính minh bạch và phát huy vai trò của Quỹ với tư cách cùng với ngân sách nhà nước đảm đương một số nhiệm vụ chi phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, còn lại thì giao Chính phủ quy định chi tiết.

Cũng theo báo cáo, nhu cầu hỗ trợ phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng là hơn 4.600 km đường bộ thuộc khu vực biên giới cần được hỗ trợ thiết lập trạm phát sóng di động mặt đất để đảm bảo quốc phòng, an ninh, 6.786 thôn chưa có mạng truy nhập băng rộng cố định mặt đất. Đối với nhu cầu về hỗ trợ sử dụng dịch vụ viễn thông, việc hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ viễn thông bắt buộc thì tối thiểu 63 triệu phút được hỗ trợ sử dụng dịch vụ truy cập Internet băng rộng cố định mặt đất cho trường học, trạm y tế cấp xã là 62.000 trường học, trạm y tế; hỗ trợ sử dụng dịch vụ thông tin di động mặt đất cho các thuê bao là hộ nghèo, hộ cận nghèo, khoảng 1,9 triệu đối tượng. Hỗ trợ thiết bị đầu cuối, máy tính bảng, điện thoại thông minh cho cả hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách xã hội đối với chính sách đặc biệt khác để có thể sử dụng dịch vụ viễn thông rất lớn.

Do đó, để tiếp tục duy trì và sử dụng hiệu quả Quỹ này, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị Cơ quan soạn thảo, đặc biệt là Chính phủ tiếp tục đánh giá, xem xét những nội dung nào cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, có thể quy định cụ thể tỷ lệ phân bổ kinh phí từ Quỹ cho từng chương trình cụ thể để triển khai thực hiện có hiệu quả hơn trong quá trình duy trì Quỹ này.

Bổ sung quy định về hạ tầng số, nền tảng số vào dự án Luật

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế

Góp ý vào dự thảo Luật này, đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục có nghiên cứu kịp thời và thông qua tại Kỳ họp thứ 6 tới, vì đây là luật quan trọng đi vào cuộc sống trong quỹ đạo chuyển đổi số, phát triển xanh của nước ta.

Quan tâm nhất về vấn đề hạ tầng số trong dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Sửu nhận thấy, hạ tầng số là khái niệm mới đang trong quá trình định hình, trong đó có cả cấu phần vật lý là hạ tầng viễn thông băng rộng, phổ cập, hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây và có cả cấu phần phi vật lý, đó là hạ tầng công nghệ số, nền tảng số nhưng được xác định đối với cấu phần phi vật lý thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật này.

Cho rằng quy định như vậy chưa đầy đủ, chỉ mới hoàn thiện một phần của một chỉnh thể là hạ tầng số, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, phân tích lý do vì sao chưa đưa quy định đối với cấu phần phi vật lý vào dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) lần này, trong khi đó là một phần của một chỉnh thể. Đồng thời đề nghị nên nghiên cứu bổ sung để đưa vào quy định trong Luật Viễn thông (sửa đổi) đối với cấu phần phi vật lý là hạ tầng số và nền tảng số./.

Bích Ngọc