HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC TỪ CÁC CHUYÊN GIA, NHÀ KHOA HỌC NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT

22/08/2023

Bàn về vấn đề hoàn thiện quy định pháp luật đối với hoạt động giám sát của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn cho rằng, cần lựa chọn đại biểu có chuyên môn sâu, đúng chuyên ngành, lĩnh vực về nội dung giám sát, huy động nguồn lực từ các chuyên gia, nhà khoa học nhằm nâng cao chất lượng hoạt động giám sát.

Bàn về vấn đề hoàn thiện quy định pháp luật đối với hoạt động giám sát của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn cho rằng, tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, sau khi kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn định kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần ra nghị quyết nhằm nâng cao tính pháp lý của các kết luận, quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, làm căn cứ để các cơ quan báo cáo việc thực hiện tại kỳ họp cuối năm của năm giữa nhiệm kỳ và năm cuối nhiệm kỳ cùng với việc xem xét các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và giám sát chuyên đề.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn

Tổng hợp các câu hỏi và trả lời chất vấn thành các tập tài liệu theo định kỳ nhằm cung cấp thông tin cho đại biểu Quốc hội và cử tri, giúp đại biểu Quốc hội tránh được tình trạng đặt các câu hỏi trùng lặp tại các kỳ họp Quốc hội trong một nhiệm kỳ. Đồng thời, việc này cũng giúp các đại biểu Quốc hội, kể cả những đại biểu không đặt câu hỏi, có thể giám sát các biện pháp đã triển khai nhằm thực hiện cam kết của các thành viên Chính phủ trong các phiên chất vấn.

Đối với hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, để hạn chế tối đa những khó khăn cho các cơ quan chịu sự giám sát, các địa phương cũng như các cơ quan hữu quan trong việc tham mưu, tổ chức phục vụ, trong thời gian tới, ngay từ khi lựa chọn chuyên đề giám sát, cần xem xét phạm vi về thời gian cho phù hợp; sớm kiện toàn tổ chức, triển khai công tác chuẩn bị các đoàn giám sát tối cao của Quốc hội để tránh dồn dập vào cùng một thời điểm, tránh tạo áp lực đối với các cơ quan chịu sự giám sát.

Về thành phần đoàn giám sát, căn cứ nội dung giám sát, cần lựa chọn đại biểu có chuyên môn sâu, đúng chuyên ngành, lĩnh vực về nội dung giám sát liên quan đến cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, căn cứ vào nghị quyết, kế hoạch, nội dung, chương trình giám sát, ưu tiên và tạo điều kiện để các thành viên của cơ quan mình trong thành phần Đoàn giám sát tham gia đầy đủ các hoạt động của Đoàn. Bên cạnh đó, cần huy động nguồn lực từ các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động giám sát.

Về đề cương giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần lập đúng trọng tâm và đủ các thông tin phục vụ cho nội dung giám sát. Việc dự thảo đề cương báo cáo giám sát cần được xây dựng trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền của đối tượng giám sát, các thông tin phản ánh trên báo chí, qua tiếp xúc cử tri, tiếp công dân... Thành lập các tổ công tác đi tiền trạm tại một số địa phương để thu thập thông tin về tình hình triển khai cơ cấu lại ngành nông nghiệp ở địa phương, tổng hợp các vướng mắc, bất cập để hoàn chỉnh đề cương giám sát. Việc gửi kế hoạch, đề cương giám sát cho cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát cần theo đúng tiến độ, bảo đảm thời gian chuẩn bị báo cáo.

Về tiến hành giám sát tại các cơ quan, đơn vị, cần kết hợp chặt chẽ giữa nghe báo cáo và khảo sát thực tế. Thành viên Đoàn giám sát phải nắm vững chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật về nội dung giám sát, nghiên cứu kỹ các báo cáo, kết hợp với xem xét các hồ sơ cần thiết có liên quan, ý kiến cần có tính chất vấn, phản biện... đặc biệt, cần thu thập thêm thông tin tại các buổi khảo sát thực tế, có xác minh tại chỗ để làm căn cứ đưa ra các nhận định, đề xuất các kiến nghị sau giám sát. Trong quá trình giám sát cần đi sâu, tìm hiểu kỹ tình hình thực hiện tại cơ sở, yêu cầu đối tượng giám sát cung cấp thông tin đầy đủ, chi tiết; có thể tổ chức các đoàn khảo sát để thu thập thông tin sâu hơn cho báo cáo kết quả giám sát.

Về báo cáo kết quả giám sát, cần đảm bảo tính khách quan, chính xác, trung thực, sát thực tế và quan trọng nhất là phải chỉ rõ những hạn chế, tồn tại cụ thể, những vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nêu ra được những kiến nghị, đề xuất rõ ràng, chính xác, phù hợp, khả thi gắn với các mốc thời gian cụ thể để các cơ quan tổ chức thực hiện được, tránh việc kết luận, kiến nghị chung chung, gây khó khăn cho việc thực hiện.

Đối với hoạt động giải trình, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cần tăng cường hoạt động giải trình về những vấn đề nổi cộm, bức xúc thuộc lĩnh vực phụ trách nhằm góp phần tăng cường hiệu quả, hiệu lực thực hiện pháp luật về cơ cấu lại ngành nông nghiệp; đồng thời giúp giảm tải nhóm vấn đề đưa ra giám sát và chất vấn tại kỳ họp Quốc hội cũng như tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Việc giải trình phải trọng tâm, trọng điểm, đúng phạm vi, chức năng của Hội đồng, Ủy ban.

Đối với các kiến nghị sau giám sát, quá trình theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị sau giám sát cần được xác định là quá trình tiếp tục của hoạt động giám sát, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; chưa có kết quả thực hiện kiến nghị sau giám sát đồng nghĩa với việc hoạt động giám sát chưa kết thúc. Đặc biệt, những vấn đề sau giám sát được kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được giải quyết cần tổ chức giám sát lại để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động giám sát. Trong trường hợp cần thiết, Quốc hội ban hành nghị quyết về thực hiện kiến nghị giám sát. Đây là biện pháp sử dụng vai trò quyền lực nhà nước để đảm bảo tính nghiêm minh trong giám sát, buộc các bên liên quan phải thực hiện.

Hồ Hương