"GIẢI TRÌNH" – PHƯƠNG THỨC THỰC HIỆN QUYỀN LỰC CỦA NHÂN DÂN TRONG “KIỂM SOÁT” HOẠT ĐỘNG BỘ MÁY NHÀ NƯỚC

08/08/2023

Hoạt động giải trình tại phiên họp của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội là phương thức quan trọng để Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội thực hiện quyền lực của Nhân dân trong việc “kiểm soát” hoạt động của các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước. Theo Ủy, viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Bùi Mạnh Khoa, hoạt động này cần được tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động trong thời gian tới.

TĂNG CƯỜNG HOẠT ĐỘNG GIẢI TRÌNH TẠI HỘI ĐỒNG DÂN TỘC VÀ CÁC ỦY BAN CỦA QUỐC HỘI

Phiên giải trình về nội dung “Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông và tình hình tổ chức triển khai dạy học trong bối cảnh Covid-19” của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục 

Theo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Giám sát là việc chủ thể giám sát theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Luật cũng quy định một trong những phương thức để cơ quan của Quốc hội thực hiện chức năng giám sát của mình đó là hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Theo đó, giải trình là việc cơ quan, cá nhân hữu quan giải thích, làm rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo yêu cầu của chủ thể giám sát quy định tại Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Như vậy, tổ chức phiên giải trình tại Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội là một trong những phương thức để các cơ quan của Quốc hội thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Mục đích của phiên giải trình là nhằm đánh giá việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật, trong đó tập trung các giải pháp để giải quyết nhanh chóng những vấn đề bức xúc, được đông đảo cử tri, Nhân dân quan tâm, phát sinh từ thực tiễn đời sống xã hội đòi hỏi cơ quan, tổ chức, cá nhân phải sớm giải quyết.

Hoạt động giải trình tại phiên họp của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội là phương thức để Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội thực hiện quyền lực của Nhân dân trong việc “kiểm soát” hoạt động của các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước. Thông qua phiên giải trình, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, đồng thời đưa ra những kết luận, yêu cầu, kiến nghị người giải trình phải thực hiện trong thời gian tới. Hoạt động giải trình vừa giúp tăng cường tính minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong bộ máy nhà nước, vừa là phương thức để các cơ quan của Quốc hội thực hiện “kiểm soát” việc thực hiện quyền lực của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong bộ máy nhà nước.

Cùng với hoạt động chất vấn, phiên giải trình được coi là một trong những công cụ hữu hiệu để bảo đảm nguyên tắc chủ quyền Nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Việc giao cho các cơ quan của Quốc hội – cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng cao nhất của nhân dân, do nhân dân trực tiếp bầu ra có nhiệm vụ giám sát hoạt động của các cơ quan hành pháp, tư pháp chính là một trong những hình thức quan trọng bảo đảm chủ quyền nhân dân. Hơn nữa, với tính chất “nhanh”, “gọn”, tập trung vào những vấn đề bức xúc, trong phạm vi hẹp, hoạt động giải trình có thể tạo ra những tác động, ảnh hưởng nhanh hơn so với các hình thức giám sát khác, góp phần thúc đẩy cơ quan, tổ chức, cá nhân sớm vào cuộc giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc phát sinh từ đời sống xã hội, kịp thời bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cử tri và nhân dân.

Ngoài ra, hoạt động giải trình còn góp phần củng cố mối quan hệ tương tác giữa Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội với công chúng. Theo quy định của pháp luật, các chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động của chính sách có thể được mời tham gia phiên giải trình và phát biểu ý kiến. Do đó, hoạt động giải trình chính là một kênh quan trọng để công chúng có thể tham gia vào hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội qua đó, góp phần tăng cường sự tương tác của các cơ quan này đối với cử tri, Nhân dân.

Việc tổ chức phiên giải trình tại Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội về những vấn đề được xã hội, cử tri quan tâm thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội sẽ tác động tích cực đến nhận thức và trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan giải trình. Thông qua phiên giải trình, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu giải trình có thể nhận thức được đầy đủ hơn về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình và kịp thời đề ra các giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, bảo đảm cho các hoạt động quản lý nhà nước được thực hiện thông suốt, đúng quy định của pháp luật;

Bên cạnh đó, việc tổ chức phiên giải trình giúp cho Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan đánh giá hiệu lực, hiệu quả của các văn bản quy phạm pháp luật đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương ban hành, qua đó từng bước kiến nghị xây dựng, hoàn thiện thể chế trong từng lĩnh vực cụ thể.

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Bùi Mạnh Khoa

Để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giải trình tại phiên họp của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Bùi Mạnh Khoa cho rằng, cần tổ chức nghiên cứu, thu thập, đánh giá kỹ các vấn đề được lựa chọn để giải trình cả về pháp luật và thực tiễn. Trường hợp cần thiết có thể làm việc trước với các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý nhà nước ngành, lĩnh vực có liên quan để nắm bắt vấn đề và xác định nội dung, phạm vi của vấn đề giải trình; đồng thời, tham khảo ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong việc giải quyết những vấn đề có liên quan để bảo đảm phiên giải trình nêu và giải quyết đúng, trúng vấn đề, mang lại hiệu quả thiết thực, kịp thời giải quyết những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn đời sống.

Bên cạnh đó, phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội thành viên Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội nhất là các đại biểu có chuyên môn sâu trong lĩnh vực được giải trình, các chuyên gia, nhà khoa học và đối tượng chịu sự tác động của chính sách để đề xuất, lựa chọn vấn đề giải trình, chuẩn bị tài liệu và những người cần được mời tham gia trực tiếp để làm rõ các vấn đề tại phiên giải trình.

Đồng thời, xây dựng, ban hành kế hoạch, đề cương báo cáo bám sát vấn đề cần giải trình gửi người được yêu cầu giải trình, người tham gia giải trình bảo đảm liên quan chặt chẽ đến việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao giúp cho công tác chuẩn bị được chủ động, hiệu quả.

Cùng với đó,nâng cao tinh thần trách nhiệm của các chủ thể tổ chức phiên giải trình và đối tượng giải trình, tham gia giải trình bảo đảm hoạt động giải trình được thực hiện một cách khách quan, khoa học, được tiến hành theo đúng trình tự, thủ tục và các nguyên tắc pháp luật quy định; đồng thời không làm ảnh hưởng đến tính độc lập hoặc hoạt bình thường của các cơ quan, cá nhân được yêu cầu giải trình.

Đặc biệt, cần việc tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về tiêu chí lựa chọn vấn đề giải trình, người được yêu cầu giải trình, người tham gia giải trình để đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giải trình tại phiên họp của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội trong thời gian tới./.

Thu Phương