ỦY BAN TƯ PHÁP KHẢO SÁT VIỆC CHẤP HÀNH LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN TẠI NGHỆ AN
Đại biểu Trần Văn Tuấn chủ trì buổi giám sát.
Ông Trần Văn Tuấn, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang chủ trì. Cùng dự có các ĐBQH: Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội; Đỗ Thị Việt Hà, Giám đốc Sở Tư pháp.
Hiện nay, TAND hai cấp tỉnh Bắc Giang gồm 4 tòa chuyên trách, 3 phòng chuyên môn, 10 TAND cấp huyện. Tổng biên chế 200 công chức và 40 nhân viên hợp đồng.
Thực hiện Luật Tổ chức TAND, TAND hai cấp tỉnh Bắc Giang thường xuyên kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức; bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, phẩm chất chính trị, đạo đức, tinh thần trách nhiệm, chấp hành đúng quy định của pháp luật và ngành.
Từ ngày 1/6/2015 đến nay, TAND hai cấp thụ lý gần 58 nghìn vụ, việc các loại, trong đó đã giải quyết gần 55,5 nghìn vụ, việc, còn lại đang giải quyết.
Ông Lương Xuân Lộc phát biểu ý kiến tại buổi giám sát.
Tại buổi giám sát, ông Lương Xuân Lộc, Chánh án TAND tỉnh Bắc Giang nêu một số khó khăn, vướng mắc, bất cập trong việc thi hành Luật Tổ chức TAND.
Cụ thể: Số lượng biên chế, thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký của TAND các cấp còn thiếu, nhất là thẩm phán ở các TAND cấp huyện. Biên chế chưa đáp ứng yêu cầu theo cơ cấu tổ chức, bộ máy, nhiệm vụ, thẩm quyền của các TAND, khối lượng công việc ngày càng nhiều dẫn đến áp lực công việc cao.
Mức phụ cấp bồi dưỡng xét xử cho hội thẩm tham gia nghiên cứu hồ sơ, xét xử còn thấp, không phù hợp với đặc thù nhiệm vụ phải thực hiện (đang áp dụng mức thẩm phán xét xử được hưởng 90 nghìn đồng/ngày; thư ký tham gia phiên tòa được hưởng 35 nghìn đồng/ngày).
Một số đại biểu khác phản ánh thực trạng hiện chưa có chế độ phụ cấp tương xứng dành cho cán bộ, công chức không có chức danh tư pháp công tác trong hệ thống TAND. Hiện cán bộ, công chức không có chức danh tư pháp không được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm và phụ cấp thâm niên nghề.
Công tác thi tuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại thẩm phán và các chức danh lãnh đạo, quản lý còn chậm. Việc gộp chức năng tổ chức cán bộ, thanh tra và thi đua khen thưởng thành một phòng tại TAND cấp tỉnh Bắc Giang là chưa phù hợp. Chức năng, nhiệm vụ của bộ phận hành chính tư pháp tại các tòa án chưa thống nhất, thiếu văn bản hướng dẫn.
Nhiều tòa án cơ sở vật chất, trụ sở chật hẹp, cũ nát, phương tiện làm việc thiếu, cũ hỏng không được bổ sung kịp thời…
Phát biểu tại buổi giám sát, đại biểu Trần Văn Tuấn thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng, TAND hai cấp trên địa bàn tỉnh đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Luật Tổ chức TAND, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Tuy vậy, số lượng biên chế công chức, lao động, thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký tòa phân bổ chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Còn cán bộ, công chức chưa đáp ứng tiêu chuẩn về năng lực, trình độ, phẩm chất và các điều kiện khác theo quy định. Một số cán bộ, công chức chưa tích cực nghiên cứu, học tập, rèn luyện để nâng cao năng lực, trình độ hiểu biết pháp luật, tinh thần trách nhiệm trong công việc.
Ông Đặng Ngọc Toàn, Phó Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Bắc Giang phát biểu ý kiến.
Đoàn giám sát đề nghị TAND hai cấp tiếp tục thực hiện đầy đủ Luật Tổ chức TAND và các quy định pháp luật liên quan về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của toà án, cán bộ, công chức và các chức danh tư pháp; chú trọng củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy.
Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử, giải quyết các vụ, việc theo thẩm quyền.
Phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện có hiệu quả Đề án số 16-ĐA/BCĐ ngày 24/7/2023 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh về “Nâng cao chất lượng công tác hội thẩm nhân dân và hoạt động của các đoàn hội thẩm nhân dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023 - 2026”.
Đối với những đề xuất, kiến nghị của TAND hai cấp, Đoàn ĐBQH ghi nhận, tổng hợp đầy đủ để tham gia ý kiến với Quốc hội trong kỳ họp tới.