DỰ ÁN LUẬT NHÀ Ở (SỬA ĐỔI): ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN CẢI TẠO, XÂY DỰNG LẠI NHÀ CHUNG CƯ

27/07/2023

Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) đã được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua. Theo các nhà quản lý, dự thảo luật cần bảo đảm hiệu lực pháp lý cao cũng như tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT NHÀ Ở (SỬA ĐỔI) 

Tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) đã được trình Quốc hội xem xét, thảo luận, cho ý kiến. Đây là dự án Luật quan trọng, liên quan đến lợi ích của mọi người dân, nhận được nhiều sự quan tâm của đông đảo cử tri, nhân dân cũng như các chuyên gia, nhà nghiên cứu.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, đối với quy định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, cơ quan soạn thảo hướng tới xác định trách nhiệm, vai trò của nhà nước cùng với doanh nghiệp, người dân trong việc cải tạo xây dựng lại nhà chung cư gắn với cải tạo, chỉnh trang đô thị nhằm tạo ra các khu nhà chung cư khang trang, hiện đại tạo môi trường sống văn minh cho người dân bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân…

Toàn cảnh phiên họp

Vì vậy, bên cạnh việc rà soát các quy định đã có của Luật Nhà ở 2014 về nội dung cải tạo, xây dựng nhà chung cư thì cần “Luật hóa” các quy định của Nghị định số 69/2021/NĐ-CP về các nội dung có liên quan như: nguyên tắc thực hiện, kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư, lập kế hoạch cải tạo xây dựng lại nhà chung cư, quy hoạch khu vực cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; lựa chọn chủ đầu tư, phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, cơ chế ưu đãi khuyến khích chủ đầu tư... để bảo đảm hiệu lực pháp lý cao cũng như tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, đặc biệt là tại các địa phương có nhiều nhà chung cư cũ thuộc diện cải tạo xây dựng lại như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Đối với quy định về phát triển nhà ở riêng lẻ của thành viên hộ gia đình, cá nhân, mục tiêu đặt ra là khuyến khích thành viên hộ gia đình, cá nhân phát triển nhà ở để kinh doanh phù hợp với nhu cầu thực tế nhưng phải đảm bảo phù hợp quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật xây dựng.  (Kinh nghiệm nước ngoài tại các Nhật Bản, Hàn Quốc loại hình nhà ở riêng lẻ nhiều tầng nhiều hộ ở rất phát triển ở khu vực đô thị, gần các trường đại học, bệnh viện… mô hình này đáp ứng nhu cầu nhà ở thực tế của người dân sinh sống, phù hợp với tài chính của người mua, việc quản lý, sử dụng cũng dễ dàng hơn so với nhà ở chung cư). Nâng cao vai trò quản lý Nhà nước trong việc kiểm soát hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở để kinh doanh của thành viên hộ gia đình, cá nhân.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị

Do đó, dự thảo luật bổ sung yêu cầu trong phát triển nhà ở của thành viên hộ gia đình, cá nhân đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng, phù hợp với quy hoạch và nhu cầu thực tế của người dân, đặc biệt là hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở nhiều tầng, nhiều hộ ở để kinh doanh của hộ gia đình, cá nhân tại khu vực đô thị. Bổ sung quy định về quản lý, sử dụng loại nhà ở nhiều tầng, nhiều hộ ở được thực hiện theo Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư do Bộ Xây dựng ban hành.

Về chính sách nhà ở xã hội, cơ quan soạn thảo đặt mục tiêu hoàn thiện cơ chế, chính sách nhà ở xã hội theo hướng đảm bảo công bằng, công khai, đúng đối tượng, đủ điều kiện, có sự tham gia của nhiều chủ thể. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội. Đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai đô thị, trong đó có đất ở đô thị. Đảm bảo đồng bộ quy định pháp luật về nhà ở và các pháp luật có liên quan   trong việc chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai dự án xây dựng nhà ở xã hội.

Mỗi đối tượng cần có chính sách riêng và cụ thể, đảm bảo đúng mục tiêu, đúng đối tượng và đủ điều kiện cũng như các chính sách ưu đãi phù hợp. Hạn chế việc phát triển nhà ở xã hội bằng vốn đầu tư công. Đa dạng hóa nguồn cung nhà ở xã hội thông qua việc bổ sung thêm các hình thức phát triển nhà ở xã hội phù hợp với thực tiễn; các cơ chế ưu đãi về đầu tư, đất đai, tài chính, thuế, trong đó tập trung đẩy mạnh khuyến khích tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú để cho thuê trong thời gian công tác/làm việc. Giảm bớt thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Cùng với đó, cần khắc phục những hạn chế, bất cập trong việc quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội, nâng cao trách nhiệm của các địa phương trong việc thực hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội; tăng cường hiệu quả khai thác và quản lý, sử dụng nguồn lực đất đai (trong đó có quỹ đất đô thị dành để xây dựng nhà ở xã hội).

Về hướng sửa đổi, bổ sung, đại diện cơ quan soạn thảo cho biết, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội; bổ sung quy định đối tượng là doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, hợp tác xã thuê nhà lưu trú công nhân để cho người lao động trong đơn vị mình thuê lại. Sửa đổi quy định về hình thức thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, trong đó có: nhà lưu trú công nhân, nhà ở cho lực lượng vũ trang. 

Ngoài ra, dự thảo luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện được hưởng chính sách nhà ở xã hội. Bổ sung quy định về nguyên tắc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội.

Minh Hùng