LUẬT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG (SỬA ĐỔI): QUY ĐỊNH NGUYÊN TẮC VỀ GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ TRONG HOẠT ĐỘNG NGÂN HÀNG

27/07/2023

Dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi đã được trình Quốc hội xem xét, thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua. Đại diện cơ quan soạn thảo cho biết, để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong luật hiện hành, dự thảo luật bổ sung các quy định điều chỉnh riêng đối với hoạt động cấp tín dụng bằng phương tiện điện tử; quy định nguyên tắc về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng.

QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG (SỬA ĐỔI)

Tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, dự án Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi đã được trình Quốc hội xem xét, thảo luận, cho ý kiến. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, cần hoàn thiện quy định về dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử và xây dựng khung pháp lý cho việc thử nghiệm ứng dụng công nghệ và triển khai các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong hoạt động ngân hàng, tạo nền tảng cho việc ứng dụng các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Đại diện cơ quan soạn thảo cho biết, tình hình triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng còn một số bất cập như: Quy định về hoạt động ngân hàng bằng phương tiện điện tử tại Luật hiện chưa đầy đủ, chưa rõ ràng. Về hoạt động ngân hàng số, có hai xu hướng phát triển chính là:  Ngân hàng truyền thống chuyển đổi số, số hóa hoạt động (digital banking) để cung ứng dịch vụ và vận hành trên môi trường số; Các tổ chức không phải ngân hàng ứng dụng công nghệ số cung ứng dịch vụ ngân hàng và hoạt động hoàn toàn trên kênh số (digital bank). Thực tế thời gian qua, triển khai kế hoạch, chính sách về chuyển đổi số, nhiều ngân hàng Việt Nam đã đầu tư ứng dụng công nghệ để số hóa sản phẩm dịch vụ, hợp tác với công ty công nghệ tài chính (Fintech) để triển khai các kênh phân phối riêng.

Quang cảnh phiên họp

Luật Các TCTD chưa đề cập đến những nội dung hỗ trợ cho việc phát triển hoạt động cho vay qua sử dụng các phương tiện điện tử (như TCTD yêu cầu khách hàng cung cấp nhiều chứng từ, hồ sơ tài liệu trước khi quyết định cấp tín dụng, tách bạch khâu thẩm định và quyết định cấp tín dụng, lưu trữ hồ sơ, tài liệu).

Nếu vấn đề không được giải quyết, những khó khăn, bất cập nêu trên nếu chưa được giải quyết sẽ ảnh hưởng tới quá trình phát triển ứng dụng công nghệ trong hoạt động ngân hàng do chưa có đầy đủ khung pháp lý để triển khai thực hiện. Đại diện cơ quan soạn thảo cho biết, nguyên nhân gây ra vấn đề là do Luật các TCTD được ban hành và thực thi được hơn 12 năm (được sửa đổi bổ sung năm 2017), thực tiễn đã có nhiều thay đổi dẫn đến một số quy định tại Luật không thật sự phù hợp hoặc chưa đầy đủ, chưa đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn.

Theo đại diện cơ quan soạn thảo, mục tiêu giải quyết vấn đề là nhằm hoàn thiện hệ thống khuôn khổ pháp lý cho phát triển công nghệ số trong ngành ngân hàng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng có đầy đủ cơ sở pháp lý để đẩy mạnh phát triển các sản phẩm số, thực hiện các hoạt động ngân hàng bằng phương tiện điện tử. Đặc biệt, việc hoàn thiện các hành lang pháp lý để đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, dữ liệu khách hàng là vô cùng quan trọng trong công tác quản lý dữ liệu lĩnh vực ngân hàng, tài chính; tạo nền tảng cho việc ứng dụng các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, hướng tới sự phát triển vững mạnh, hiện đại của ngân hàng trong tương lai.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng

Đề xuất các giải pháp giải quyết vấn đề, nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung quy định về xét duyệt cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay trong đó bổ sung các quy định điều chỉnh riêng đối với hoạt động cấp tín dụng bằng phương tiện điện tử; quy định nguyên tắc về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng; sửa đổi, bổ sung làm rõ quy định về yêu cầu bảo đảm an toàn giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng; bổ sung quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát việc ứng dụng công nghệ và triển khai các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong hoạt động ngân hàng.

Đánh giá tác động của chính sách này, cơ quan soạn thảo cho rằng, giải pháp này sẽ tạo lập cơ sở để hoàn thiện khung pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động ngân hàng, thúc đẩy các ngân hàng đổi mới và triển khai các hoạt động ngân hàng bằng phương tiện điện tử, cung cấp cho khách hàng trải nghiệm nhanh chóng, thuận tiện, linh hoạt hơn. Trước mắt TCTD có thể phát sinh chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng, tuy nhiên về lâu dài, chính sách này góp phần giảm chi phí vận hành, tăng tốc độ giao dịch, tăng năng suất lao động; tiết kiệm chi phí, thời gian, tiện lợi về địa điểm giao dịch, tăng cường bảo mật cho khách hàng.

Bên cạnh đó, chính sách này sẽ góp phần đảm bảo hoạt động của TCTD phù hợp với quá trình chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, tạo điều kiện để TCTD đưa ra các sản phẩm sáng tạo đột phá mới để mở rộng những mô hình kinh doanh trong bối cảnh CMCN 4.0 và phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hàng.

Về tính thống nhất và khả thi, việc thực hiện giải pháp này nhằm khắc phục những vướng mắc của các quy định tại Luật các TCTD trên thực tiễn, qua đó đảm bảo cơ sở pháp lý đầy đủ tạo nền tảng cho việc ứng dụng các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, hướng tới sự phát triển vững mạnh, hiện đại của ngân hàng trong tương lai.

Minh Hùng