ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA UBTVQH LÀM VIỆC VỚI CÁC TẬP ĐOÀN VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG
ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TẠI GIA LAI
Đoàn Giám sát Chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 làm việc với tỉnh Sơn La.
Báo cáo với đoàn Giám sát, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công cho biết: Ngành năng lượng Sơn La trong giai đoạn 2016-2021 chủ yếu là ngành điện (thủy điện); ngành than không phát triển do trữ lượng thấp, các vỉa than mỏng và rất mỏng ít có giá trị công nghiệp, hoặc không có giá trị công nghiệp; không có hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí.
Giai đoạn 2016-2021, tỉnh Sơn La đã hoàn thành đi vào vận hành phát thêm được 18 thủy điện nhỏ. Đến năm 2021, trên địa bàn tỉnh có tổng số 57 thuỷ điện hoạt động phát điện 3.720MW, sản lượng điện sản xuất trung bình hàng năm của thủy điện cả tỉnh khoảng từ 12 đến 15 tỉ KWh, chiếm khoảng 5-6% tổng sản lượng điện thương phẩm của Việt Nam năm 2022, đóng góp lớn vào giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp tỉnh Sơn La (khoảng 80%). Về tiêu thụ điện năm 2021 là 673 triệu kWh, dự kiến đến năm 2025 lượng điện tiêu thụ toàn tỉnh là 980 triệu kWh. Như vậy, nguồn cung điện của tỉnh Sơn La lớn hơn nhiều so với nhu cầu tiêu thụ của tỉnh, đủ để đảm bảo cho phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn Phòng Quốc hội Bùi Văn Cường và các thành viên Đoàn giám sát.
Báo cáo của UBND tỉnh Sơn La cũng chỉ ra những tồn tại hạn chế trong việc phát triển năng lương như: Việc lập Quy hoạch thủy điện nhỏ mặc dù đã được UBND tỉnh lập Quy hoạch tổng thể (được phê duyệt tại Quyết định số 244/QĐ – UBND ngày 23/01/2007) tuy nhiên trong giai đoạn 2016-2021 chưa được tỉnh rà soát tổng thể để điều chỉnh, bổ sung vào Quy hoạch do vậy một số công trình đã được quy hoạch chi tiết và ở dạng tiềm năng vẫn chưa chuẩn xác được quy mô công suất, phương án khai thác, phân kỳ đầu tư thực hiện dự án dẫn đến một số dự án (nhất là các vị trí tiềm năng) phải điều chỉnh, bổ sung cục bộ theo từng dự án. Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế được UBND tỉnh Sơn La chỉ ra là do nguồn kinh phí để lập Quy hoạch các dự án nguồn điện còn hạn hẹp tỉnh Sơn La thực hiện xã hội hoá giao cho doanh nghiệp thực hiện khảo sát, lập hồ sơ Quy hoạch chi tiết để trình cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung vào quy hoạch. Đồng thời, việc phát triển các nguồn cung năng lượng chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh, trên địa bàn tỉnh Sơn La mới chỉ phát triển được thủy điện, chưa có các dự án năng lượng tái tạo từ nguồn điện gió, điện mặt trời.
Đối với việc thực hiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả UBND tỉnh Sơn La đã phê duyệt chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên đia bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020 và giai đoạn 2021-2025. Với mục tiêu phấn đấu tiết kiệm từ 4 - 6% tổng mức tiêu thụ năng lượng toàn tỉnh so với dự báo.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công báo cáo tại buổi làm việc.
Về xử lý các dự án năng lượng chậm tiến độ, gặp khó khăn, vướng mắc, tỉnh Sơn La cho biết không có các dự án chậm tiến độ, tuy nhiên có 02 dự án vướng mắc về thủ tục pháp lý nên chưa triển khai được. Đó là Thủy điện Nậm Trai 3: dừng triển khai từ năm 2012 do trùng vị trí quy hoạch với thủy điện Phìn Hồ, tỉnh Yên Bái, UBND tỉnh Yên Bái đã thu hồi Giấy Chứng nhận đầu tư đối với các hạng mục bên tỉnh Yên Bái. UBND tỉnh Sơn La đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì kiểm tra, đánh giá và đề xuất ướng xử lý dứt điểm tình trạng chậm tiến độ của dự án thủy điện Nậm Trai 3. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã dự kiến thanh tra dự án thủy điện Nậm Trai trong năm 2022, tuy nhiên đến thời điểm khảo sát dự án để thanh tra theo quy định, nhà đầu tư (Công ty cổ phần Hùng Thuỷ) đang tham gia vụ kiện với Công ty cổ phần xây dựng và thương mại Ngọc Thanh. Sở kế hoạch và đầu tư sẽ thanh tra trong năm 2023. Dự án thủy điện Quang Huy: Dự án chưa thể triển khai thi công do nhân dân chưa đồng thuận tại bước Đánh giá tác động môi trường. Ngày 26/10/2022, Chủ đầu tư dự án (Công ty cổ phần năng lượng Việt Cường) đã có Công văn số 02/VC-CV ngày 26/10/2022 về việc xin tạm dừng triển khai dự án thủy điện Quang Huy.
Báo cáo kết quả giám sát bước đầu việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng tại tỉnh Sơn La, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: tổ công tác cho rằng tỉnh đã thể chế hóa cơ bản đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về phát triển năng lượng phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương, đồng thời tổ chức thực hiện một cách hiệu quả, qua đó đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên tổ công tác cũng cho rằng tỉnh chưa tổng kết, đánh giá kết quả, sự tác động và ảnh hưởng của việc thực hiện nội dung quy hoạch về phát triển điện lực tại địa phương trong quy hoạch tỉnh theo quy định tại điểm đ Khoản 2 Nghị định 08/2018/NĐ-CP; chưa xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí thực hiện để bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước đối với kinh phí hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại địa phương theo quy định tại điểm a Khoản 4 Điều 1 Quyết định số 280/QĐ-TTg; chưa rà soát, lập danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 21/2011/NĐ-CP của Chính phủ.
Ngoài ra, qua rà soát báo cáo cho thấy, Tỉnh chưa ban hành chính sách riền để khuyến khích, hỗ trợ phát triển năng lượng, chủ yếu đang lồng ghép trong một số chính sách chung của Tỉnh.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn Phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Phó trưởng đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng, Tổ công tác cho rằng, cần đánh giá cụ thể chất lượng đội ngũ công chức hiện tại và dự báo nhu cầu nhân lực tại lĩnh vực năng lượng trong thời gian tới, cơ chế phối hợp giữa Trung ương và địa phương, nhất là các dự án do EVN làm chủ đầu tư, giữa các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh; phân công, phân cấp trong quản lý nhà nước về năng lượng nói chung và từng lĩnh vực năng lượng nói riêng. Về công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm, Tổ công tác cho rằng, báo cáo chưa nêu rõ về các tồn tại, sai sót đã được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra, biện pháp và kết quả xử lý. Ngoài ra, đề nghị phân tích, làm rõ thêm về các tồn tại, sai phạm trong lĩnh vực thủy điện nhỏ, dự án điện mặt trời mái nhà.
Về dự án thủy điện nhỏ, Báo cáo đã nêu số lượng các dự án thủy điện nhỏ nhưng không có danh mục dự án. Tổ công tác đề nghị Tỉnh bổ sung danh mục và diện tích rừng đã chuyển đổi, đánh giá đầy đủ các tác động, ảnh hưởng của dự án đến công trình hạ tầng xung quanh, tốc độ bồi lắng lòng hồ, khả năng cắt lũ, việc duy trì dòng chảy tối thiểu sau đập, chất lượng các nhà máy sau khi vận hành, các giải pháp khắc phục khi sự cố xảy ra.
Về các dự án thủy điện lớn, tại thời điểm tổ công tác xuống khảo sát, Dự án Thủy điện Sơn La chỉ vận hành được 01 tổ máy để duy trì mực nước do mực nước quá thấp. Sản lượng điện 6 tháng đầu năm chỉ đạt dưới 29%. Tổ công tác ghi nhận các tồn tại bât cấp và các kiến nghị mà Nhà máy phản ánh, đồng thời đề nghị UBND tỉnh, các cơ quan liên quan sớm nghiên cứu và có giải pháp tháo gỡ, nhất là đề nghị mở rộng công suất nhà máy từ 2.400MW lên 3.200MW, tránh lãng phí khi phải xả thừa 1,2 tỷ m3 nước, tương đương 300 triệu KWh (số liệu do Nhà máy cung cấp tính từ khi bắt đầu vận hành đến hết năm 2022).
Lãnh đạo tỉnh Sơn La tại buổi làm việc.
Về nội dung phát triển năng lượng trong quy hoạch tỉnh, báo cáo tỉnh cho thấy, giai đoạn 2016-2021 tỉnh không có quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng. Tổ công tác cho rằng, ngành năng lượng có tính hệ thống cao, do vậy việc tỉnh phát triển quy hoạch năng lượng thông qua việc thực hiện các quy hoạch điện, than, dầu khí, điện mặt trời... là chưa phù hợp. Đề nghị Tỉnh báo cáo rõ hơn nội dung này.
Theo báo cáo của tỉnh Sơn La thì việc lập, rà soát, bổ sung quy hoạch các dự án năng lượng còn một số bất cập xuất phát từ nguyên nhân cả khách quan và chủ quan. Tổ công tác cho rằng, một số trong bất cập cần phân tích, đánh giá rõ nét hơn nữa đó là trách nhiệm của các cơ quan trong việc lập quy hoạch và nguồn vốn sử dụng trong việc lập quy hoạch phát triển năng lượng. Ví dụ như việc lập quy hoạch nên sử dụng NSNN hay xã hội hóa?.
Về chuyển dịch năng lượng và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Quang cảnh buổi làm việc.
Về khả năng đáp ứng mục tiêu trung hoà carbon trong thời gian tới, đề nghị Tỉnh báo cáo làm rõ hơn định hướng và giải pháp đạt mục tiêu phát thải ròng Các-bon bằng không vào năm 2050 theo cam kết của Thủ tướng tại COP26? Ngoài ra, Báo cáo chưa rõ, chưa đáp ứng được yêu cầu của Đề cương về những thách thức, cơ hội, những vấn đề đặt ra và giải pháp trong quá trình chuyển dịch năng lượng, tác động của quá trình phát triển năng lượng đến môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và tình hình phát thải khí nhà kính; việc thực hiện các quy định về đánh giá tác động môi trường đối với các dự án phát triển năng lượng, đặc biệt là các dự án phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời,...); về thu gom xử lý các chất thải, tấm pin mặt trời thay thế do hỏng hóc hàng năm và tấm pin sau khi hết hạn sử dụng; về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, rừng, mặt nước để phát triển năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo, thủy điện nhỏ, lưới truyền tải điện.
Về vấn đề an sinh xã hội liên quan đến phát triển năng lượng, qua giám sát, Tổ công tác nhận thấy, việc đền bù, di dân, tái định cư tại một số dự án phát triển năng lượng chưa đáp ứng được tiêu chí bảo đảm sinh kế và an sinh cho người dân, báo cáo chưa làm rõ được nguyên nhân chủ quan, khách quan, chưa làm rõ các bất cập trong chính sách di dân, tái định cư và an sinh xã hội.