GIÁM SÁT VỀ NHÀ Ở XÃ HỘI: CẦN ĐỊNH HÌNH RÕ HỆ THỐNG CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐÚNG ĐỐI TƯỢNG THỤ HƯỞNG, HẠN CHẾ TỐI ĐA VIỆC TRỤC LỢI

24/07/2023

Đóng góp ý kiến vào thực hiện hiệu quả chuyên đề giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội”, nhiều ĐBQH cho rằng, cần định hình rõ hệ thống chính sách hỗ trợ để đúng đối tượng thụ hưởng, hạn chế tối đa việc trục lợi từ hỗ trợ chính sách nhà ở xã hội.

THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT THÀNH LẬP ĐOÀN GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ VỀ THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN VÀ PHÁT TRIỂN NHÀ Ở XÃ HỘI

ĐBQH NGUYỄN THỊ SỬU: TĂNG CƯỜNG GIÁM SÁT NHỮNG KẾT QUẢ, YÊU CẦU ĐÃ ĐƯỢC CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ, CHỨC NĂNG CÔNG BỐ

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” để thực hiện trong năm 2024.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết: Nội dung giám sát chuyên đề trên bao gồm việc ban hành chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2015 - 2023; trong đó tập trung vào việc ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Nội dung giám sát cũng bao gồm tình hình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội; thực trạng công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, trong đó tập trung vào một số nội dung. Cụ thể, đối với thị trường bất động sản là làm rõ các khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản; tình hình xử lý các sai phạm trong lĩnh vực bất động sản; tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của tồn tại, hạn chế xuất phát từ thể chế, quy định pháp luật và việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai, quy hoạch, đầu tư, nhà ở, đô thị, xây dựng, nguồn vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp…

Đối với phát triển nhà ở xã hội, nội dung giám sát tập trung vào Chương trình, kế hoạch, các hình thức phát triển nhà ở xã hội; đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội; quỹ đất, nguồn vốn để xây dựng nhà ở xã hội; việc thực hiện dự án nhà ở xã hội (bao gồm: trình tự, thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội, trong đó có việc lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội); loại nhà và tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội; việc xác định giá thuê, giá thuê mua, giá bán nhà ở xã hội; nguyên tắc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội; quản lý, vận hành nhà ở xã hội.

Các đại biểu Quốc hội ấn nút thông qua Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.

Đóng góp vào việc triển khai hiệu quả chuyên đề quyết giám sát trên, đại biểu Lê Thanh Hoàn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá tán thành đưa chuyên đề này vào chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 nhưng cần tập trung hơn về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Bởi chính sách nhà ở xã hội là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Trước năm 1992, Nhà nước đã thực hiện chính sách phân phối nhà ở cho cán bộ, công nhân, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị Nhà nước. Đến năm 1991, với sự ra đời của Pháp lệnh Nhà ở thì chính sách bao cấp về nhà ở đã được xóa bỏ. Tuy nhiên, khái niệm nhà ở xã hội mới xuất hiện chính thức lần đầu trong Luật Nhà ở năm 2005 với ý nghĩa nhà ở xã hội là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế - xã hội, góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội. Luật Nhà ở năm 2014 tiếp tục kế thừa chính sách về nhà ở xã hội. Theo đó, Nhà nước sẽ ban hành cơ chế chính sách miễn, giảm thuế, miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tín dụng dài hạn với lãi suất ưu đãi, cơ chế tài chính khác và để hỗ trợ thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, chỗ ở cho người dân, đặc biệt là cho đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội thực tế còn khoảng cách rất xa so với mục tiêu và nhu cầu đề ra. Thực tế còn xảy ra tình trạng nhà ở xã hội có địa điểm không có người tham gia, trong khi đó có nơi số lượng người tham gia lại quá đông. Cách xác định đối tượng người mua nhà ở xã hội cũng còn gây nhiều dư luận khác nhau.

 Đại biểu Lê Thanh Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá.

Để phát triển nhà ở xã hội thực sự đạt yêu cầu, mục đích, Đoàn giám sát của Quốc hội cần phải định hình rõ hệ thống chính sách hỗ trợ để đúng đối tượng thụ hưởng, hạn chế tối đa việc trục lợi từ hỗ trợ chính sách nhà ở xã hội. Do đó, đại biểu Lê Thanh Hoàn đề nghị phạm vi giám sát cần phải toàn diện, cần có sự đánh giá xuyên suốt quá trình phát triển nhà ở.

Theo đại biểu Lê Thanh Hoàn, để quán triệt và thực hiện tốt chủ trương của Đảng tại Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021- 2030, cần tập trung giải quyết cơ bản nhu cầu về nhà ở cho người dân, bổ sung cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển mạnh mẽ nhà ở xã hội. Theo đó, đại biểu Lê Thanh Hoàn đề nghị nội dung giám sát cần tập trung rõ và trả lời được các vấn đề sau cụ thể: Ai đang sinh sống trong nhà ở xã hội, tổ chức nào cung cấp nhà ở xã hội, nhà ở xã hội được trợ cấp và hỗ trợ như thế nào, thực trạng quản lý, sử dụng nhà ở xã hội trong thời gian qua ra sao, mục tiêu, ý nghĩa chính sách của nhà ở xã hội thông qua kết quả đạt được như thế nào?

Cùng với đó, cần làm rõ một số nội dung về nhà ở xã hội như: Môi trường, cơ sở vật chất của các khu nhà ở xã hội, gồm các đặc điểm và điều kiện bên ngoài của khu nhà, cây xanh, mức độ ô nhiễm, tiêu chuẩn bảo trì; tiếp đến là môi trường xã hội, như bảo đảm an toàn trật tự xã hội, trình độ, ý thức và lối sống của những người tại khu vực có nhà ở xã hội. Ngoài ra là địa điểm và cơ sở vật chất công cộng như chợ, nhà hàng, khu vực thể thao, sân chơi, địa điểm văn hóa. Cuối cùng là địa điểm và kết nối giao thông với ý nghĩa khả năng liên kết tiếp cận khu nhà ở xã hội, từ nhà ở xã hội đến nơi làm việc của người dân cũng như đến các địa điểm khác trong cùng địa phương.

Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai.

Đề cập thêm về nội dung trên, đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai nêu quan điểm: Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội hiện có tính thời sự rất cao vì Quốc hội đang lấy ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật  Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Theo đại biểu Trịnh Xuân An, trong việc thực hiện chuyên đề giám sát này, những vấn đề nào mà người dân, thị trường đang yêu cầu làm rõ, giải quyết thì cần được triển khai. Đặc biệt là việc cân đối trong các phân khúc, điều tiết thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội cho người dân; đồng thời tạo môi trường pháp lý đầy đủ, đồng bộ, tránh tạo sự xung đột về bất động sản và điều tiết được nhà ở để phục vụ cho các tầng lớp Nhân dân một cách phổ quát. Ngoài ra, việc thực hiện chuyên đề giám sát còn là phát hiện, xử lý những sai phạm liên quan đến quản lý thị trường bất động sản và nhà ở.

Với những ý kiến, đề xuất như trên, các ĐBQH kỳ vọng Quốc hội sẽ thực hiện chuyên đề giám sát một cách kỹ lưỡng, giải quyết được tận gốc những vấn đề còn đang bất cập, nổi cộm trong thực tiễn cuộc sống để việc quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới được khơi thông, minh bạch, đáp ứng được nhu cầu thực tế của người dân./.

Bích Lan