PGS.TS DOÃN HỒNG NHUNG: CẦN BAN HÀNH MỘT ĐẠO LUẬT RIÊNG BIỆT VỀ HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

15/07/2023

Theo PGS.TS Doãn Hồng Nhung, giảng viên cao cấp - Đại học Quốc gia Hà Nội, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khi những sáng kiến, phát minh tân tiến liên tục ra đời làm thay đổi nhanh chóng các biểu hiện, sự tồn tại của các quan hệ Thương mại điện tử, cần phải có những giải pháp phù hợp để nâng cao hiệu lực thi hành pháp luật Thương mại điện tử. Theo đó, pháp luật hoạt động Thương mại điện tử hiện nay cũng cần được pháp điển để tạo thành một khung khổ pháp luật có tính thống nhất tính đồng bộ,...

Thị trường thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ

Cần thiết xây dựng và hoàn thiện pháp luật về Thương mại điện tử

Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 đã tạo nên một sự thay đổi lớn về phương thức và cách thức làm việc, giao dịch trong nền kinh tế hội nhập ở Việt Nam hiện nay. Sự ra đời của trí tuệ nhân tạo (AI), Internet of Things (IoT) và Dữ liệu lớn (Big Data) đã khiến cho rất nhiều ngành nghề, hoạt động kinh doanh buộc phải thay đổi, cải tiến để phù hợp với thời đại và thích nghi với tốc độ phát triển công nghệ thông tin của kỷ nguyên số. Sự tác động của công nghệ đối với pháp luật cũng không phải ngoại lệ, Chính phủ điện tử ra đời và hàng loạt sự đổi mới về lưu trữ và sử dụng dữ liệu liên quan đến các lĩnh vực về doanh nghiệp, dân cư, đất đai, y tế, giáo dục, bảo hiểm, an ninh, sản xuất, v.v… đã tạo nên một bước đột phá lớn, thay thế những cách làm việc truyền thống trước đây.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khi những sáng kiến, phát minh tân tiến liên tục ra đời làm thay đổi nhanh chóng các biểu hiện, sự tồn tại của các quan hệ Thương mại điện tử, chúng ta càng cần phải có những giải pháp phù hợp để nâng cao hiệu lực thi hành pháp luật Thương mại điện tử.

Trong kế hoạch tổng thể phát triển Thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ hoàn thiện khung pháp lý là một trong các mục tiêu tổng quát đến năm 2025.

PGS.TS Doãn Hồng Nhung, giảng viên Cao cấp - Chuyên ngành Luật Kinh tế, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

PGS.TS Doãn Hồng Nhung cho biết, pháp luật Việt Nam hiện hành đang tồn tại nhiều khoảng trống pháp lý trong giải quyết tranh chấp thương mại điện tử thể hiện ở một số khía cạnh như sau:

Một là, về phương thức giải quyết tranh chấp đặc thù trong thương mại điện tử: Trong kinh doanh mua bán thương mại, việc gặp gỡ giao lưu giữa các bên mua bán là cần thiết. Nhưng do tác động của dịch bệnh Covid 19 cho chúng ta thấy nhu cầu về thương mại điện tử đã đăng và sẽ tăng nhanh do việc gặp gỡ, giao lưu bị hạn chế tiếp xúc trực tiếp thì thương mại điện tử đã có cơ hội phát triển nhanh chóng hơn bao giờ  hết.

Sự phát triển nhanh, mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng công nghệ số, chất lượng dịch vụ công nghệ xuất hiện. Những quy định pháp luật trong  kinh doanh thương mại trước đây không điều chỉnh được những tình huống thương mại mới phát sinh với những hành vi thương mại giao kết, đặt hàng, mua bán… Những vấn đề tranh chấp mới nảy sinh khi giao kết và thực hiện các hợp đồng giao dịch điện tử xuất hiện đòi hỏi cần có phương thức giải quyết tranh chấp riêng biệt cho các quan hệ xã hội cùng dựa trên nền tảng công nghệ số, công nghệ thương mại điện tử.

Luật giao dịch điện tử năm 2005 và Nghị định số 52/2013/NĐ-CP không có quy định riêng biệt cho vấn đề giải quyết tranh chấp trong thương mại điện tử, việc áp dụng phương thức giải quyết tranh chấp trong thương mại điện tử sẽ áp dụng tương tự như đối với các tranh chấp dân sự, thương mại bao gồm: thương lượng, hòa giải, trọng tài và tòa án. Những phương thức giải quyết tranh chấp truyền thống nêu trên đa phần đòi hỏi phải có sự tiếp xúc trực tiếp giữa các bên tranh chấp với bên giải quyết tranh chấp, đôi khi tốn kém nhiều về mặt chi phí, thời gian của các bên. điều này chưa phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử, khi mà số lượng tranh chấp trong lĩnh vực thương mại điện tử ngày càng nhiều đòi hỏi cần có một phương thức giải quyết tranh chấp linh hoạt hơn.

Hai là, vấn đề xác định giá trị của chứng cứ điện tử trong thủ tục tố tụng tại Tòa án: Mặc dù Luật Giao dịch điện tử 2005 và Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 đã thừa nhận giá trị pháp lý của chứng cứ điện tử, thông qua một số quy định như: Dữ liệu điện tử là nguồn của chứng cứ. Thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử. Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 chưa có quy định cụ thể về quy trình thu nhập chứng cứ điện tử, căn cứ xác minh tính chính xác của dữ liệu điện tử… Chính vì vậy, việc thu thập, đánh giá chứng cứ và xác định tính hợp pháp của chứng cứ điện tử trên thực tế là không dễ dàng.

Pháp luật hiện hành cũng chưa có một quy định cụ thể để làm cơ sở hướng dẫn thủ tục xác minh tính hợp pháp của chứng cứ điện tử thể hiện bằng ngôn ngữ không phải tiếng Việt. Để một dữ liệu điện tử thể hiện bằng tiếng nước ngoài được xem là nguồn của chứng cứ thì tài liệu đó phải được công chứng, chứng thực. Bởi lẽ, theo quy định tại Khoản 3 Điều 96 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì:“Đương sự giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ bằng tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài phải kèm theo bản dịch sang tiếng Việt, được công chứng, chứng thực hợp pháp”....

Giải pháp hoàn thiện pháp luật về Thương mại điện tử

Nêu giải pháp hoàn thiện pháp luật về thương mại điện tử, PGS.TS Doãn Hồng Nhung cho rằng, cần xây dựng hành lang pháp lý khoa học, đồng bộ, cụ thể: Cần bổ sung thêm các hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn trong quá trình giao kết hợp đồng thương mại điện tử giữa các bên, nên chăng chúng ta cần từng bước nghiên cứu và ứng dụng công chứng điện tử cho các loại hợp đồng thương mại điện tử để đảm bảo tính xác thực, nhanh chóng, kịp thời và phòng ngừa rủi ro và xây dựng các chế tài đủ mạnh xử phạt liên quan đến các hành vi vi phạm. 

Đồng thời, cần bổ sung thêm các quy định pháp lý nhằm minh bạch thông tin hàng hóa, dịch vụ trong thương mại điện tử và tăng cường trách nhiệm của chủ sàn thương mại, cũng như các cơ quan quản lý hoạt động thương mại điện từ. Để ngăn chặn tình trạng một số đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... gây thiệt hại cho người tiêu dùng. 

Để xác định được độ tin cậy của chữ ký điện tử, pháp luật cũng cần quy định một cơ quan trung gian có thẩm quyền chứng thực tính xác thực và đảm bảo độ tin cậy của chữ ký điện tử. Tính hợp pháp trong Thương mại điện tử còn đòi hỏi ở việc phải đảm bảo tính bảo mật và tôn trọng quyền riêng tư. Cá nhân được quyền đảm bảo bí mật các thông tin về đời tư Khi thực hiện các giao dịch Thương mại điện tử.

Cũng theo PGS.TS Doãn Hồng Nhung cần nghiên cứu ban hành chế tài đối với hành vi “Gian lận Thương mại điện tử ” phát hiện nhiều đường dây, tổ chức, cá nhân có hoạt động thu thập, mua bán dữ liệu cá nhân trái phép. Hoạt động này diễn ra phổ biến, đặt ra thách thức đối với an ninh dữ liệu quốc gia, uy tín của doanh nghiệp, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân phá đường dây có hoạt động mua bán dữ liệu cá nhân với tính chất, mức độ và số lượng lớn.

Thực thi pháp luật cần tôn trọng nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật của thương nhân trong hoạt động thương mại. WTO đã đưa ra một số những nguyên tắc cơ bản làm kim chỉ nam của hệ thống thương mại đa bên như: Nguyên tắc đối xử tối huệ quốc (MFN) quy định rằng, các quốc gia không thể phân biệt đối xử với các đối tác thương mại của mình ; Nguyên tắc đối xử quốc gia (NT) là đối xử bình đẳng giữa sản phẩm nước ngoài và sản phẩm nội địa;...

PGS.TS Doãn Hồng Nhung nhấn mạnh, sự phát triển nhanh chóng của Thương mại điện tử gắn liền với sự ra đời của rất nhiều các mô hình kinh doanh mới chiếm lĩnh thị trường tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, thu hút được nhiều tầng lớp nhân dân và sự quan tâm của tất cả các nhà hoạch định chính sách và xây dựng hệ thống pháp luật. Chính Phủ đã ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 52/2003/NĐ-CP về Thương mại điện tử, trong đó có 08 điểm mới đáng chú ý: Thêm chủ thể của hoạt động Thương mại điện tử là dịch vụ Logistic; quy định cụ thể về trách nhiệm cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ của người bán; Bắt buộc công bố về chính sách kiểm hàng trên website Thương mại điện tử; Các hoạt động mua bán hàng hóa trên mạng xã hội Facebook, instagram, zalo…trở thành đối tượng được điều chỉnh của pháp luật Thương mại điện tử, người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp các hoạt động mua bán phải trả phí và thực hiện đăng ký theo quy định; Bổ sung thêm trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp sàn giao dịch Thương mại điện tử; Đăng ký thiết lập website Thương mại điện tử chỉ cần nộp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh bản sao; Quy định chi tiết về thủ tục đăng ký hoạt động chứng thực hợp đồng điện tử; Quy định thêm về hoạt động Thương mại điện tử của thương nhân, tổ chức nước ngoài. Nghị định sẽ chính thức có hiệu lực từ 01/01/2022.

Vì vậy, pháp luật hoạt động Thương mại điện tử hiện nay ở Việt Nam cần được pháp điển để tạo thành một khung khổ pháp luật có tính thống nhất tính đồng bộ, khoa học và hiệu quả khi áp dụng. Trong bối cảnh này, việc ban hành một đạo luật riêng biệt về hoạt động Thương mại điện tử hiện nay là rất cần thiết./.

Lê Anh