TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ CÔNG TÁC 6 THÁNG ĐẦU NĂM CỦA QUỐC HỘI, CÁC CƠ QUAN CỦA QUỐC HỘI: ĐẠT KẾT QUẢ TÍCH CỰC, TOÀN DIỆN TRÊN TẤT CẢ CÁC MẶT

10/07/2023

Cho ý kiến về dự thảo Báo cáo Kết quả công tác chủ yếu tháng 6 và 6 tháng đầu năm tại cuộc họp giao ban của Lãnh đạo Quốc hội với Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội, các ý kiến đã nhấn mạnh những kết quả đạt được trong công tác 6 tháng đầu năm với nhiều điểm nhấn đổi mới, hiệu quả.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ CHỦ TRÌ CUỘC HỌP GIAO BAN CỦA LÃNH ĐẠO QUỐC HỘI VỚI CÁC CƠ QUAN CỦA QUỐC HỘI, CÁC CƠ QUAN THUỘC UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: NHIỀU NỖ LỰC, CÁCH LÀM MỚI, SÁNG TẠO, TỪNG BƯỚC CHẮC CHẮN VÀ HIỆU QUẢ TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI VÀ CÁC CƠ QUAN

Toàn cảnh cuộc họp giao ban của Lãnh đạo Quốc hội với Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội

Nhiều kết quả nổi bật được cử tri, Nhân dân hài lòng, đánh giá cao

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry cho biết qua tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 5 cho thấy cử tri đánh giá cao những đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, các kết quả đạt được là khá toàn diện trên tất cả các mặt lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry nhấn mạnh một số kết quả nổi bật có thể được coi là điểm nhấn trong triển khai công tác những tháng đầu năm như công tác lập pháp, giám sát việc ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật hay việc Ủy ban thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân...Cử tri đặc biệt hài lòng khi Quốc hội dành một buổi để thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Đặc biệt là những phản ứng chính sách nhanh nhạy của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chỉ tịch Hội đồng Dân tộc nêu rõ.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry

Phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng ghi nhận những kết quả đạt được, khẳng định hoạt động của Quốc hội ngày càng có tính lan tỏa đối với Nhân dân, nâng cao lòng tin của cử tri, Nhân dân với Quốc hội. Kết quả đạt được của Quốc hội cũng khẳng định hoạt động của các cơ quan của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan tham mưu giúp việc đã hoạt động tích cực, chuyên nghiệp, chuyên tâm, chuyên cần, chuyên sâu.

Phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng đặc biệt đánh giá cao công tác truyền thông của Quốc hội ngày càng có chiều sâu mang lại hiệu ứng tích cực đối với những hoạt động của Quốc hội. Cùng với đó là công tác nghiên cứu khoa học có đột phá đã giúp cho Quốc hội, đại biểu Quốc hội có thêm nhiều thông tin, tư liệu, tài liệu nghiên cứu chuyên sâu.

Phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng ghi nhận 6 tháng qua các mặt công tác của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội được triển khai khá toàn diện, đầy đủ, bài bản, có chương trình, có kế hoạch, có sự chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc. Từ đó việc triển khai các công việc từ quán triệt các nghị quyết của Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đến các công tác lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đối ngoại, dân nguyện, hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân, nghiên cứu khoa học… được diễn ra nhịp nhàng, đáp ứng yêu cầu, đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, có lẽ chưa bao giờ trong 6 tháng mà Quốc hội tiến hành đến 4 kỳ họp với 1 kỳ họp thường kỳ và 3 kỳ họp bất thường. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức 10 phiên họp trong đó có 5 phiên họp thường kỳ, 1 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật và 4 phiên họp khác. Qua đó đã giải quyết một cách kịp thời các nhiệm vụ trong chương trình công tác cũng như các nhiệm vụ phát sinh đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, trong 6 tháng đầu năm, hoạt động của Quốc hội và các cơ quan có nhiều cải tiến, đổi mới thiết thực, hiệu quả, sự phối hợp chặt chẽ hơn, trách nhiệm được đề cao hơn. Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội đã rất sâu sát, đôn đốc triển khai các công việc, tổ chức nhiều cuộc họp “từ sớm, từ xa” để nghe các cơ quan báo cáo và cho ý kiến chỉ đạo về những vấn đề lớn. Do đó, các công việc được triển khai đều đáp ứng yêu cầu, đúng định hướng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Cùng với đó, Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ động hơn, tham gia sớm hơn trong triển khai các công việc theo luật định và các nhiệm vụ được giao, phối hợp tích cực với các cơ quan hữu quan.

Nhiều đổi mới, cách làm hay

Nhấn mạnh những kết quả trong công tác lập pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, trong 6 tháng đầu năm 2023, đã trình Quốc hội thông qua được 9 luật, 3 nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật, cho ý kiến về 9 luật khác là số lượng lớn so với cùng kì; tổ chức thành công việc lấy ý kiến Nhân dân đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), các cơ quan đã phối hợp chặt chẽ để kịp thời tiếp thu và trình Quốc hội dự thảo Luật mới để Quốc hội cho ý kiến lần 2.

Cơ bản các cơ quan đề cao trách nhiệm, bám sát yêu cầu theo Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, nhất là tăng cường rà soát, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật. Lần đầu tiên trong Nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 quy định rõ yêu cầu đối với cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra phải tăng cường rà soát và bảo đảm không để xảy ra tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở bất cập, những nội dung cài cắm lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong đề xuất, thẩm tra, ban hành chính sách, pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá cao sự tham gia tích cực của Viện Nghiên cứu lập pháp trong quy trình lập pháp. Theo đó kế thừa và phát huy vai trò của Viện Nghiên cứu lập pháp trong chủ động nghiên cứu và phối hợp với các Ủy ban chủ trì thẩm tra các dự án luật để tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học các giới, đại diện các cộng đồng; phối hợp chặt chẽ trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật; đồng thời có đánh giá độc lập về các dự án luật. Đây là những điểm mới, tích cực, có giá trị gia tăng góp phần bảo đảm chất lượng các nội dung dự án luật, nghị quyết.  

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy cho rằng một trong những điểm nhất trong kết quả công tác của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong những tháng đầu năm là Kỳ họp thứ 5 với khối lượng công việc gấp rưỡi so với các kỳ nhưng kết quả đạt được thể hiện qua kết quả biểu quyết các nội dung được các đại biểu Quốc hội tán thành với tỉ lệ rất cao, tuyệt đại đa số. Có được kết quả này xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong đó có công tác chuẩn bị từ sớm, từ xa. Cụ thể là có sự chuẩn bị một cách căn cơ ngay từ đầu khóa thông qua việc trình để Bộ Chính trị có Kết luận về định hướng công tác xây dựng pháp luật cho toàn khóa, trên cơ sở đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15. Trong tổng số 137 nhiệm vụ lập pháp được đề ra, đến nay, đã hoàn thành 112 nhiệm vụ lập pháp chiếm gần 82%; đã có 61/112 nhiệm vụ lập pháp đã hoàn thành được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và 32/61 nhiệm vụ được đưa vào chương trình đã được Quốc hội thông qua.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh, chính vì có được chiến lược căn cơ trong công tác lập pháp từ đầu khóa nên các cơ quan của Quốc hội đã rất vững vàng, chủ động tham gia từ khi rà soát, tổng kết thực tiễn thi hành để nhận diện các quy định bất cập, vướng mắc, từ đó có nhiều thuận lợi trong khâu thẩm tra, chỉnh lý về sau này. Trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, điều này càng thể hiện vai trò, trách nhiệm của Quốc hội trong thực hiện tốt quyền lập pháp.

Cùng với đó, nhiều khâu yếu đã được chỉ ra và đã được tập trung chỉ đạo khắc phục. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp dẫn chứng từ việc giám sát ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành đã có kế hoạch cụ thể và dần đi vào nề nếp, bên cạnh việc giám sát tiến độ thời hạn, tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản thì tính hợp lý cũng được quan tâm. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng trong thời gian tới với sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giám sát chặt chẽ của các cơ quan của Quốc hội thì hiệu quả giám sát sẽ được tăng cường và chất lượng văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành sẽ được bảo đảm.

Nhiều đổi mới trong cách làm như công tác chuẩn bị kỳ họp được tiến hành kỹ lưỡng từ các cơ quan chuyên môn đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội; việc tổ chức Diễn đàn kinh tế - xã hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên chuyên đề pháp luật vào tháng 4 và tháng 9 để chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 và tháng 10; Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tổ chức Hội nghị toàn quốc về triển khai thực hiện các luật, nghị quyết được Quốc hội thông và đưa hoạt động này trở thành định kỳ. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy tin tưởng với những cách làm mới sẽ đem lại nhiều hiệu quả và kết quả mới cho họat động của Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày dự thảo Báo cáo kết quả công tác chủ yếu tháng 6 và 6 tháng đầu năm, đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm tháng 7 và 6 tháng cuối năm 2023 của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chủ động phối hợp trong công tác rà soát, kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật

Về những nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm, tại cuộc họp, các đại biểu cơ bản nhất trí với dự thảo báo cáo, nhấn mạnh phát huy những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2023, Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chủ động, tích cực, phối hợp chặt chẽ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong đó tập trung triển khai nghiêm túc việc thực hiện ý kiến kết luận tại cuộc họp giao ban hằng tháng của Lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và của Lãnh đạo Quốc hội. Các cơ quan triển khai các hoạt động để chuẩn bị chu đáo cho Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV cả về nội dung và các điều kiện bảo đảm; tham mưu chuẩn bị kịp thời, kỹ lưỡng nội dung phục vụ các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Hội nghị toàn quốc về triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV.

Tiếp tục triển khai các hoạt động thuộc công tác lập pháp trên cơ sở bám sát Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị, tuân thủ nghiêm túc yêu cầu và tiến độ thực hiện các nhiệm vụ lập pháp theo Nghị quyết số 50/2022/QH15, Nghị quyết số 89/2023/QH15 của Quốc hội, Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tích cực triển khai công tác giám sát; tham mưu chuẩn bị nội dung phục vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, trình Quốc hội xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền; tham mưu, phục vụ triển khai có hiệu quả các hoạt động đối ngoại của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và nhiều mặt công tác khác.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh tại Nghị quyết Kì họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã giao Chính phủ rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tập trung trong một số lĩnh vực để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, khối lượng công việc rà soát là rất lớn, thời gian lại không nhiều, do đó, mặc dù, Nghị quyết giao trách nhiệm cho Chính phủ nhưng các cơ quan của Quốc hội theo lĩnh vực phụ trách cần có sự chủ động phối hợp với các cơ quan của Chính phủ trong quá trình rà soát, để kịp thời nắm bắt những kiến nghị sửa đổi trong các luật, nhất là các luật trình Quóc hội tại Kỳ họp thứ 6 bảo đảm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phát hiện và khắc phục những sơ hở, bất cập, tiềm ần nguy cơ tham nhũng, tiêu cực trong các quy định của pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ nhiệm vụ của công tác lập pháp 6 tháng cuối năm là không kém phần nặng nề so với 6 tháng đầu năm. Theo đó, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 9 luật đã cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, cho ý kiến lần đầu đối với 8 luật rất lớn và có thể bổ sung nhiều nội dung khác. Do đó, đề nghị các cơ quan tập trung cao độ để bảo đảm tiến độ chất lượng tiếp thu chỉnh lý, trong đó, bảo đảm bám sát yêu cầu chủ trương đường lối của Đảng để thể chế vào các nội dung của luật, bảo đảm tính hợp Hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật./.

Bảo Yến