ĐẦU TƯ CHO VĂN HÓA CHƯA XỨNG TẦM VỊ THẾ HUẾ

07/07/2023

Ngày 7/7, đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Phan Viết Lượng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban đã có buổi làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực di sản văn hóa.

CẦN BỐ TRÍ NGUỒN LỰC ĐỂ DI DÂN RA KHỎI KHU VỰC 1 DI TÍCH

Đoàn đã đến làm việc với Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế. Hơn 40 năm qua, Bảo tàng này phải “ăn nhờ, ở đậu” di tích quốc gia đặc biệt Quốc Tử Giám của triều đình nhà Nguyễn. Vì tận dụng khu vực di tích nên Bảo tàng không thể xây mới, mọi hoạt động phục vụ trưng bày chỉ mang tính tạm bợ. Đó là chưa kể dãy nhà trưng bày của Bảo tàng này đã từng bị hỏa hoạn, ảnh hưởng nghiêm trọng hoạt động trưng bày. Dù nhiều lần kiến nghị, đến nay Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn chưa được bố trí xây dựng ở vị trí mới.

 “Chính vì tận dụng những cái có sẵn hiện tại nên việc trưng bày, triển lãm gặp nhiều khó khăn. Việc phát huy giá trị hiện vật, giới thiệu đến công chúng, giúp công tác trưng bày thu hút gặp nhiều khó khăn hơn nếu chúng ta có một bảo tàng của tỉnh hoàn chỉnh”, Ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế báo cáo với đoàn khảo sát.

Đoàn khảo sát đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế quan tâm, đầu tư xứng tầm cho văn hóa.

Thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, Thừa Thiên Huế nỗ lực sớm trở thành thành phố trực thuộc trung ương trên nền tảng văn hóa, di sản trước năm 2025. Tuy nhiên, đến thời điểm này địa phương này vẫn chưa có một thiết chế văn hóa xứng tầm, điển hình là Bảo tàng. Toàn tỉnh có 5 Bảo tàng công lập, ngoại trừ Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh được đầu tư xây dựng cách đây 20 năm, các đơn vị khác đều sống trong cảnh “ăn nhờ, ở đậu”. Nguồn vốn đầu tư cho văn hóa của tỉnh Thừa Thiên Huế chủ yếu tập trung ưu tiên cho việc trùng tu các di tích thuộc Quần thể di tích cố đô Huế.

Tại buổi làm việc, Đoàn khảo sát cũng đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế dành nguồn lực tương xứng đầu tư cho văn hóa. Việc Bảo tàng Lịch sử Huế nằm trong khu vực di tích không chỉ khiến hoạt động của Bảo tàng gặp khó khăn  mà còn ảnh hưởng đến việc trưng bày hiện vật. “Ở đây có các đại biểu của Đoàn ĐBQH tỉnh, HĐND tỉnh, cần tiếp tục có ý kiến với tỉnh về câu chuyện của Bảo tàng Lịch sử trong câu chuyện bố trí vị trí mới để Bảo tàng yên tâm hoạt động”, ông Phan Viết Lượng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh.

Đoàn khảo sát cũng nhấn mạnh việc Quỹ Bảo tồn di sản Huế vừa mới ra mắt được xem là cơ hội để tỉnh huy động thêm nguồn lực bảo tồn các giá trị văn hóa, di sản Huế trong thời gian tới. Vận hành tốt Quỹ bảo tồn di sản Huế sẽ là mô hình để các địa phương khác nghiên cứu, vận dụng trong việc huy động các nguồn lực bảo tồn di sản một cách linh hoạt, hiệu quả.

Tiểu Bảo