QUỐC HỘI VIỆT NAM ĐĂNG CAI HỘI NGHỊ AIPA CAUCUS 14: TIẾP TỤC PHÁT HUY VAI TRÒ VÀ VỊ TRÍ TẠI CÁC CƠ CHẾ HỢP TÁC LIÊN NGHỊ VIỆN KHU VỰC VÀ THẾ GIỚI

06/07/2023

Việc Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Nhóm Tư vấn AIPA lần thứ 14 (AIPA Caucus 14) theo cơ chế luân phiên của Đại hội đồng liên nghị viện các nước ASEAN (AIPA) là hoạt động thiết thực triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, tiếp tục phát huy vai trò và vị trí của Quốc hội Việt Nam tại các cơ chế hợp tác liên nghị viện khu vực và thế giới, đặc biệt là AIPA.

PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN: TẬP TRUNG LÀM TỐT CÔNG TÁC CHUẨN BỊ HỘI NGHỊ AIPA CAUCUS 14

Quốc hội Việt Nam sẽ chủ trì, đăng cai tổ chức Hội nghị Nhóm Tư vấn AIPA lần thứ 14 (AIPA Caucus 14) từ ngày 09-12/7/2023 tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Triển khai Chương trình hoạt động đối ngoại của Quốc hội năm 2023, được sự đồng ý của Lãnh đạo Quốc hội, theo cơ chế luân phiên của Đại hội đồng liên nghị viện các nước ASEAN (AIPA), Quốc hội Việt Nam sẽ chủ trì, đăng cai tổ chức Hội nghị Nhóm Tư vấn AIPA lần thứ 14 (AIPA Caucus 14) từ ngày 09-12/7/2023 tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Hội nghị AIPA Caucus được thành lập tại Đại hội đồng liên nghị viện các nước ASEAN (AIPA) lần thứ 28 năm 2007 tại Malaysia với hai nhiệm vụ chính: (1) Giúp Ban Chấp hành giám sát việc triển khai các Nghị quyết của AIPA ở các quốc gia thành viên; (2) Tạo cơ hội để các quốc gia thành viên thường xuyên trao đổi quan điểm với nhau về các vấn đề khu vực cùng quan tâm. Việc chủ trì tổ chức Hội nghị thực hiện theo nguyên tắc luân phiên giữa các Nghị viện thành viên AIPA; theo đó, Quốc hội Việt Nam sẽ chủ trì đăng cai tổ chức Hội nghị AIPA Caucus 14 năm 2023.

Sự tham gia của Quốc hội Việt Nam trong Hội nghị AIPA Caucus 14

Từ đầu năm 2022 đến nay, sau khi đại dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, nền kinh tế nước ta được mở cửa trong trạng thái bình thường mới, tạo tiền đề quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; các hoạt động đối ngoại của nước ta đến thời điểm này về cơ bản đã được khôi phục hoàn toàn.

Hoạt động đối ngoại của Quốc hội, đặc biệt là tại các diễn đàn nghị viện đa phương, được triển khai linh hoạt trong thời gian đại dịch và khôi phục trở lại với nhiều hoạt động trực tiếp, đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào việc giữ vững môi trường hòa bình, tranh thủ môi trường quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, không ngừng nâng cao vị thế của đất nước.

Quốc hội Việt Nam đã tham gia một cách chủ động, tích cực và có trách nhiệm tại các hoạt động của các diễn đàn hợp tác liên nghị viện lớn như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF), Hội đồng liên nghị viện ASEAN (AIPA), Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF)… Đây là những cơ chế nghị viện đa phương quan trọng, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, thúc đẩy hợp tác, nâng cao hiểu biết, xây dựng thông tin giữa các nghị viện, chính giới và nhân dân các nước; mở rộng vai trò, ảnh hưởng của nghị viện/nghị sĩ đối các vấn đề khu vực và toàn cầu, vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Việc Quốc hội Việt Nam đăng cai Hội nghị Nhóm Tư vấn AIPA lần thứ 14 theo cơ chế luân phiên của Đại hội đồng liên nghị viện các nước ASEAN (AIPA) là hoạt động thiết thực triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, tiếp tục phát huy vai trò và vị trí của Quốc hội Việt Nam tại các cơ chế hợp tác liên nghị viện khu vực và thế giới, đặc biệt là AIPA.

Tiếp sau việc đăng cai thành công Hội nghị Nhóm Tư vấn AIPA lần thứ 5 (năm 2013), việc đăng cai Hội nghị lần này góp phần khẳng định sự tham gia tích cực, có trách nhiệm và chủ động của Quốc hội Việt Nam trong AIPA - tổ chức liên minh nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.

 Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì cuộc họp rà soát công tác chuẩn bị Hội nghị Nhóm tư vấn AIPA lần thứ 14 (AIPA Caucus 14).

Phát biểu tại cuộc họp rà soát công tác tổ chức Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Hội nghị là dịp để quảng bá rộng rãi với bạn bè quốc tế về truyền thông văn hóa, đất nước, con người, chính sách đối ngoại và thành quả công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; đồng thời là cơ hội để xây dựng và củng cố các mối quan hệ với nghị sỹ các nước thành viên ASEAN, thể hiện tinh thần chủ động, sẵn sàng hợp tác vì tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững, vì ổn định và thịnh vượng chung của Cộng đồng ASEAN và khu vực.

Việc Việt Nam tham gia Hội nghị AIPA Caucus 14 nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 (Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII), tiếp tục phát huy vai trò và vị trí của Quốc hội Việt Nam tại các cơ chế hợp tác liên nghị viện khu vực và thế giới, đặc biệt là AIPA.

Hội nghị cũng là cơ hội để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động với các nghị viện thành viên AIPA về các vấn đề quan tâm chung, trong đó tập trung vào việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ phục vụ tăng trưởng và phát triển bền vững trong nội khối.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, thông qua Hội nghị sẽ góp phần nâng cao vị thế, uy tín, hình ảnh của Việt Nam, Quốc hội Việt Nam trong khu vực và trên thế giới; gửi thông điệp về văn hóa, đất nước, con người, chính sách đối ngoại và thành quả công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam tới bạn bè quốc tế; xây dựng và củng cố các mối quan hệ với nghị sỹ các nước thành viên ASEAN, thể hiện tinh thần chủ động, sẵn sàng hợp tác vì tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững, vì ổn định và thịnh vượng chung của Cộng đồng ASEAN và khu vực.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phục vụ tăng trưởng và phát triển bền vững

Chủ đề chung của Hội nghị AIPA Caucus 14 đó là: “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ phục vụ tăng trưởng và phát triển bền vững”.

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định phát triển nhanh, bền vững dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong các đột phá chiến lược quan trọng nhất với yêu cầu “Có thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ một số công nghệ mới, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế; lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ số. Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo”.

Nội dung này phù hợp với xu thế chung của thế giới và điều kiện mỗi nước. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã mở ra cơ hội để nhiều nước chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao. Theo đó, phát triển khoa học - công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo là định hướng trung tâm, xuyên suốt trong xu thế Cách mạng công nghiệp đang tăng tốc.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội nhiều nước rơi vào suy thoái, Việt Nam nằm trong nhóm ít các quốc gia duy trì tăng trưởng dương, kiểm soát tốt dịch bệnh, đạt nhiều kết quả ấn tượng. Trong những thành tựu đó có đóng góp quan trọng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Theo dự kiến chương trình, Hội nghị AIPA Caucus 14 sẽ tiến hành các phiên khai mạc, 3 phiên toàn thể, phiên bế mạc, giao lưu văn hoá nghệ thuật và tham quan địa phương. Trong đó, tại phiên toàn thể thứ nhất, Nghị viện các nước thành viên sẽ trình bày báo cáo quốc gia về tình hình thực hiện Nghị quyết AIPA 43. Tại phiên toàn thể thứ hai, Nghị viện các nước thành viên sẽ trình bày báo cáo quốc gia về chủ đề của Hội nghị. Phiên họp toàn thể thứ ba sẽ thảo luận Báo cáo kết quả Hội nghị. Thông lệ, văn kiện cuối cùng của Hội nghị là Báo cáo kết quả Hội nghị điểm lại những thông tin chính của Hội nghị, các nội dung của chương trình nghị sự gồm: báo cáo quốc gia về tình hình thực hiện các Nghị quyết AIPA 43, báo cáo quốc gia về chủ đề thảo luận của Hội nghị. 

Trong khuôn khổ Hội nghị, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đề xuất tổ chức một sự kiện chung để ra mắt ấn phẩm "Thúc đẩy việc áp dụng Hướng dẫn của ASEAN về Đầu tư có trách nhiệm vào lương thực, nông nghiệp và lâm nghiệp: Cẩm nang thiết thực dành cho các nghị sĩ ASEAN"./. 

Trọng Quỳnh