ĐOÀN ĐBQH TỈNH BÌNH THUẬN TIẾP XÚC CỬ TRI CHUYÊN ĐỀ VỚI DOANH NHÂN, DOANH NGHIỆP TRONG LĨNH VỰC KINH DOANH DỊCH VỤ DU LỊCH

26/06/2023

Sáng 26/6, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận tiếp xúc cử tri chuyên đề sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV với doanh nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ du lịch.

CỬ TRI BÌNH THUẬN KIẾN NGHỊ NHIỀU VẤN ĐỀ VỀ ĐỜI SỐNG, DÂN SINH

Toàn cảnh cuộc tiếp xúc cử tri

Tại buổi tiếp xúc cử tri, thay mặt các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Thuận ông Nguyễn Văn Khoa, chủ tịch hiệp hội du lịch tỉnh Bình Thuận cho rằng việc Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam trong đó đồng ý kéo dài thời hạn thị thực (visa) điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần; thống nhất nâng thời hạn tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày, đây là điều kiện để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch quốc tế, tạo đà cho du lịch phát triển. Tuy nhiên, ông Khoa cũng cho rằng để du lịch Bình Thuận cũng như du lịch cả nước phát triển trở thành nghành kinh tế mũi nhọn như Nghị quyết 08 của Bộ chính trị đề ra cần có các giải pháp điều chỉnh giá điện phù hợp, có chính sách hỗ trợ về thuế, tiền thuê đất, trong việc sửa luật đất đai có thể xem xét khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng đất vừa phải tạo mảng xanh phát triển du lịch.

Mũi Né sau khi được công nhận là khu du lịch quốc gia, Mũi Né, Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đã trở thành 1 trong 7 điểm đến du lịch quốc gia của Việt Nam. Tuy nhiên, đây chỉ là xác định về mặt thương hiệu, khẳng định vị thế so với các điểm đến còn lại, hiện vẫn chưa có một chính sách riêng nào cho khu du lịch quốc gia. Chính vì thế, ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Bình Thuận kiến nghị Chính phủ cần quan tâm có các chính sách để phát triển các sản phẩm đặc thù, tạo ra sự khác biệt giữa khu du lịch Quốc gia với địa phương khác, kết hợp với nền văn hóa đặc sắc ở đây, để biến tiềm năng du lịch đó thành sản phẩm độc đáo có sức cạnh tranh, hấp dẫn đối với khách du lịch.

Cũng theo ông Nhân hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có nhiều loại hình du lịch kiểu loại hình căn hộ lưu trú (condotel), văn phòng kết hợp lưu trú (officetel) shophouse, du lịch nông lâm, tuy nhiên trong luật chưa rõ ràng nên gây lúng túng trong đầu tư, hoạt động. Nhiều nhà đầu tư làm mà làm không ra, cơ quan quản lý nhà nước cũng lúng túng trong quản lý. Đề nghị Chính phủ có hướng dẫn cụ thể tránh tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược.

Ngoài các ý kiến trên, cử tri hoạt động trong ngành du lịch cũng kiến nghị giải quyết tình trạng nhiều khu lưu trú tại khu vực phố biển Rạng Đông gặp khó khăn do thiếu điện, có chính sách thu hút Việt kiều đầu tư về nước.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Dương Văn An  trao đổi với cử tri một số ý kiến thuộc thẩm quyền. Bí thư, Trưởng đoàn ĐBQH cũng đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận, các sở, ngành xem xét, giải quyết khó khăn của các doanh nghiệp lưu trú tại khu phố biển Rạng Đông. Bí thư tỉnh ủy Dương Văn An cũng lưu ý, hiện nay tỉnh Bình Thuận có thuận lợi rất lớn khi cao tốc đã đi vào hoạt động, các tuyến đường ven biển, sân bay đang được triển khai, các doanh nghiệp du lịch phải nâng cao chất lượng phục vụ, chung tay giữ làm sạch môi trường, nhất là môi trường biển. Làm sao để Bình Thuận sẽ là điểm đến thu hút du khách, làm giàu cho doanh nghiệp, cho người dân cũng như xã hội.

Bí thư tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Dương Văn An phát biểu

Trước đó, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông đã báo cáo với cử tri về kết quả kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Tại kỳ họp, Quốc hội xem xét, thông qua 8 dự án Luật, 3 dự thảo Nghị quyết. Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với 9 dự án Luật, đồng thời xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023; phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2021; xem xét Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; giám sát tối cao việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; công tác nhân sự...

Quốc hội cũng tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Xem xét, thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, trong đó có nội dung về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; điều chỉnh bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; giảm thuế giá trị gia tăng.

Lê Trang