GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: CẦN KẾ HOẠCH CỤ THỂ, GIẢI PHÁP KHẢ THI ĐỂ HIỆN THỰC HÓA NHỮNG “LỜI HỨA” TỪ KỲ HỌP

25/06/2023

Sau hơn 23 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc và hiệu quả, Kỳ họp thứ 5 đã hoàn thành chương trình đề ra, thông qua 8 luật và 17 Nghị quyết. Chia sẻ về Kỳ họp quan trọng này, các đại biểu Quốc hội cho biết, Kỳ họp đã thể hiện rõ tinh thần dân chủ, trí tuệ, trách nhiệm, đồng thời, các đại biểu Kỳ vọng các bộ, ngành cần có kế hoạch cụ thể, giải pháp khả thi để hiện thực hóa những lời hứa từ Kỳ họp.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 24/6: QUỐC HỘI BẾ MẠC KỲ HỌP THỨ 5, QUỐC HỘI KHOÁ XV

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã bế mạc sau hơn 23 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc và hiệu quả, hoàn thành khối công việc lớn, thông qua 8 luật và 17 Nghị quyết, cho ý kiến lần 2 đối với 01 dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với 08 dự án luật khác. Nhìn lại Kỳ họp quan trọng này, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cho rằng, công tác chuẩn bị xuyên suốt Kỳ họp rất chu đáo, chương trình họp được sắp xếp hợp lý, khoa học. Đặc biệt, việc chuẩn bị tài liệu công phu, kỹ lưỡng từ Tờ trình của Chính phủ đến Báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội và các tài liệu liên quan và tham khảo; cho thấy ý thức trách nhiệm của các cơ quan tham gia xây dựng luật và cơ quan thẩm tra. Nhờ vậy, các Luật và Nghị quyết được bấm nút thông qua tại Kỳ họp lần này có tỷ lệ đại biểu Quốc hội tán thành cao, đa phần trên 90%.

Đại biểu cho rằng, các phiên thảo luận diễn ra sôi nổi, dân chủ, trí tuệ, trách nhiệm, các đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong tình hình phát triển kinh tế xã hội năm 2022 và những tháng đầu năm 2023; đi sâu vào những vấn đề “nóng” được cử tri và Nhân dân cả nước quan tâm như: tình trạng lao động mất việc làm, vướng mắc trong giải ngân đầu tư công, chậm tiến độ triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia,…

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang 

Bên cạnh đó, đại biểu cũng bày tỏ ấn tượng với sự điều hành của chủ tọa các phiên họp vô cùng linh hoạt, kịp thời có những điều chỉnh phù hợp ngay trong quá trình thảo luận giúp bảo đảm số lượng đại biểu được phát biểu nhiều nhất. Đặc biệt, tại các phiên chất vấn, với sự dẫn dắt của chủ tọa, các đại biểu đặt câu hỏi đúng, trúng vấn đề hơn; các Bộ trưởng, trưởng ngành giải trình đầy đủ và đúng các nội dung đại biểu quan tâm hơn.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cũng cho biết, tại Kỳ họp đã có những giải pháp và “lời hứa” của Bộ trưởng, trưởng ngành được đưa ra, đồng thời bày tỏ mong đợi và kỳ vọng vào các Bộ trưởng, trưởng ngành sẽ có kế hoạch cụ thể để thực hiện các giải pháp này. Trong đó, đại biểu cho biết, đặc biệt kỳ vọng vào “lời hứa” của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang rằng Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo, điều hành để khẩn trương triển khai có hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là đẩy mạnh tiến độ và chất lượng của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Hướng về Kỳ họp thứ 6 sắp tới, đại biểu đặt nhiều hy vọng vào giải pháp Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã nêu liên quan đến việc tập trung tham mưu cho Chính phủ để sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, bởi Luật này có tác động lớn đến quyền lợi của người lao động và gắn liền với bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.

Trao đổi về dư âm Kỳ họp thứ 5, đại biểu Đỗ Đức Hiển, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho rằng, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV đã thành công. Với định hướng tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, kỳ họp đã hoàn thành khối lượng lớn công việc với chất lượng cao ở từng nội dung trình Quốc hội. Các hoạt động tại kỳ họp được tiến hành chặt chẽ, linh hoạt bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật.

Đại biểu Đỗ Đức Hiển, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội

Đại biểu Đỗ Đức Hiển bày tỏ ấn tượng với Kỳ họp vì các nội dung được chuẩn bị khá tốt; ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội tại hội trường hay các phiên họp tổ được tổng hợp đầy đủ, tiếp thu, giải trình kỹ lưỡng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ đưa ra phương án tối ưu để tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu, nhất là những vấn đề còn có ý kiến khác nhau.

Theo đại biểu, việc bố trí một tuần tạm nghỉ giữa hai đợt họp cũng tạo điều kiện để các cơ quan có thêm thời gian chỉnh lý các dự án luật, dự thảo nghị quyết trước khi trình Quốc hội thông qua nên đều nhận được sự đồng thuận rất cao. Các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và chất vấn tiếp tục là điểm nhấn của kỳ họp, tập trung làm rõ những bất cập, điểm nghẽn với nhiều giải pháp được cam kết từ phía các Bộ, cơ quan và thu hút được sự quan tâm của Nhân dân, cử tri cả nước.

Ấn tượng với phiên thảo luận với phiên thảo luận về kinh tế xã hội, phiên chất vấn và nhiều phiên thảo luận khác tại Kỳ họp, đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh cho biết, tại các phiên thảo luận trên nghị trường, đặc biệt trong các phiên chất vấn, hàng trăm đại biểu đã bấm nút tham gia cho ý kiến luật, tham gia chất vấn về những nội dung liên quan đến vấn đề kinh tế - xã hội.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

Đại biểu cho biết, từ cuối năm 2022, tình hình kinh tế thế giới đã biến động rất lớn. Đối với những nước có độ mở kinh tế lớn như Việt Nam, kinh tế đã bắt đầu tăng trưởng chậm lại và bước sang quý I/2023 tăng trưởng thấp so với kỳ vọng. Trước tình hình này, đại biểu kỳ vọng, mặc dù Chính phủ đã có những quyết tâm và hành động rất quyết liệt nhưng để đạt được sự mong đợi ở Kế hoạch kinh tế xã hội năm 2023 cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa.

Theo đại biểu, nước ta đang tập trung cho 3 động lực tăng trưởng lớn để thúc đẩy tăng trưởng gồm: Đầu tư (nhất là đầu tư công); tiêu dùng và xuất khẩu. Với riêng mảng đầu tư, tại các phiên thảo luận, các đại biểu đã quan tâm rất nhiều về danh mục đầu tư bổ sung, quyết liệt để đẩy nhanh trong giải ngân đầu tư công. 

Đồng thời, các đại biểu cũng quan tâm nhiều đến gói an sinh xã hội, đặc biệt quan tâm đến sự hỗ trợ cho người lao động đang bị cắt giảm giờ làm khi đơn hàng giảm do thị trường xuất khẩu thế giới bị suy giảm. Ngoài ra, trong các phiên thảo luận, các đại biểu đã quan tâm đến việc giảm thuế.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu quan điểm, thời gian tới, cần tiếp tục giảm thuế, phí nhiều hơn để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ tăng tổng cầu trong nước để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tiêu thụ hàng hóa.

Minh Hùng