QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC (SỬA ĐỔI): SỬ DỤNG NGUỒN NƯỚC CẦN TIẾP CẬN THEO HƯỚNG KINH TẾ TUẦN HOÀN
Khoản 7 Điều 44 dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) về việc Lấy ý kiến của cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước quy định: "Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng dự án trong đó có xây dựng công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước có ảnh hưởng lớn đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân trên địa bàn có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành lấy ý kiến về những nội dung liên quan đến phương án khai thác, sử dụng tài nguyên nước của dự án; tổng hợp, tiếp thu, giải trình bằng văn bản và gửi kèm theo hồ sơ cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Trường hợp dự án đầu tư có chuyển nước giữa các nguồn nước hoặc xây dựng hồ, đập trên sông thì còn phải lấy ý kiến của chính quyền địa phương và tổ chức lưu vực sông có liên quan về quy mô, phương án xây dựng công trình, phương án chuyển nước trước khi lập dự án đầu tư….”
Đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh
Góp ý hoàn thiện quy định này, đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh khẳng định, việc lấy ý kiến đối với cộng đồng dân cư là rất cần thiết, song quy định như dự thảo sẽ dẫn đến sự chồng chéo với pháp luật về đánh giá tác động môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và văn bản hướng dẫn, các dự án trong xây dựng công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước sẽ phải lập báo cáo ĐTM và lấy ý kiến cộng đồng dân cư, cá nhân, tổ chức có liên quan. Như vậy, quy định của dự thảo luật sẽ dẫn đến nguy cơ dự án phải thực hiện 2 lần công tác lấy ý kiến hoặc thực hiện một lần nhưng lại phải có 2 bộ hồ sơ gây tốn kém, không cần thiết về chi phí làm thủ tục hành chính. Từ đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ quy định này; trong trường hợp cần thiết thì sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về bảo vệ môi trường cho phù hợp.
Đồng tình với phân tích trên, đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình nhận thấy, quy định như dự thảo cũng sẽ dẫn đến sự chồng chéo với pháp luật về đánh giá tác động môi trường. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này, với những lý do như đại biểu Thạch Phước Bình đã nêu; đồng thời đề nghị cần rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tương thích, phù hợp trong trường hợp cần thiết.
Đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình
Tán thành với quy định của dự thảo luật trong việc quy định bảo vệ tài nguyên nước là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân, đại biểu Chamaléa Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuậnt quan tâm tới vai trò của cộng đồng dân cư, vì vậy đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát và bổ sung vào dự thảo luật những quy định thật cụ thể về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cộng đồng dân cư. Vì nếu phát huy được sức mạnh, trách nhiệm của cộng đồng dân cư, việc quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra sẽ phát huy hiệu quả.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung nguyên tắc về việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước phù hợp với lợi ích cộng đồng. Theo đó, cần nghiên cứu bổ sung vào dự thảo luật các quy định về việc phải lấy ý kiến một cách thực chất đối với cộng đồng dân cư, các đối tượng là người dân, nhất là người dân sinh sống ở hạ lưu các con sông có thể bị ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất trước khi cấp phép cho mọi hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước đối với cá nhân và tổ chức.
Khẳng định lấy ý kiến cộng đồng dân cư, cá nhân, tổ chức có liên quan khi khai thác, sử dụng tài nguyên nước là rất cần thiết, đại biểu Võ Mạnh Sơn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá bày tỏ băn khoăn quy định như vậy sẽ dẫn đến sự chồng chéo với pháp luật về đánh giá tác động môi trường. Việc quy định như vậy có thể dẫn đến nguy cơ dự án phải thực hiện 2 lần công tác lấy ý kiến hoặc thực hiện một lần nhưng lại phải có 2 bộ hồ sơ gây tốn kém, không cần thiết và chi phí làm thủ tục hành chính; do đó đề nghị cơ quan soạn thảo cần cân nhắc quy định này.
Đại biểu Võ Mạnh Sơn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá
Ngoài ra, có ý kiến quan tâm đến quy định lấy ý kiến quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch lưu vực sông, đại biểu Võ Mạnh Sơn cho rằng, quy định về tài nguyên nước, quy định lưu vực sông có ảnh hưởng lớn đến quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức có sử dụng nước trong phạm vi quy hoạch. Việc hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt đang diễn ra bình thường có thể phải chấm dứt hoặc điều chỉnh với chi phí lớn chỉ vì sự thay đổi quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch lưu vực sông. Những nguy cơ thay đổi đột xuất này làm giảm tính ổn định của môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, làm giảm khả năng thu hút đầu tư và phát triển kinh tế của đất nước, trong khi đó dự thảo luật chưa quy định đủ rõ về việc lấy ý kiến những đối tượng tác động này trong quá trình lập quy hoạch.
Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định trong trường hợp quy định tài nguyên nước, quy hoạch lưu vực sông làm thay đổi quyền sử dụng nguồn nước thì cần phải lấy ý kiến của đối tượng đang khai thác, sử dụng nguồn nước đó. Đại biểu lấy ví dụ, nguồn nước đang được quy hoạch cho sản xuất nông nghiệp được đề xuất thay đổi sang chức năng chỉ cho sinh hoạt, không sử dụng làm nông nghiệp, khi đó việc cá nhân, tổ chức đang sử dụng nguồn nước đó phải lấy ý kiến, hồ sơ lấy ý kiến.
Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)
Cho ý kiến về quy định lấy ý kiến cộng đồng dân cư, đại biểu Lê Đào An Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên đề nghị rà soát để tránh trùng lắp, chồng chéo, cần lồng ghép và phối hợp với các luật có liên quan để không phát sinh thêm các thủ tục hoặc công việc hành chính. Về nội dung trùng lắp với việc lấy ý kiến cộng đồng đối với báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, trong phần báo cáo, giải trình của Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, 2 nội dung lấy ý kiến khác nhau nên cần giữ nguyên. Đại biểu Lê Đào Xuân An chưa đồng tình với quan điểm này.
Xét về thành phần hồ sơ để tổ chức lấy ý kiến quy định tại 2 luật Bảo vệ Môi trường và Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), có những thành phần tương tự nhau, chủ thể trên hồ sơ như nhau; tổ chức, cá nhân được lấy ý kiến thì vẫn là chính quyền và cộng đồng vùng dự án và sau khi lấy ý kiến đơn vị thẩm định hồ sơ là Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hơn nữa, cơ quan dự thảo 2 luật này cũng là một, do vậy công tác quản lý của cơ quan nhà nước cần đảm bảo ít thủ tục hành chính nhất, giảm thời gian, chi phí nhiều nhất cho chủ đầu tư, cho doanh nghiệp; đề nghị cơ quan soạn thảo quan tâm lồng ghép nội dung này.