NÂNG CAO HIỆU QUẢ LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN, ĐỐI TƯỢNG CHỊU TÁC ĐỘNG KHI XÂY DỰNG PHÁP LUẬT

16/06/2023

Tham gia ý kiến thảo luận ở Hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023, các đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm nâng cao hiệu quả công tác lấy ý kiến nhân dân, chuyên gia, nhà nghiên cứu, đối tượng chịu tác động trong xây dựng pháp luật.

QUỐC HỘI THẢO LUẬN MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Yến – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cơ bản thống nhất với dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và điều chỉnh Chương trình năm 2023. Đại biểu cũng phân tích, theo quy định của Luật Ban hành văn bản pháp luật, trong đó cho ý kiến lần đầu thì không lấy ý kiến các Đoàn đại biểu cũng như lấy ý kiến đại biểu Quốc hội mà chỉ tổ chức các hội nghị, tọa đàm, hội thảo để lấy ý kiến các chuyên gia và mời các đại biểu Quốc hội cùng tham dự, có đại biểu Quốc hội thì được mời tham gia phát biểu, có đại biểu Quốc hội thì chỉ đến nghe và nắm tình hình.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Đại biểu nhận thấy rằng luật thì do Quốc hội thông qua ban hành mà không lấy ý kiến đại biểu Quốc hội hoặc các đoàn đại biểu Quốc hội, ngay từ lúc đầu thì đây là một vấn đề cũng cần phải xem xét.  Đại biểu Quốc hội là những người đại diện cho cử tri, lắng nghe ý kiến cử tri, gần gũi với cử tri thì nắm bắt được tình hình pháp luật thực hiện có đi vào cuộc sống hay không hay còn khó khăn, vướng mắc gì đó thì những người đại biểu này đều nắm hết. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị các dự án luật, đề nghị Ban soạn thảo cũng nên gửi lấy ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội để nghiên cứu, xem xét khi tham dự các buổi tọa đàm, hội thảo, hội nghị để cùng tham gia góp ý kiến. Có như vậy, khi luật sửa đổi sẽ thông qua sẽ thuận lợi hơn, đảm bảo khách quan hơn, chất lượng, hiệu quả hơn, khi ban hành thì luật sẽ đi vào cuộc sống.

Bên cạnh đón đại biểu bày tỏ thống nhất với các đại biểu về việc nên gửi các dự án luật cũng như luật sửa đổi sớm cho các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội để nghiên cứu, nắm tình hình thực tiễn, tham gia phát biểu ý kiến cho có chất lượng. Vừa qua chúng ta gửi có chậm, do đó các Đoàn đại biểu, cũng như đại biểu không có thời gian để nghiên cứu sâu; không nghiên cứu sâu thì không tham gia phát biểu đạt được những yêu cầu mà Quốc hội cũng như trong đời sống đặt ra, luật sẽ không đảm bảo về chất lượng.

Toàn cảnh phiên họp

Về việc lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng bị tác động, đại biểu cho rằng Luật Đất đai có lấy ý kiến các đối tượng bị tác động rất tốt, nhiều ý kiến cả triệu lượt nhân dân tham gia rất hay, rất trúng. Đại biểu đề nghị các luật sau này sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới cũng nên lấy ý kiến rộng rãi như thế thì chất lượng, hiệu quả hơn, sát với tình hình thực tiễn hơn.

Đưa ra quan điểm về việc lấy ý kiến vào các Dự án Luật, đại biểu cho biết, vừa rồi trong Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) chúng ta lấy ý kiến rất rộng rãi, đông đảo, nhưng cũng có cử tri vẫn băn khoăn nếu bây giờ muốn đóng góp ý kiến và luật thì đóng góp qua đâu. Như vậy có thể thấy, mặc dù chúng ta đã lấy ý kiến rất rộng rãi như Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) mà vẫn còn có cử tri chưa biết đóng góp vào đâu. Vậy, có những luật chúng ta không lấy ý kiến rộng rãi như luật này thì còn nhiều ý kiến chưa được nêu.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương 

Theo đại biểu, những đối tượng bị điều chỉnh trong luật nên được tham gia ý kiến. Cộng đồng nên được tham gia sâu hơn nữa vào quá trình soạn thảo luật chứ không phải chỉ đến lúc thẩm tra luật, trong thời gian rất ngắn mới được tham gia ý kiến. Có những luật mang tính chuyên ngành cao mà phải đóng góp ý kiến trong thời gian ngắn thì chất lượng đảm bảo cho luật không thể nào thực hiện theo đúng tinh thần Kết luận 19 Bộ Chính trị. Do đó, đại biểu cho rằng nên lấy ý kiến góp ý vào các Dự án Luật càng sớm, càng rộng, càng tốt.

Liên quan đến vấn đề về biên soạn luật, đại biểu cho biết, hiện nay việc biên soạn luật của chúng ta thì các luật sửa đổi rất dễ theo dõi, khi chúng ta đọc một số những văn bản sau khi sửa đổi thì đó là văn bản cuối cùng, nhưng có một số luật sửa đổi một số điều của luật hay có một số luật bị điều chỉnh bởi các luật khác. Như Luật Quy hoạch ra đời điều chỉnh 37 luật thì để xem một luật chúng ta phải tham chiếu đến rất nhiều các luật khác, ví dụ văn bản là luật gốc, luật sửa đổi, điều chỉnh bởi luật khác, luật sửa đổi điều này…

Đại biểu chỉ ra rằng, có thể các cơ quan chuyên nghiên cứu về luật có thể theo dõi rất dễ, nhưng đối với Nhân dân, đối với cộng đồng, với doanh nghiệp mà theo dõi luật như thế thì rất khó. Như vậy, nên chăng Quốc hội xem xét có nên đưa ra một quy định sau khi có một luật nào đó bị điều chỉnh bởi luật khác, hay có một luật sửa đổi một số điều thì sau đó phải có một cơ quan biên soạn lại bộ cuối cùng, cập nhật mới nhất về văn bản luật đấy, như vậy dễ theo dõi hơn, tránh tình trạng hiện nay nếu chúng ta vào mạng Google xem các luật thì trong thư viện có những dòng bôi vàng "luật này đã được sửa" hoặc "dòng này đã được sửa" thì sẽ rất khó theo dõi cho người đọc.

Minh Hùng

Các bài viết khác