KHẮC PHỤC TỒN TẠI, HẠN CHẾ, ĐẢM BẢO KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG TRONG CÔNG TÁC XÂY DỰNG PHÁP LUẬT

14/06/2023

Thảo luận tại Hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023, các đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều giải pháp để chấm dứt tình trạng xin điều chỉnh, rút hoặc hoãn trình các dự án luật, đảm bảo tính kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật.

QUỐC HỘI THẢO LUẬN MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ

Thảo luận tại Hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023, đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho rằng, tại kỳ họp, khi xem xét cho ý kiến về các dự án luật, Quốc hội sẽ căn cứ vào chất lượng dự án, yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn để quyết định việc thông qua hay chưa thông qua dự án luật. Quốc hội cũng như Ủy ban Thường vụ Quốc hội không xác định trước là dự án luật đó phải được trình 2 Kỳ họp theo chương trình như hiện hành. Tất nhiên, việc đổi mới theo định hướng trên cần phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nhiều điều khoản có liên quan của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đối với các dự án pháp lệnh, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội căn cứ vào thực tiễn tình hình soạn thảo, chuẩn bị các dự án pháp lệnh, bao gồm cả nghị quyết quy phạm pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quyết định gửi Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra sơ bộ. Nếu đủ điều kiện thì Ủy ban Pháp luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào dự kiến chương trình phiên họp tiếp theo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau đó các cơ quan Ủy ban chuyên môn của Quốc hội tiến hành thẩm tra toàn diện về hồ sơ cũng như quy trình, thủ tục và nội dung dự án pháp lệnh trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua.

Đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh 

Trường hợp dự án pháp lệnh chưa đủ điều kiện thông qua thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết giao lại cho cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm kiểm tra tiếp thu, giải trình, trình lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nếu thay chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm bằng việc lập dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội cũng như dự kiến chương trình phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội như quy trình đề xuất như trên sẽ cơ bản chấm dứt được tình trạng xin điều chỉnh, rút hoặc hoãn trình dự án, có bổ sung theo yêu cầu thực tiễn, điều này là không thể tránh khỏi. Các cơ quan của Quốc hội cũng có đủ thời gian thẩm tra kỹ lưỡng các dự án luật, pháp lệnh, chấm dứt được tình trạng "bắc nước chờ gạo" tồn tại lâu nay vì không còn đất tồn tại cho tình trạng gửi hồ sơ dự án muộn so với thời gian quy định, đồng thời cũng tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức và tiền bạc trong quy trình soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh, từ đó sẽ tăng cường được tính nghiêm túc, kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật, bảo đảm tính khả thi của dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội. Điều quan trọng hơn cả là khắc phục được mâu thuẫn trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và bảo đảm tôn trọng tuyệt đối quyền lập pháp, quyền quyết định luật của Quốc hội.

Toàn cảnh phiên họp

Tại phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Đức Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị đã đưa ra quan điểm về 3 dự án luật được đề nghị bổ sung vào Kỳ họp thứ 5, Kỳ họp thứ 6, Kỳ họp thứ 7, đó là Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường bộ được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ.

Đại biểu đánh giá đây là các dự án luật mà Quốc hội khóa XIV đã thảo luận nhưng chưa đạt đến sự thống nhất. Bởi vì còn rất nhiều vấn đề còn băn khoăn. Dư luận xã hội còn có nhiều luồng ý kiến đa chiều về vấn đề này. Kỳ này, Chính phủ tiếp tục đề nghị Quốc hội khóa XV xem xét. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ, Quốc hội cần xem xét thấu đáo, lý giải rõ cơ sở, nhất là những điểm mới, những điểm khác so với trước đây trên cơ sở phải thực sự khoa học và thuyết phục cả về cơ sở chính trị, cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn và nội hàm của các điều luật mới có sự đồng thuận cao ngay trong đại biểu Quốc hội, dư luận xã hội cũng như sự ủng hộ, đồng thuận của Nhân dân.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị

Về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở, đại biểu cho rằng, đây cũng là một dự án luật mới, đã được thảo luận trong Quốc hội khóa XIV, cũng có nhiều băn khoăn khác nhau. Thực tế, chúng ta chưa có những đánh giá tác động đầy đủ, thực tế như quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong báo cáo có nói là những vấn đề cấp bách, đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh và có sự thống nhất cao thì mới xây dựng, ban hành, điều chỉnh để đảm bảo tính ổn định của hệ thống pháp luật. Những vấn đề tuy cấp bách, cần thiết nhưng là vấn đề mới, chưa được kiểm nghiệm trong thực tiễn, chưa đạt được sự đồng thuận cao thì tiếp tục nghiên cứu làm rõ để đề xuất hoặc thực hiện thí điểm.

Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị Quốc hội cần cân nhắc có thể cho thực hiện thí điểm việc tổ chức lại lực lượng tham gia bảo đảm an ninh trật tự cơ sở trước, sau đó chúng ta có đánh giá đầy đủ về tác động, lúc đó mới tính đến việc luật hóa nó thì sẽ bảo đảm chắc chắn hơn và chín chắn hơn.

Minh Hùng