PHẢI CHẤM DỨT TÌNH TRẠNG SỞ HỮU CHÉO, THAO TÚNG LỢI ÍCH NHÓM TRONG LĨNH VỰC NGÂN HÀNG

13/06/2023

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm tại phiên thảo luận về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5 là tình trạng sở hữu chéo, thao túng lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng. Các đại biểu đề nghị cần có giải pháp, thiết chế đủ mạnh để chấm dứt tình trạng này, trong đó bổ sung thêm các quy định tăng cường vai trò của NHNN để hạn chế hành vi lạm quyền của cổ đông lớn, ngăn chặn những tác động xấu ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 10/6: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG (SỬA ĐỔI)

Toàn cảnh Quốc hội thảo luận về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Thảo luận về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, nhiều ý kiến đại biểu quan tâm đến tình trạng sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng và cho rằng, đây là vấn đề rất được quan tâm đối với hệ thống tín dụng hiện nay. Cho rằng đây là vấn đề đáng lo ngại, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần có giải pháp, thiết chế đủ mạnh để chấm dứt tình trạng này, góp phần lành mạnh, minh bạch hoạt động ngân hàng, hạn chế phục vụ cho các công ty sân sau và lợi ích của các cổ đông lớn cũng như ngăn chặn những tác động xấu ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng.

Đề cập đến tình trạng sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng, đại biểu Nguyễn Hải Trung, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho rằng, tình trạng sở hữu chéo, thao túng lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng vẫn là vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt là việc huy động vốn để cho vay đối với các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái đối với các tập đoàn kinh tế tư nhân.

Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) điều chỉnh giảm tỷ lệ sở hữu của các cá nhân, tổ chức tăng tính đại chúng của các tổ chức tín dụng, mở rộng thêm các diện đối tượng liên quan là cần thiết. Đại biểu Nguyễn Hải Trung nêu rõ, điều này giúp cơ cấu cổ đông của ngân hàng có độ phân tán hơn, lành mạnh hơn, tránh quyền lực quyền tự quyết quá lớn, từ đó hạn chế các hành vi điều hành hoạt động của tổ chức theo hướng phục vụ cho các công ty sân sau và lợi ích của các cổ đông lớn, ngược lại làm tổn hại đến lợi ích của ngân hàng nói chung và các cổ đông còn lại nói riêng.

Đại biểu Nguyễn Hải Trung - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hải Trung nhận thấy, một thực tế không thể phủ nhận là vẫn có thể tồn tại các cổ đông lớn đứng danh hoặc không đứng danh Hội đồng quản trị và Ban điều hành nắm cổ phần chi phối và điều hành hoạt động của ngân hàng. Cho nên, đại biểu nhận thấy, các giải pháp nêu trong dự thảo Luật chỉ là giải pháp kỹ thuật để hạn chế các cổ đông lớn.

Đại biểu Nguyễn Hải Trung đề nghị cần bổ sung nghiên cứu 2 vấn đề:

Một là bổ sung thêm các quy định, tăng cường vai trò của Ngân hàng Nhà nước để hạn chế hành vi lạm quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Hai là cần nghiên cứu, đề xuất thêm các biện pháp, giải pháp để quản lý, kiểm soát việc lách luật, sử dụng nhiều cá nhân, pháp nhân khác đứng tên cổ phần tạo nhóm cổ đông lớn để điều hành các tổ chức tín dụng.

Cùng quan tâm đến vấn đề xử lý sở hữu chéo trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho biết, một quan điểm mà nhiều ý kiến của các đại biểu thảo luận tại tổ đưa ra là chúng ta phải chấm dứt được tình trạng sở hữu chéo, không phải là hạn chế. Đây là vấn đề rất được quan tâm đối với hệ thống tín dụng hiện nay. Tuy nhiên, việc đánh giá về tình trạng sở hữu chéo là vấn đề khó.

Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai

Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, để thiết kế một chính sách cụ thể để chấm dứt tình trạng sở hữu chéo trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) thì những chủ trương, chính sách đang thiết kế ở đây chưa đủ mạnh, nằm ở Điều 55 và Điều 127 của dự thảo Luật. Hiện dự thảo Luật mới chỉ chú trọng vào việc giảm tỷ lệ cổ phần và giảm phần cấp hạn mức tín dụng.

Tuy nhiên, đại biểu Trịnh Xuân An nhận thấy, những giải pháp này mang tính chất thụ động, việc chấm dứt được tình trạng sở hữu chéo rất quan trọng, liên quan đến việc công khai, minh bạch và việc xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân dính dáng vào tình trạng này. Do đó, đại biểu đề nghị cần phải đặt lại mô hình của cơ quan giám sát và kiểm tra tài chính liên quan đến ngân hàng.

Từ những vấn đề nêu trên, đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị phải có một chương riêng quy định về nội dung này và cần phải có một cơ quan thanh tra, kiểm tra ngân hàng, kiểm tra hoạt động tín dụng mang tính độc lập.

“Cùng với việc chúng ta làm tốt khâu thanh tra, kiểm tra, xử lý và công khai, minh bạch trong tất cả các giao dịch, không nhất thiết phải giảm tỷ lệ cổ phần, giảm room cấp vốn, thậm chí chúng ta có thể cho cao hơn nhưng chúng ta quản lý được để tổ chức và cá nhân không dám và không thể thực hiện các hành vi sử dụng tài sản ngân hàng chéo với công ty của mình. Tôi cho rằng phải có những thiết chế mạnh như thế thì mới xử lý nghiêm được”, đại biểu Trịnh Xuân An nhấn mạnh.

Đại biểu Trần Chí Cường - Đoàn ĐBQH Tp.Đà Nẵng

Nhằm mục tiêu hạn chế vấn đề thao túng hoạt động ngân hàng, hạn chế tình trạng sở hữu chéo, dự thảo Luật Các Tổ chức tín dụng đã sửa đổi, bổ sung quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng. Đại biểu Trần Chí Cường - Đoàn ĐBQH Tp.Đà Nẵng cho biết, so với luật hiện hành, dự thảo Luật đã điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là cá nhân, cổ đông là tổ chức, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó tương ứng từ không vượt quá 5%, 15%, 20% xuống còn 3%, 10% và 15%.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Chí Cường nhận thấy, trong trường hợp này thực tế có thể phát sinh việc thuê, nhờ người khác đứng tên sở hữu cổ phần để gián tiếp gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần nhằm chi phối, kiểm soát tại một số tổ chức tín dụng. Đại biểu băn khoăn vấn đề này sẽ được giải quyết ra sao trong thực tiễn, có giải quyết được tính căn cơ khi giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần.

Do đó, đại biểu Trần Chí Cường đề nghị cần có đánh giá, làm rõ nguyên nhân sở hữu chéo xuất phát từ quy định của pháp luật hay do trong tổ chức thực thi. Mặt khác, trong trường hợp quy định như dự thảo Luật, đại biểu đề nghị cần đánh giá đối với các cổ đông đang hiện hữu có số vốn cao hơn quy định mới sẽ được giải quyết như thế nào, có thực hiện thoái vốn hoặc quy định không áp dụng hồi tố để bảo đảm lợi ích nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược có tâm huyết.

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh

Từ thực tiễn liên quan đến hoạt động của ngân hàng thương mại thời gian qua, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có liên quan đánh giá kỹ công tác quản lý Nhà nước, công tác thanh tra, kiểm tra, các quy định pháp luật có liên quan, các quy định cần sửa đổi để đảm bảo thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, phát hiện sớm các dấu hiệu vi phạm của các ngân hàng thương mại, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời, ngăn chặn những tác động xấu ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng. Qua đó, bổ sung sửa đổi các quy định khác và Luật Các tổ chức tín dụng để đảm bảo ngăn ngừa hiệu quả các sai phạm của các tổ chức tín dụng.

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết thống nhất với ý kiến của các đại biểu nêu trên liên quan đến vấn đề sở hữu chéo giữa các ngân hàng thương mại với nhau, giữa ngân hàng thương mại với các doanh nghiệp và việc các tập đoàn kinh tế thành lập ngân hàng để huy động vốn phục vụ chủ yếu cho hoạt động kinh doanh của chính doanh nghiệp mình giữ cổ phần vốn sở hữu, dẫn đến khó kiểm soát, hoạt động thiếu minh bạch, dễ dẫn đến sai phạm và ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng chung, nguy cơ ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền. Do đó, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu để quy định chặt chẽ để xử lý các vấn đề này./.

Bích Ngọc