ĐẢM BẢO CÔNG BẰNG, HỢP LÝ TRONG THU HỒI ĐẤT ĐỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ, XÃ HỘI, VÌ MỤC ĐÍCH QUỐC GIA, CÔNG CỘNG

08/06/2023

Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự án luật Đất đai (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, cần cân nhắc kỹ lưỡng, quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế, xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng, đồng thời phải có phương pháp xác định giá đất phù hợp, đảm bảo công bằng trong đền bù khi thu hồi đất.

Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự án luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn nêu rõ, theo quy định của Hiến pháp, để thu hồi đất thì các dự án phát triển kinh tế - xã hội phải đáp ứng 3 điều kiện: trường hợp thật cần thiết; phải do luật định và vì lợi ích quốc gia, công cộng. Tuy nhiên, Dự thảo Luật chưa thể chế hóa được quy định của Hiến pháp là mục đích vì lợi ích quốc gia, công cộng ở đây là trực tiếp hay gián tiếp.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu ý kiến

Đại biểu cho rằng, Nhà nước chỉ thu hồi đất đối với những Dự án trực tiếp phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng không áp dụng cho trường hợp gián tiếp. Theo đó, đề nghị bổ sung quy định làm rõ yếu tố "trực tiếp" trong Dự thảo Luật, quy định cụ thể tiêu chí về tính chất, quy mô, giá trị mang lại về nhiều mặt cũng như danh mục từng loại dự án để đáp ứng yêu cầu trực tiếp phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Các quy định này sẽ là cơ sở pháp lý để xác định có thu hồi đất đối với những trường hợp được nhiều đại biểu Quốc hội tranh luận như: Dự án đô thị; Dự án nhà ở thương mại sử dụng các loại đất không phải là đất ở và Dự án lấn biển.

Theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, việc thu hồi đất không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích của người sử dụng đất, mà hơn nữa, do đất đai là tài nguyên hữu hạn, Nhà nước cần có chính sách sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững. Có thể trong giai đoạn hiện nay, thậm chí ở thế hệ này chúng ta chưa có điều kiện để khai thác tốt nhất thì chúng ta tiếp tục quản lý, gìn giữ và bảo vệ để các thế hệ mai sau sử dụng hiệu quả hơn, bền vững hơn nguồn lực đặc biệt quý báu này.

Tham gia đóng góp ý kiến vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật sư Nguyễn Hoàng Nhật Thi, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH T&P cho rằng, về nội dung quy định liên quan đến các loại dự án thuộc diện thu hồi, khoản 2, 3 và 4 Điều 78 của dự thảo Luật chỉ mang tính liệt kê tên dự án mà chưa có điều kiện, tiêu chí cụ thể; các dự án được liệt kê tại khoản 3 được nêu một số tiêu chí, điều kiện tại khoản 4 theo hướng cụ thể hoá từng dự án tại khoản 3 nhưng vẫn theo hướng nêu tên dự án và tiêu chí, điều kiện bổ sung mà chưa thể hiện tiêu chí để xác định một dự án có đúng là thuộc trường hợp được nêu tên hay không.

Nhiều hội thảo, hội nghị về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được tổ chức

Theo Luật sư, trên thực tế hai dự án cùng tên gọi nhưng có thể có những phạm vi, mục tiêu khác nhau, trong nhiều trường hợp có phạm vi, mục tiêu “phức hợp”, đa mục đích.  Điều này sẽ dẫn tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền gặp khó khăn để phân biệt và “định lượng” một dự án chỉ cần có tên dự án bao gồm một trong các loại dự án được thu hồi đất theo quy định đã thoả mãn điều kiện thuộc trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng hay chưa.

Do đó, Luật sư đề xuất bổ sung một quy định tại Điều 78 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về việc một dự án được nêu tên tại khoản 2 và 3 của Điều 78 cần đáp ứng tiêu chí có ít nhất 70-80% diện tích sử dụng đất của dự án hoặc ít nhất 70-80% các công trình của dự án theo đúng loại hình dự án được nêu tên thì sẽ được áp dụng Nhà nước thu hồi đất.

Bên cạnh đó, Luật sư cũng cho rằng, cần cân nhắc bổ sung trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) một số trường hợp được Nhà nước thu hồi đất đã được quy định tại Luật Đất đai 2013 gồm các dự án kết cấu hạ tầng kỹ thuật như giao thông, thủy lợi, cấp nước, thoát nước, điện lực, thông tin liên lạc; hệ thống dẫn, chứa xăng dầu, khí đốt; kho dự trữ quốc gia. Đồng thời, cần cân nhắc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án đô thị có quy mô lớn không phân biệt chỉ sử dụng các loại đất không phải là đất ở.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội

Quan tâm đến vấn đề đảm bảo công bằng trong giải phóng mặt bằng, giá đất, điều chỉnh giá đất trong dự thảo luât, đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho rằng các quy định trong Luật nên bám sát theo Nghị quyết 18, phải sử dụng các quan hệ về thị trường, đảm bảo nguyên tắc của thị trường, trong việc xác định giá đất cũng như đề bù, giải phóng mặt bằng.

Về mặt giá đất, phải cương quyết tiến tới xây dựng bảng giá đất phản ánh đúng giá trị thị trường đất đai. Khi phản ánh đúng giá trị thị trường thì những quan hệ liên quan đến đất đai, người có đất bị thu hồi hay được cấp đất thì đều phải thực hiện những nghĩa vụ tương ứng với giá trị đó, thấy tương đối thỏa đáng. Như vậy, lợi ích của những người tham gia vào quan hệ này sẽ được đảm bảo, tránh được mâu thuẫn như hiện nay. Từ việc xác định được bảng giá đất sát với quan hệ thị trường thì những quan hệ về thu hồi đất, đền bù đất đai không còn xảy ra vấn đề vi phạm lợi ích. Như vậy, thu hồi đất đai cũng phải được thực hiện một cách thống nhất.

Theo đại biểu, cần khắc phục tình trạng để người dân và doanh nghiệp tự thỏa thuận, vì trong một số trường hợp sẽ có thể có một số người dân cố tình gây khó khăn, cố tình tìm các biện pháp để đòi giá thật cao nhằm hưởng lợi. Tuy nhiên, đại đa số người dân khác sẵn sàng dành đất đai để đầu tư cho dự án, để phát triển kinh tế xã hội tốt hơn, họ thấy giá đền bù thỏa đáng rồi nên chấp nhận. Như vậy, vô hình chung tạo ra mất công bằng giữa những người có trách nhiệm, ý thức tốt sẵn sàng đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội với những người cố tình gây khó khăn… Vì thế, đại biểu cho rằng đền bù và thu hồi đất nếu thực hiện tốt nguyên tắc đảm bảo giá trị thị trường thì sẽ giải quyết được tất cả những mâu thuẫn.

Minh Hùng