ĐBQH LÊ HỮU TRÍ: KHẮC PHỤC NGAY NHỮNG HẠN CHẾ, YẾU KÉM CỦA CÔNG TÁC ĐẦU TƯ CÔNG

02/06/2023

Tại phiên thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT – XH và NSNN năm 2022, tình hình thực hiện kế hoạch đầu năm 2023, đại biểu Lê Hữu Trí - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hoà đề nghị cần tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh; đồng thời, khắc phục ngay những hạn chế, yếu kém của công tác đầu tư công.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 31/5: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp

Tại phiên thảo luận, đại biểu Lê Hữu Trí - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hoà bày tỏ tán thành với nội dung Báo cáo thẩm tra đánh giá, bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2023. Báo cáo thẩm tra đã phản ánh khá đầy đủ, khách quan và toàn diện cả về kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo, điều hành kinh tế vi mô, những vấn đề kinh tế - xã hội đáng quan tâm và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong những tháng còn lại của năm 2023.

Để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cho cả năm 2023, đại biểu nhận thấy có một số vấn đề quan tâm đòi hỏi cần có sự chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả hơn.

Theo đó, cần có giải pháp hữu hiệu tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, phải có giải pháp bảo đảm cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế. Đây là yêu cầu đặt ra rất khó khăn, trong khi chúng ta vừa phải kiểm soát lạm phát, vừa phải bảo đảm lãi suất phù hợp với nền kinh tế thị trường và diễn biến của thị trường.

Đại biểu Lê Hữu Trí - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hoà

Theo Báo cáo của Chính phủ, quý I tăng trưởng kinh tế chỉ bằng 3,32%, rất thấp, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm, trong khi đó số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng, nhiều doanh nghiệp đối diện áp lực trả nợ lớn nên phải chuyển nhượng doanh nghiệp, bán cổ phần với mức giá rất thấp và trong nhiều trường hợp phải bán cho đối tác nước ngoài.

Số doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra khá phổ biến, người lao động mất việc làm tại nhiều khu công nghiệp. Xu hướng này có thể diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới. Có nhiều nguyên nhân nhưng theo đại biểu, bên cạnh nguyên nhân khách quan như do đứt gãy thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh, hàng tồn kho tăng cao, đơn giá thấp, giá cả vật tư, nguyên liệu của nhiều mặt hàng nước ta phải nhập khẩu tăng cao, nhiên liệu tăng cao thì có nguyên nhân dòng vốn từ thị trường tài chính suy giảm.

Mặt bằng lãi suất cho vay tăng mạnh trong năm 2022 và vẫn duy trì ở mức cao trong quý I/2023. Lợi nhuận doanh nghiệp sụt giảm làm giảm hoạt động đầu tư từ khu vực tư nhân, việc doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng rất khó khăn. Tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt bình quân đạt chỉ 0,09 lần cho thấy khu vực doanh nghiệp gặp những khó khăn có liên quan đến dòng tiền.

Qua kết quả khảo sát của VCCI, những khó khăn hàng đầu mà doanh nghiệp gặp phải là tiếp cận tín dụng có nhiều trở ngại, bao gồm cả tín dụng, nguồn vốn, lãi suất ưu đãi của Chính phủ và nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây cũng là một trong những yếu tố làm cho doanh nghiệp đã khó khăn lại càng khó khăn hơn, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình phá sản, giải thể, bán lại doanh nghiệp.

Đại biểu cho rằng, cần điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, chia sẻ vai trò hỗ trợ, phục hồi tăng trưởng kinh tế với chính sách tiền tệ. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả và phải phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, bảo đảm hợp lý để vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa kiểm soát được lạm phát. Cần chủ động xem xét tiếp tục hạ lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng, kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng, sử dụng vốn và hạn mức tăng trưởng tín dụng.

Khắc phục ngay những hạn chế, yếu kém của công tác đầu tư công

Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu nêu rõ, cần có giải pháp hữu hiệu, thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật để khắc phục ngay những hạn chế, yếu kém của công tác đầu tư công vốn đã kéo dài nhiều năm. Đầu tư công được xem là công cụ dẫn dắt, vốn mồi kích thích tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, qua báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho thấy công tác này còn nhiều tồn tại, yếu kém, kéo dài, từ công tác xây dựng kế hoạch, lập dự án đầu tư, phân bổ vốn, triển khai thi công, giải ngân, quyết toán vốn đầu tư tác động tiêu cực đến sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Theo báo cáo, đến hết tháng 4/2023 có 3 bộ, 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 20%; 47/52 bộ, cơ quan và 27/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%, thậm chí có 32 bộ, cơ quan và một địa phương giải ngân đạt dưới 5%. Việc triển khai thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do nhiều nguyên nhân mà chủ yếu ở khâu tổ chức thực hiện. Đại biểu đề nghị cần làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm và các giải pháp xử lý, không để tình trạng này tiếp tục kéo dài, tạo hệ lụy xấu đến điều hành kinh tế vĩ mô và điều hành tài chính, ngân sách nhà nước.

Hơn nữa, cần có biện pháp thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong việc chấp hành pháp luật về tài chính, ngân sách. Trong đó, cần có biện pháp quyết liệt để khắc phục những tồn tại, yếu kém trong nhiệm vụ lập dự toán ngân sách nhà nước ở từng cấp, như lập dự toán không sát với thực tế, hạn chế việc tăng thu từ tiền sử dụng đất là khoản thu không bền vững cho cân đối ngân sách. Vì vậy, cần có chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch quản lý, khai thác hợp lý, thận trọng và có lộ trình phù hợp, bảo đảm khai thác có hiệu quả và lâu dài tài nguyên đất.

Đồng thời, với việc sử dụng nguồn thu từ đất phải tập trung ưu tiên cho đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Kiên quyết không cho chuyển nguồn khi chưa làm rõ nguyên nhân và không chuyển nguồn trái quy định của pháp luật, khắc phục tình trạng chuyển nguồn vốn qua các năm khá lớn, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn, công tác điều hành tài chính, ngân sách và điều hành kinh tế vi mô.

Rà soát làm rõ nguyên nhân, tháo gỡ các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, không để tiếp tục làm lãng phí nguồn lực vốn nhà nước. Cần xác định và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước chậm triển khai hoặc vi phạm trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước. Các giải pháp khắc phục dứt điểm tình trạng lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai, nhất là lãng phí đất đai, tài sản của các dự án do chậm thi hành án, chậm thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra.

Bên cạnh đó, cần có giải pháp căn cơ để khắc phục những tồn tại, vướng mắc vấn đề xăng, dầu, điện nhất là việc tăng giá điện, xăng, dầu trong bối cảnh doanh nghiệp và đời sống nhân dân đang gặp nhiều khó khăn, do tác động của kinh tế thế giới. Cần thiết phải làm rõ, tường minh khoản lỗ 26.000 tỷ đồng năm 2022 của EVN cũng như có cơ chế minh bạch hơn Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu để sớm có biện pháp tháo gỡ bất cập và tạo sự đồng thuận trong Nhân dân.

Ngoài ra, có biện pháp chấn chỉnh ngay lề lối làm việc của bộ máy nhà nước các cấp, nhất là tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nhà nước nói chung và cán bộ, công chức giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý nói riêng có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh không giải quyết các thủ tục hành chính hoặc gây ách tắc kéo dài khi giải quyết các thủ tục hành chính của dân và doanh nghiệp. Tình trạng trì trệ trong hoạt động điều hành của bộ máy nhà nước ở nhiều nơi đã góp phần gây khó khăn, ách tắc trong giải quyết các thủ tục hành chính cho dân và doanh nghiệp, làm cho doanh nghiệp và người dân đã và đang khó khăn lại càng khó khăn hơn, làm mất nhiều thời gian, tăng chi phí không chính thức, làm mất cơ hội của người dân và doanh nghiệp, trong nhiều trường hợp vi phạm gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân đã được Hiến pháp quy định.

Đồng thời, khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định của pháp luật không rõ ràng, khó thực hiện trên thực tiễn, thiếu đồng bộ, xung đột pháp luật, nhằm tháo gỡ kịp thời các bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật đã gây ách tắc, điểm nghẽn hiện nay trên nhiều lĩnh vực. Đây là yêu cầu rất quan trọng, không những cả trước mắt và cả lâu dài để cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, giải quyết kịp thời các vấn đề xã hội phát sinh.

Hồ Hương