HỘI THẢO “BẢO ĐẢM TÍNH ĐỒNG BỘ, THỐNG NHẤT CỦA DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) VỚI HỆ THỐNG PHÁP LUẬT”
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về dự án luật Đất đai (sửa đổi). Đây là dự án luật quan trọng, nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri, nhân dân cũng như các chuyên gia, nhà nghiên cứu. Vừa qua, Chính phủ đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi nhân dân trên phạm vi cả nước về dự án Luật này. Công tác tổng hợp, tiếp thu thông tin, phản hồi, ý kiến, kiến nghị của nhân dân về dự án luật đang được triển khai tích cực.
Tham gia thẩm tra dự án luật này, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, về các khoản thu ngân sách từ đất đai, tại khoản 1 Điều 149 Dự thảo luật quy định các khoản thu ngân sách từ đất đai bao gồm “thuế về sử dụng đất”: Đề nghị quy định rõ thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp theo quy định hiện hành, vì không có tên sắc thuế là thuế sử dụng đất. Đồng thời, để thực hiện Điều 55 Hiến pháp (Các khoản thu, chi ngân sách nhà nước phải được dự toán và do luật định) và bảo đảm tính minh bạch, đề nghị cần nghiên cứu bổ sung vào Dự thảo luật các quy định về mặt nguyên tắc đối với thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất (luật hóa một số quy định tại các Nghị định của Chính phủ về nội dung này đã áp dụng ổn định, không có vướng mắc).
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai
Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 149 dự thảo Luật quy định “Việc điều tiết nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước”. Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với chủ trương mới này vì Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” đã quy định chính sách tài chính về đất đai như sau: “có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương;...”.
Qua tình hình thu NSĐP trong những năm gần đây, khoản thu từ đất có xu hướng tăng lớn so với dự toán. Điều này đã tạo thêm nguồn lực cho địa phương để đầu tư phát triển bên cạnh nguồn lực mà NSTW hỗ trợ. Thực tế hiện nay, nguồn thu của NSTW đang giảm dần, ảnh hưởng đến vai trò chủ đạo của NSTW bảo đảm những nhiệm vụ chi quốc gia trong thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Việc quy định mới như Dự thảo Luật sẽ điều tiết nguồn thu từ đất về NSTW theo đó sẽ giảm gánh nặng cho NSTW trong hỗ trợ cho những địa phương, khu vực khó khăn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
Tuy nhiên, đây là nội dung mới nhằm thể chế hoá Nghị quyết 18-NQ/TW của Trung ương, do đó việc dẫn chiếu theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước như Dự thảo Luật sẽ tạo khoảng trống pháp lý trong khi Luật Ngân sách nhà nước chưa được sửa đổi. Do đó, đề nghị quy định 01 điều hoặc 01 khoản để sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước ngay trong điều khoản thi hành của Luật này để đảm bảo nội dung trên sẽ được thực thi ngay khi Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực.
Về việc sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước đối với điều tiết nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương: đề nghị làm rõ một số nội dung, cụ thể như sau: đối với thời kỳ ổn định ngân sách 2021-2025 thì các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất sẽ được tính tỷ lệ phân chia như thế nào khi Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực từ năm 2024. Với việc tính tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu, đề nghị đưa khoản thu này vào việc tính số bổ sung cân đối từ NSTW cho NSĐP để đảm bảo công khai, công bằng, minh bạch trong quản lý, sử dụng NSNN.
Khoản 3 Điều 149 quy định: “Đối với thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, tiền thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm được ổn định trong 05 năm”, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị không quy định nội dung ổn định trong 05 năm đối với thuế sử dụng đất phi nông nghiệp trong dự thảo Luật, vì nội dung này đã được quy định tại khoản 3 Điều 6 của Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
Các đại biểu tại phiên họp
Có ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm mục “thu điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất do Nhà nước đầu tư thay đổi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mà không phải do đầu tư của người sử dụng đất mang lại và nghiên cứu giải pháp thực hiện thu.
Cùng tham gia thẩm tra dự án luật này, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho biết, đối với một số vấn đề lớn mà Nhân dân, các nhà quản lý, nhà khoa học kiến nghị hoặc phát sinh từ thực tiễn nhưng chưa được đề cập đến trong Nghị quyết 18-NQ/TW, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị: Những vấn đề đã được tổng kết, thảo luận trong quá trình xây dựng Nghị quyết 18-NQ/TW nhưng chưa được quy định chủ trương trong Nghị quyết thì không đưa vào dự thảo Luật mà sẽ tiếp tục nghiên cứu và trình cấp có thẩm quyền tại thời điểm thích hợp.
Những vấn đề chưa được tổng kết, đánh giá trong quá trình xây dựng Nghị quyết 18-NQ/TW thì đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, đánh giá tác động đầy đủ, kỹ lưỡng, trường hợp cần thiết phải có quy định điều chỉnh thì đề nghị báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên
Về việc bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan đến Luật Đất đai, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, Điều 246 của dự thảo Luật đã có một số quy định về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các nội dung có liên quan tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Quy hoạch, Luật Thủy sản, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Đường sắt, các nghị quyết của Quốc hội về thí điểm.
Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, dự thảo Luật nên lựa chọn một trong 02 hình thức để sửa đổi, bổ sung một số luật có liên quan đó là: rà soát, liệt kê cụ thể nội dung của các luật khác cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ ngay tại dự thảo Luật này; hoặc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan đến Luật Đất đai.