ĐOÀN KHẢO SÁT CỦA ỦY BAN KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC TẠI TỈNH THANH HÓA

19/05/2023

Ngày 18/05, Đoàn công tác Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Nguyễn Tuấn Anh làm Trưởng Đoàn đã khảo sát về công tác bảo vệ môi trường và làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa.

Toàn cảnh cuộc làm việc

Tham gia Đoàn công tác có các đại biểu thuộc Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Ủy ban Xã hội, đại diện các Bộ, ngành. Về phía lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang.

Năm 2022, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, công tác BVMT đã được tỉnh Thanh Hóa quan tâm và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả và tạo hành lang pháp lý cho các thành phần kinh tế hoạt động. Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường (BVMT) được thực hiện đúng theo pháp luật; nhận thức về công tác BVMT của các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân được nâng lên; công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT tại các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh được thực hiện thường xuyên; xử lý kịp thời các điểm nóng về môi trường; nhiều dự án xử lý nước thải, rác thải, điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật, các cơ sở sản xuất kinh doanh được đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải; hoàn thành kế hoạch trồng rừng tập trung, trồng rừng ngập mặn ven biển, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng bền vững.

Hiện nay, hơn 70% dân số của tỉnh sống ở khu vực nông thôn thuộc địa bàn hành chính của 469 xã. Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh giao Sở TNMT nhiệm vụ tham mưu, thực hiện tiêu chí về môi trường. Đến nay, có nhiều địa phương quan tâm đến công tác BVMT nông thôn, ý thức BVMT của người dân đã và đang dần dần đi vào nề nếp, đã quan tâm đến việc thu gom, xử lý rác thải, cải tạo cảnh quan môi trường, trồng hoa, cây xanh dọc hai bên đường, trong khu dân cư, xây dựng đồng bộ mương rãnh thoát nước,...; khoan giếng nước hợp vệ sinh để phục vụ sinh hoạt, xây dựng nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh. Tỷ lệ dân số nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh đạt 96,6%.

Các thành viên Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường

Công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo về môi trường thường xuyên trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được đổi mới có trọng tâm, trọng điểm gắn với việc giải quyết những vấn đề bức xúc về môi trường; xử phạt nghiêm các đối tượng vi phạm để răn đe và tạo dư luận buộc các cơ sở đang hoạt động sản xuất, kinh doanh phải quan tâm đầu tư cho môi trường. Năm 2022, các Sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức 126 lượt thanh tra, kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại, phản ánh, tố cáo. Sau kiểm tra, xác minh, đã xử lý theo thẩm quyền và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành 20 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về môi trường đối với 19 doanh nghiệp và 01 cá nhân, với tổng số tiền xử phạt là 825,73 triệu đồng; đã áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với các đơn vị vi phạm, trong đó có các biện pháp có tính răn đe cao như đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc dừng các công đoạn sản xuất gây ô nhiễm môi trường.

Theo số liệu thống kê, tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh tính đến hết năm 2022 đạt 89%. Tỷ lệ đốt 28,45%, tỷ lệ chôn lấp 69,77, tái chế 1,78%. Trên địa bàn tỉnh hiện có 17 bãi chôn lấp rác thải và 26 khu xử lý rác thải bằng công nghệ đốt. Dự kiến Khu xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Đông Nam, huyện Đông Sơn sẽ đi vào hoạt động trong quý III/2023 góp phần xử lý rác thải sinh hoạt cho một số địa phương trên địa bàn tỉnh.

Công tác BVMT trong hoạt động khai thác khoáng sản được tập trung chỉ đạo quyết liệt nhằm ngăn chặn và chấn chỉnh kịp thời hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, gây xói lở bờ sông, thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, đã xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử phạt theo thẩm quyền 16 vụ với tổng số tiền 2,619 tỷ đồng. Trong năm 2022, các đơn vị khai thác khoáng sản đã thực hiện việc ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường với tổng số tiền trên 25 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Thanh Hóa cho rằng công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn hiện còn một số hạn chế, yếu kém do: Hiện nay, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ngày càng nhiều, việc xử lý rác thải sinh hoạt đang có nhiều hạn chế, hạ tầng xử lý rác thải sinh hoạt ở nhiều địa phương còn thiếu và chưa đồng bộ, nhiều bãi rác quá tải so với công suất thiết kế ban đầu, tiến độ thực hiện dự án trọng điểm để xử lý rác thải trên địa bàn thành phố Thanh Hóa, huyện Đông Sơn và vùng phụ cận còn rất chậm; Nhiều khu xử lý hiện nay đang quá tải do lượng chất thải rắn sinh hoạt đưa về vượt quá công suất theo thiết kê gây khó khăn cho công tác quản lý và xử lý rác thải trong khi chưa có đủ cơ sở để triển khai xử lý rác thải đã phân loại nhằm tăng cường tái chế, tái sử dụng, giảm thiểu rác thải phải xử lý; Nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa đầu tư hoàn chỉnh công trình thu gom và xử lý nước thải riêng biệt với hệ thống thu gom nước mưa chảy tràn; chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Tại buổi làm việc, đại biểu Nguyễn Quang Huân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đề nghị tỉnh Thanh Hóa cũng như các đơn vị có liên quan làm rõ lộ trình hoàn thiện khu xử lý nước thải tại các khu, cụm công nghiệp để đáp ứng yêu cầu theo nghị quyết của Quốc hội đến năm 2025 đạt 92%. Đây cũng là vấn đề được Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chỉ ra từ năm 2019 nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện.

Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Bùi Thanh Tùng, Phó trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng khóa 14 cũng bày tỏ băn khoăn trước việc các số liệu trong báo cáo cho thấy tiến độ xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu, cụm công nghiệp còn chậm, đặc biệt như báo cáo của Ban quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp cho thấy, hệ thống xử lý nước thải tập trung cho trong các khu công nghiệp chỉ đạt khoảng 50 %. Điều này không đáp ứng được mục tiêu của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định tất cả các khu công nghiệp phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung mới được thu hút đầu tư và chậm nhất 31/12/2024 là chúng ta phải hoàn thành việc này. Đại biểu cho rằng, thời gian từ nay tới hết năm 2024 không còn nhiều, đề nghị tỉnh Thanh Hóa cần có giải pháp đầu tư để hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Các đại biểu cũng đề nghị tỉnh Thanh Hóa cung cấp số liệu liên quan đến việc lắp đặt hệ thống quan trắc tự động và kết nối về Sở Tài nguyên và Môi trường, công tác bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp khai thác khoáng sản; Việc thực hiện các quy định của pháp luật về BVMT đối với KCN, CCN; Kết quả công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, khắc phục tình trạng các KCN chưa hoàn thành công trình BVMT, các dự án đã đi vào hoạt động nhưng chưa hoàn thành các thủ tục về môi trường.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng Đoàn công tác

Phát biểu kết luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng Đoàn công tác cho rằng, thời gian qua công tác thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm, đối với những khó khăn vướng mắc Đoàn khảo sát cũng ghi nhận để báo cáo cấp có thẩm quyền. Đồng thời, với những vướng mắc thuộc về việc thực thi pháp luật, Đoàn khảo sát cũng đề nghị tỉnh Thanh Hóa tiếp tục quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường trong khai thác chế biến khoáng sản, bởi hiện nay hầu hết các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đều kiến nghị là gặp khó khăn, vướng mắc, nhất là việc lập hồ sơ cấp giấy phép môi trường do chưa cập nhật kịp thời quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương tiếp tục cập nhật, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của địa phương. 

Nhấn mạnh theo quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030 thì tỉnh sẽ có 115 cụm công nghiệp, đến nay thành lập được 44 cụm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, như vậy trong thời gian tới áp lực phát triển kinh tế đối với vấn đề bảo vệ môi trường là rất lớn, đề nghị tỉnh cần quan tâm đến việc di dời những cơ sở sản xuất ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, đầu tư tốt hạ tầng bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp. Đồng thời đề nghị tỉnh sớm chỉ đạo giải quyết các tồn tại trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại khu kinh tế Nghi Sơn và khu công nghiệp của tỉnh, đặc biệt là tồn tại kéo dài tại khu công nghiệp Đình Hương - Tây Bắc Ga thì Đoàn giám sát đã chỉ ra từ năm 2018 nhưng đến nay chưa có giải pháp giải quyết dứt điểm. Cùng với đó cần rà soát lại việc cấp phép về bảo vệ môi trường theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường cho các mỏ khai thác khoáng sản./.

Một số hình ảnh tại buổi làm việc:

Toàn cảnh cuộc làm việc

Đại diện tỉnh Thanh Hóa báo cáo về công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

Đại biểu Bùi Thanh Tùng, Phó trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng khóa 14 bày tỏ băn khoăn trước việc các số liệu trong báo cáo cho thấy tiến độ xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu, cụm công nghiệp còn chậm, đề nghị tỉnh Thanh Hóa có giải pháp đầu tư để hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Ông Hồ Kiên Trung - Phó Cục Trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài Nguyên và Môi trường phát biểu tại cuộc làm việc

Đại biểu Trương Xuân Cừ - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang giải trình, làm rõ một số nội dung Đoàn Công tác quan tâm.

Đoàn công tác khảo sát tại khu công nghiệp Đình Hương - Tây Bắc Ga.

Đoàn công tác khảo sát tại mỏ đá của Công ty TNHH MTV Tân Thành 2.

Bích Hạnh - Thùy Linh