ĐẢM BẢO ĐẤT XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH VĂN HÓA, NGHỆ THUẬT Ở VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ

13/05/2023

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được xem xét tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chuẩn bị trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới. Nhiều ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung “đất xây dựng công trình văn hóa, nghệ thuật ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” thuộc danh mục Nhà nước cần có chính sách bảo đảm đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Xem xét ban hành khung chính sách về hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Tại phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là dự án luật quan trọng, liên quan đến mọi khía cạnh đời sống kinh tế xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của mọi người dân và doanh nghiệp. Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, qua việc lấy ý kiến nhân dân vừa qua, có nhiều ý kiến đóng góp về nội dung quy định liên quan đến trách nhiệm của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo đó, có ý kiến cho rằng chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số cần phải cụ thể hơn, nếu chỉ là có chính sách chung chung thì khó thực hiện, khi địa phương ban hành chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số cũng phải phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, phải trình Hội đồng nhân dân thông qua chính sách này mà không phải là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà

Tiếp thu ý kiến góp ý, Điều 17 dự thảo Luật quy định về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số được chỉnh lý theo hướng: Thủ tướng Chính phủ ban hành khung Chính sách về hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, trên cơ sở đó Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Cụ thể: dự thảo Luật quy định, Nhà nước phải có chính sách bảo đảm đất ở, đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng. Có chính sách tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số có đất để sản xuất, kinh doanh, đảm bảo sinh kế thông qua các hình thức: Giao đất lần đầu không thu tiền sử dụng đất trong hạn mức đối với những đồng bào dân tộc thiểu số chưa được giao đất để sản xuất, kinh doanh; Cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm và thực hiện chính sách miễn tiền thuê đất đối với những trường hợp đã được Nhà nước giao đất sản xuất nhưng thiếu đất sản xuất so với hạn mức.

Thủ tướng Chính phủ ban hành khung chính sách về hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, về chính sách “cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm và thực hiện chính sách miễn tiền thuê đất đối với những trường hợp đã được Nhà nước giao đất sản xuất nhưng thiếu đất sản xuất so với hạn mức” (điểm b khoản 2), cần quy định rõ trường hợp này có phải là cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 120 hay không (nội dung quy định tại Điều 120 không loại trừ áp dụng đối với trường hợp này).

Về quy định “Thủ tướng Chính phủ ban hành khung chính sách về hỗ trợ đất đai” (khoản 3) và quy định “chính quyền địa phương ban hành chính sách về đất đai phù hợp với điều kiện thực tế” (khoản 4), Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát, chỉnh sửa quy định tại khoản 3 Điều 17 bảo đảm phù hợp với quy định tại khoản 5 Điều 70 Hiến pháp năm 2013  và quy định tại khoản 3 Điều 7 Luật Tổ chức Quốc hội về Quốc hội quyết định chính sách dân tộc; rà soát, chỉnh sửa quy định tại khoản 4 Điều 17 bảo đảm phù hợp với quy định tại khoản 6 Điều 19 và khoản 4 Điều 21 Luật Tổ chức chính quyền địa phương về Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định biện pháp thực hiện chính sách dân tộc, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án, đề án của tỉnh đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Cần chính sách đảm bảo đất xây dựng công trình văn hóa, nghệ thuật ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Có ý kiến cho rằng trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất các giai đoạn trước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số quyết định quy định về hạn mức hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, tín dụng, nếu dự thảo Luật cần kế thừa quy định này cần có đánh giá về hiệu lực, hiệu quả của các quyết định.

Nhiều ý kiến đề nghị giao thẩm quyền cho Chính phủ ban hành khung chính sách và quy định chi tiết thực hiện. Tuy nhiên, việc thực hiện sẽ có nhiều khó khăn do: Chưa rõ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ ban hành như thế nào; Các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất đều là các tỉnh kinh tế còn nghèo, nguồn lực, quỹ đất rất khó khăn, mức đầu tư lớn (việc khai thác diện tích đất chưa sử dụng để giải quyết đất sản xuất cần mức đầu tư lớn để khai hoang, phục hóa, cải tạo đất).

Các đại biểu tại phiên họp

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu bổ sung “đất xây dựng công trình văn hóa, nghệ thuật ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” thuộc danh mục Nhà nước cần có chính sách bảo đảm đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị cân nhắc quy định chặt chẽ về chính sách tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số có đất để sản xuất, kinh doanh phù hợp với nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử theo quy định của Hiến pháp năm 2013; đủ rõ ràng để có cơ sở thực thi trên thực tế, mặt khác, tránh lợi dụng chính sách để giao đất, cho thuê đất không bảo đảm mục tiêu chính sách.

Tham gia thẩm tra nội dung này, Thường trực Hội đồng dân tộc cho rừng, chủ thể được giao đất “những đồng bào” tại điểm a, khoản 2 và “những trường hợp” tại điểm b, khoản 2 chưa thống nhất với quy định tại khoản 2 Điều 5; theo quy định phải viết là “cá nhân”. Đồng thời, cụm từ “tạo điều kiện”, cần xem xét sửa đổi thành “ưu tiên” theo đúng Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm

Về chính sách giao đất lần đầu không thu tiền sử dụng đất trong hạn mức đối với những cá nhân chưa được giao đất để sản xuất, kinh doanh (điểm a khoản 2), Thường trực Hội đồng Dân tộc đặt vấn đề, đây là quy định áp dụng chung cho các chủ sử dụng đất đã được quy định tại khoản 1 Điều 114, do đó việc quy định ưu tiên cho dân tộc thiểu số cần làm rõ hơn nội dung chính sách ưu tiên là gì?

Về chính sách Cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm và thực hiện chính sách miễn tiền thuê đất đối với những trường hợp đã được Nhà nước giao đất sản xuất nhưng thiếu đất sản xuất so với hạn mức (điểm b khoản 2), Thường trực Hội đồng Dân tộc cho rằng cần quy định rõ có phải thông qua đấu giá thuê đất theo quy định tại Điều 120 (vì nội dung quy định tại Điều 120 không loại trừ áp dụng đối với trường hợp này).

Minh Hùng