CUNG CẤP THÔNG TIN VỀ ĐẤT ĐAI CẦN PHÙ HỢP VỚI PHONG TỤC TẬP QUÁN, VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG VÙNG MIỀN

12/05/2023

Tham gia đóng góp ý kiến hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị bổ sung nội dung quy định “việc cung cấp thông tin đất đai cần quan tâm ưu tiên những hình thức phù hợp với phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của từng dân tộc, vùng miền”.

HỘI THẢO “BẢO ĐẢM TÍNH ĐỒNG BỘ, THỐNG NHẤT CỦA DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) VỚI HỆ THỐNG PHÁP LUẬT”

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, lấy ý kiến chuyên gia, tham gia thẩm tra với nhiều ý kiến sâu sắc chất lượng, Chính phủ chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân, với hàng triệu ý kiến tham gia, cơ quan chủ trì soạn thảo đã tiếp thu chỉnh lý nhiều nội dung, trong đó có tiếp thu một số ý kiến của Thường trực Ủy ban Xã hội. Để bảo đảm tính chặt chẽ, phù hợp và có tính khả thi cao của dự án Luật, Thường trực Ủy ban Xã hội tiếp tục có một số nội dung góp ý về một số nội dung trong dự thảo luật.

Về trách nhiệm của Nhà nước đối với người sử dụng đất (Điều 16), khoản 1 đang quy định hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm. Trên thực tế, nhiều hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất sản xuất không thực hiện được việc chuyển đổi ngành nghề, nhiều hộ gia đình, địa phương còn lúng túng trong việc xác định, lựa chọn ngành nghề để chuyển đổi, nhất là các đối tượng bị thu hồi đất để thực hiện dự án khi dự án đi vào hoạt động.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh

Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, cần xác định phương án ưu tiên hỗ trợ giữ nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm phù hợp với nghề nghiệp của người có đất bị thu hồi, người bị thiệt hại về tài sản, về sản xuất, kinh doanh trước khi đất bị thu hồi. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các đối tượng yếu thế như người khuyết tật, phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ,…

Đồng thời, cần có quy định cho những trường hợp cụ thể để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước, chủ đầu tư, người sử dụng đất và giúp các địa phương có sự chủ động hơn trong việc thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trên cơ sở đặc điểm tình hình cụ thể của mỗi địa phương…

Về cung cấp thông tin về đất đai (Điều 19), Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị bổ sung thêm khoản 4 “việc cung cấp thông tin đất đai cần quan tâm ưu tiên những hình thức phù hợp với phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của từng dân tộc, vùng miền”. Về nội dung quản lý nhà nước về đất đai (Điều 21), Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị bổ sung tại khoản 15 Điều 21: bổ sung “Quản lý, giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, bảo đảm thực hiện mục tiêu bình đẳng giới”.

Các đại biểu tại phiên họp

Bên cạnh đó, về quyền chung của người sử dụng đất (Điều 27), tên của người phụ nữ trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là một yếu tố rất quan trọng để đảm bảo quyền lợi cho họ. Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị nghiên cứu, bổ sung khoản 1 Điều này và/hoặc trong các điều cụ thể có liên quan trong dự thảo Luật theo hướng: ngoài các quyền chung thì cần quy định được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có đầy đủ tên cả vợ, cả chồng đối với hộ gia đình; quyền được đổi Giấy chứng nhận mang tên 1 người sang Giấy chứng nhận mang tên cả vợ và chồng.

Cùng với đó, về lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (Điều 66), Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị bổ sung việc lấy ý kiến bằng tiếng dân tộc thiểu số tại nơi có nhiều đồng bào là dân tộc thiểu số; tỉ lệ % số người không đồng thuận có thể có; địa điểm công khai thông tin và phương pháp công khai thông tin.

Thêm vào đó, về thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận (Điều 132), Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị bổ sung điều khoản về cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo các quy định tại khoản 4, 5, 6 Điều 131 vì hiện nay Điều 132 mới chỉ quy định thẩm quyền cấp giấy chứng nhận lần đầu và thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đối với trường hợp đăng ký biến động chứ chưa quy định thẩm quyền về cấp đổi Giấy chứng nhận.

Về đất nông nghiệp do tổ chức, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng (Điều 176), tại khổ 2 khoản 2, đề nghị bổ sung ưu tiên việc giao đất, cho thuê đất phải ưu tiên cá nhân là đối tượng yếu thế, phụ nữ có đất hoặc thiếu đất sản xuất ở địa phương. Tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng; quản lý, khai thác sử dụng quỹ đất đã thu hồi (Điều 81).

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà cùng các đại biểu

Khoản 2, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu việc Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và đại diện các tổ chức chính trị - xã hội khác tham gia Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giám sát là không hợp lý do không đảm bảo tính khách quan.

Về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (Điều 86), Dự thảo Luật quy định các nguyên tắc bồi thường tại khoản 2 và khoản 3, tuy nhiên, khoản 7 có quy định “Chính phủ quy định chi tiết…” Để nội dung này được rõ hơn, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị nghiên cứu mở rộng hình thức bồi thường để đảm bảo tính thống nhất với nguyên tắc bồi thường thiệt hại của Bộ luật Dân sự;

Đồng thời, cần xem xét cơ chế chia sẻ lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư, người dân khi thu hồi đất. Trả tiền một lần không thể giải quyết được sinh kế bền vững, mà cần tạo dòng thu nhập trong tương lai, có thể thực hiện bằng tiền như: nhận cổ phần từ các dự án, chia lợi nhuận thu được từ việc khai thác đất bị thu hồi…; hoặc không bằng tiền như: làm việc tại các dự án sử dụng đất bị thu hồi, phát triển cơ sở hạ tầng trường học, bệnh viện, đường xá… cho cộng đồng địa phương nơi có đất bị thu hồi. Việc chia sẻ lợi ích này phải mang tính chất lâu dài, bền vững, tạo cơ chế bổ sung thu nhập dài hạn cho người dân, góp phần tạo quan hệ đối tác giữa nhà đầu tư và cộng đồng dân cư địa phương.

Ngoài ra, về bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất ở (Điều 93), khoản 1 quy định “…khi Nhà nước thu hồi đất thì được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở hoặc bằng tiền hoặc bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi nếu người có đất bị thu hồi có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất”, quy định như vậy chưa bảo đảm quyền lợi cho người có đất bị thu hồi mà không được bồi thường bằng đất, ảnh hưởng đến quyền lợi, cuộc sống của người bị thu hồi đất, không đúng với chủ trương của Trung ương về việc người bị thu hồi đất phải có cuộc sống tốt hơn và có chỗ ở.

Luật hiện hành quy định phải bồi thường bằng đất trừ trường hợp không thể bố trí được đất hoặc là người bị thu hồi có nguyện vọng được bồi thường bằng tiền, như vậy sẽ bảo vệ được quyền lợi của người bị thu hồi đất, đề nghị sửa đổi theo quy định như Luật hiện hành.

Minh Hùng