ĐỀ XUẤT NÂNG THỜI HẠN THỊ THỰC ĐIỆN TỬ TỪ 30 NGÀY LÊN 03 THÁNG

08/05/2023

Thảo luận tại phiên họp toàn thể Ủy ban Quốc phòng và An ninh sáng 08/5 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, các đại biểu thống nhất đề xuất nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 03 tháng nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch quốc tế, người nước ngoài vào Việt Nam nghiên cứu, khảo sát thị trường, tìm kiếm, xúc tiến đầu tư.

TẠO ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI CHO CÔNG DÂN VIỆT NAM VÀ NGƯỜI NƯỚC NGOÀI XUẤT, NHẬP CẢNH

Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 6, thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. 

Báo cáo tại phiên họp về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Thượng tướng Lương Tam Quang – Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định tại các Điều 7 và 9 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) để nâng thời hạn của thị thực điện tử từ 30 ngày lên 03 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần. Đồng thời sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 19a để mở rộng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ và giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể các nước, vùng lãnh thổ trên cơ sở đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, phù hợp với chính sách đối ngoại và phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.

Cho ý kiến về nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La Nguyễn Hữu Đông bày tỏ nhất trí với đề xuất nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 03 tháng, điều này sẽ tiết kiệm thời gian và chi phí cho người nước ngoài làm thủ tục xin thị thực vào Việt Nam, góp phần thu hút khách du lịch, các nhà đầu tư đến Việt Nam nhiều hơn, mang lại sự tiện lợi, ưu ái đặc biệt cho hành khách và thuận lợi trong việc thực hiện trình tự, thủ tục của cơ quan quản lý.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường nêu ý kiến tại phiên họp.

Đồng tình với quan điểm này, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường cho rằng nên mở rộng diện cấp thị thực điện tử cho công dân các nước, vùng lãnh thổ để tạo thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài trong hoạt động nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú, làm ăn tại Việt Nam; góp phần phục hồi, phát triển ngành du lịch nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Khẳng định Bộ Ngoại giao thống nhất chủ trương cấp thị thực điện tử mở rộng từ không quá 30 ngày lên không quá 03 tháng để tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài vào Việt Nam, tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Vũ, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đề nghị nên loại trừ đối tượng mang hộ chiếu ngoại giao công vụ nước ngoài để phù hợp nguyên tắc đối đẳng.

Đồng thời, để tạo thuận lợi hơn nữa trong việc xuất cảnh của công dân Việt Nam, ông Nguyễn Minh Vũ đề nghị xem xét việc giao Chính phủ quyết định việc thoả thuận với phía nước ngoài để cấp thị thực dài hơn thị thực được quy định trong Luật. Điều này giúp Chính phủ chủ động hơn trong việc đàm phán ký kết các điều ước quốc tế giúp công dân Việt Nam thuận lợi hơn trong việc xin thị thực vào các nước.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Hoàng Minh Hiếu phát biểu tại phiên họp.

Cơ bản đồng tình với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Hoàng Minh Hiếu cũng cho rằng, dự thảo Luật Căn cước mà Ủy ban Quốc phòng và An ninh sẽ cho ý kiến trong phiên họp dự định cấp Giấy chứng nhận căn cước cho người sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa được xác định Quốc tịch, do đó, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam nên chăng cũng cân nhắc đưa nội dung này vào cho phù hợp.

Liên quan việc sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 27 và khoản 2 Điều 28 về các trường hợp thu hồi, huỷ giá trị sử dụng hộ chiếu phổ thông, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật Hoàng Minh Hiếu đồng tình với quy định huỷ giá trị sử dụng hộ chiếu còn thời hạn đối với trường hợp đã quá 12 tháng kể từ ngày cơ quan chức năng hẹn nhận hộ chiếu mà không đến nhận hộ chiếu để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Tuy nhiên, dự thảo luật nên cân nhắc bổ sung quy trình huỷ, công bố trên trang thông tin điện tử, và sau thời hạn công dân không đến nhận thì có cơ sở để huỷ bỏ./.

Trọng Quỳnh