GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TẠI THÁI BÌNH: GỠ VƯỚNG MẮC NGAY TỪ CƠ SỞ

05/05/2023

Chiều 4/5, Đoàn giám sát chuyên đề của UBTVQH làm việc với tỉnh Thái Bình về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Phó Trưởng Đoàn giám sát, Trưởng đoàn Công tác số 3 chủ trì buổi làm việc.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI: XÂY DỰNG KẾ HOẠCH TRUYỀN THÔNG CỤ THỂ VỀ CHUYÊN ĐỀ GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG

Một trong những vấn đề được thành viên Đoàn giám sát cho ý kiến đó là báo cáo việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021 của UBND tỉnh Thái Bình còn chưa rõ nét, khá chung chung, nhất là về những hạn chế, chồng chéo, mâu thuẫn từ các luật, thông tư, nghị định nhìn từ thực tiễn địa phương.

f

Toàn cảnh Đoàn công tác số 3, Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021" làm việc tại Thái Bình.

Đại biểu Đồng Ngọc Ba, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chỉ rõ, báo cáo vấn đề ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực năng lượng mới chỉ dừng lại ở việc nêu vấn đề, chưa làm rõ chính sách ưu đãi như thế nào, bất cập ra sao và chưa có kiến nghị cụ thể, điều này gây khó cho Đoàn giám sát trong việc tổng hợp ý kiến cũng như giải quyết vướng mắc một cách hiệu quả. “Luật Đầu tư, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đều có quy định về ưu đãi đầu tư cho lĩnh vực phát triển năng lượng, nhất là việc hỗ trợ tín dụng, khoa học công nghệ, Thái Bình cần đánh giá kỹ hơn chính sách của trung ương, hay trong thẩm quyền ban hành của tỉnh đã ban hành các văn bản nào, có đáp ứng được nhu cầu phát triển năng lượng hiện nay không hay kiến nghị sửa đổi Luật nào, bao giờ sửa thì mới giải quyết “gốc rễ” vấn đề một cách hiệu quả, đại biểu Đồng Ngọc Ba khẳng định.

Đại biểu Nguyễn Công Long, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhấn mạnh, báo cáo của tỉnh Thái Bình về việc sử dụng tiết kiệm năng lượng mới chỉ tập trung vào lĩnh vực điện còn các năng lượng khác chưa rõ nét, đặc biệt là tiết kiệm xăng dầu  - nguồn năng lượng có tác động môi trường rất lớn thì chỉ số đánh giá tiết kiệm lại không cụ thể về định lượng, việc tiết kiệm có tác động ra sao trong việc bảo vệ môi trường?

Đại biểu Nguyễn Công Long, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

Liên quan đến vấn đề xử phạt trong lĩnh vực pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, đại biểu đề nghị tỉnh Thái Bình đánh giá cụ thể kết quả thực hiện chính sách pháp luật này, việc áp dụng như thế nào, quá trình thực thi có gặp khó khăn, vướng mắc, nhất là khi tại nhiều địa phương việc xử phạt này vẫn đang gặp khó vì chưa rõ đầu mối, tổ chức thực hiện. Đại biểu đề nghị tỉnh Thái Bình cần đánh giá việc thực hiện nghị định 134 được sửa đổi theo Nghị định 17 năm 2022 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. Đại biểu Nguyễn Công Long cũng đề nghị tỉnh Thái Bình cần đánh giá kỹ vấn đề đảm bảo an ninh quốc phòng trong việc phát triển năng lượng bởi đây là vấn đề rất quan trọng.

Đánh giá cao tiềm năng, lợi thế của tỉnh Thái Bình trong việc phát triển điện gió khi có 54km bờ biển, đại biểu Trần Văn Khải, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội lưu ý tỉnh Thái Bình cần làm rõ việc phát triển năng lượng, nhất là điện gió trong quy hoạch của tỉnh. “Vấn đề phát triển điện gió gần bờ và trên bờ, Thái Bình cần tính toán cụ thể bởi theo quy hoạch, tổng công suất tính đến năm 2025, chia cho 11 địa phương trong miền Bắc chỉ gói gọn trong 2.816MW, đến năm 2030 là 6.116 MW, đặc biệt sau khi quy hoạch điện VIII được phê duyệt thì việc phân bổ công suất cho từng địa phương lại phụ thuộc theo các yếu tố như tiềm năng phụ tải, hạ tầng đấu nối, năng lực triển khai… Do vậy, Thái Bình muốn phát triển điện gió dọc bờ mà không đưa vào trong quy hoạch tỉnh, không lồng ghéo cụ thể trong quy hoạch điện 8, không được cơ quan thẩm quyền phê duyệt thì khát vọng phát triển điện gió của Thái bình khó trở thành hiện thực”, đại biểu Trần Văn Khải nêu quan điểm.

Liên quan đến vấn đề khảo sát điện gió ngoài khơi và gần bờ, đại biểu Bế Trung Anh, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cũng đề nghị tỉnh Thái Bình cho biết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc cấp phép khảo sát và xây dựng, nhằm “ gỡ rối” cho tỉnh và doanh nghiệp khi nguồn lực địa phương thì lớn mà “chậm” từ khâu khảo sát ban đầu.

Đại biểu Bế Trung Anh, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.

Về việc chậm triển khai hạng mục lưới điện 110KV theo quy hoạch, giai đoạn 2016 – 2020, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng đề nghị tỉnh có đề xuất cụ thể bởi dù các phần phụ lục đã đề cập đến các nguyên nhân do giải phóng mặt bằng hay do người dân chưa đồng thuận với giá cả đền bù do vướng khung giá đền bù, nhưng tỉnh Thái Bình lại chưa có những đề xuất cụ thể về cơ chế chính sách trong giải phóng mặt bằng, nhất là khung giá. Trong khi đó, hiện Quốc hội cũng như cả hệ thống chính trị cũng đang tham gia vào việc góp ý, sửa đổi Luật Đất đai và những đề xuất, kiến nghị về khung giá đền bù, nhìn từ thực tiễn của Thái Bình sẽ là tiền đề để Đoàn Giám sát của Quốc hội có kiến nghị chung về vấn đề này.

Liên quan đến công tác bảo vệ môi trường đối với các dự án phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh Thái Bình, Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội lo ngại trước một số dự án chậm tiến độ khi việc đầu tư dây chuyền sản xuất cách đây hơn 10 năm, công nghệ sản xuất liệu có đáp ứng các điều khoản mà Việt Nam đã cam kết tại COP26 về giảm phát thải khí nhà kính, cam kết phát thải ròng của Việt Nam đến năm 2050 bằng 0.

“Công nghệ năm 2011 và 2023 khác nhau nhiều, theo cam kết, chúng ta cần phải sử dụng các công nghệ thân thiện với môi trường, các dự án của Thái Bình có đáp ứng nhu cầu này không, nếu không việc xin giấy phép môi trường sẽ gặp nhiều khó khăn?”, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nói.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cũng đề nghị Tỉnh Thái Bình làm rõ việc xử lý tro xỉ nhà máy nhiệt điện, nhất là khi Bộ Xây dựng đã tham mưu cho Chính phủ trong việc xử lý tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện bằng cách làm vật liệu xây dựng và thực tế đang vướng mắc tại nhiều địa phương, nếu không giải quyết kịp thời sẽ gây tồn đọng và tác động đến môi trường, đây chính là nguyên nhân xảy ra vi phạm quy định về bảo vệ môi trường?”

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Liên quan đến vấn đề chuyển dịch năng lượng, nếu như chuyên gia Nguyễn Công Thịnh, Viện Khoa học năng lượng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đề nghị Thái Bình làm rõ vai trò của tỉnh trong thực hiện mục tiêu khí phát thải bằng 0 vào năm 2050, thì chuyên gia Đào Nhật Đình, Ủy viên Thường trực Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam lại cho rằng, thách thức của tỉnh này lại là cơ hội của tỉnh khác. Tuy nhiên, với Thái Bình, thách thức nhiều hơn cơ hội, đặc biệt COP 26 sẽ là thách thức lớn với tỉnh Thái Bình do đó, địa phương không nên chạy theo phong trào “dàn hàng ngang đi lên mà có cách tiếp cận riêng”. Đối với điện rác, Thái Bình nên coi đây là vấn đề môi trường hơn là vấn đề năng lượng để có cách khai thác, xử lý hiệu quả. “Lượng rác của thành phố khoảng 1.000 ngàn tấn/năm, chưa đủ để nhà đầu tư quan tâm, nên gói vào 1 địa phương để làm tốt công tác xử lý rác” cũng như cần quan tâm tro xỉ của điện rác. Từ bài học của thành phố Cần Thơ, tươmg lai là Hà Nội, điện rác vẫn nên đặt gần bãi rác, nếu trong trường hợp không ai mua tro xỉ thì gói đặt vào bãi rác để xử lý và phải tiến hành nhanh chóng vì hiện nay ở cấp xã vẫn có 3 -4 bãi rác tự phát gây nên tình trạng ô nhiễm chung của thung lũng sông Hồng”, ông Đào Nhật Đình, Ủy viên Thường trực Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam cho biết.

Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Ngô Đông Hải khẳng định, chiến lược quy hoạch năng lượng của tỉnh chưa làm được, đây là thiếu sót lớn cần được tính toán trong thời gian tới. Thời gian qua, tỉnh Thái Bình loay hoay với bài toán giải quyết chuyển đổi kinh tế, phát triển nông nghiệp, định hình phát triển công nghiệp nên vấn đề năng lượng chưa được quan tâm, sâu sát. Hiện nay, tỉnh Thái Bình đã có kế hoạch, chiến lược phát triển trong tương lai gần: “Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ 20, vấn đề phát triển năng lượng đã được quan tâm đặc biệt, tỉnh đã làm việc với Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc và Tập đoàn Điện lực Việt Nam để hỗ trợ, phát triển hệ thống năng lượng điện trên địa bàn toàn tỉnh, tháo gỡ một vài điểm nghẽn và tập trung những công trình trọng điểm. Do đó, đến nay hệ thống điện phục vụ các khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm đã ổn định”.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải cũng nhấn mạnh, việc thu hút đầu tư các dự án năng lượng gắn với việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả nên Thái Bình sẵn sàng từ chối những dự án tỷ đô nhưng gây ô nhiễm môi trường và sẵn sàng đón các dự án điện, điện tử, cơ điện thân thiện với môi trường. Đối với các nguồn năng lượng khác, nhất là bể than Sông Hồng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình khẳng định, khi chưa có công nghệ tiên tiến, hiện đại, đảm bảo các yếu tố không gây ảnh hưởng kết cấu địa chất, địa tầng thì Thái Bình chưa tiến hành.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Trưởng Đoàn công tác số 3 phát biểu tại buổi làm việc.

Nhấn mạnh năng lượng là nhân tố quyết định đến sự phát triển kinh tế xã hội hiện nay cũng như trong tương lai, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Trưởng Đoàn công tác số 3 đề nghị tỉnh Thái Bình làm rõ các số liệu cung cầu năng lượng hiện nay, dự báo trong tương lai để xây dựng quy hoạch đối với việc thu hút các dự án đầu tư phát triển năng lượng; đồng thời tiếp tục có các kiến nghị xác đáng nhằm hoàn thiện thể chế về phát triển năng lượng… Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng đề nghị tỉnh Thái Bình làm tốt công tác quy hoạch phát triển năng lượng làm căn cứ cho việc tổ chức thực hiện, quan tâm chú trọng phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực quan trọng này. “Tiềm năng năng lượng của Thái Bình rất lớn như bể than, khí mỏ, điện gió, điện mặt trời, điện rác, khí hóa lỏng, hidro xanh hay tương lai là năng lượng của sóng (thủy triều) nên việc quy hoạch năng lượng cần phải tính toán gắn với quy hoạch chung của tỉnh, phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của địa phương, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Những hạn chế, thách thức hay cam kết phát thải ròng bằng 0 theo COP 26  đã đặt ra những thách thức cần Thái Bình có những nghiên cứu hay chính sách cụ thể. Việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng cần được Thái Bình quan tâm, thực hiện tốt hơn dù Thái Bình đã rất trách nhiệm trong việc ban hành 30 văn bản liên quan đến vấn đề này”, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Trưởng Đoàn công tác số 3 khẳng định.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Phó Trưởng Đoàn giám sát, Trưởng Đoàn Công tác số 3 (Đoàn giám sát của UBTVQH) cũng đề nghị tỉnh Thái Bình tiếp tục quan tâm hoàn thiện thể chế để phát triển tốt những tiềm năng lợi thế của địa phương, chống đầu cơ lợi ích nhóm trong phát triển năng lượng.

Đoàn công tác số 3 đã thực địa tại Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và một số vị trí sử dụng điện áp mái nhà; làm việc với đại diện lãnh đạo Sở Công Thương và các Sở, ngành có liên quan.

Trước đó (ngày 20/4), Đoàn công tác số 3 đã thực địa tại Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và một số vị trí sử dụng điện áp mái nhà; làm việc với đại diện lãnh đạo Sở Công Thương và các Sở, ngành có liên quan. Qua thực tế khảo sát và nghiên cứu báo cáo của UBND tỉnh Thái Bình, Tổ công tác nhận thấy, báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021 còn sơ sài, chung chung, mờ nhạt, thiếu số liệu dẫn chứng cụ thể, nhiều thông tin chỉ mang tính liệt kê, không có giá trị so sánh, nhất là các hạn chế, vướng mắc, tồn tại trong cung cầu năng lượng, triển khai dự án năng lượng, quy hoạch đất đai cho phát triển năng lượng chưa được phản ánh sắc nét trong báo cáo; một số nội dung theo yêu cầu của Đề cương báo cáo chưa được UBND tỉnh báo cáo. Các giải pháp được đề cập trong báo cáo còn chung chung, chưa mang tính lâu dài.

Bên cạnh đó, kết quả báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng của tỉnh Thái Bình còn nhiều vấn đề cần phải xem xét như: chưa chỉ ra trách nhiệm của các cơ quan trong các dự án năng lượng chậm tiến độ, nguyên nhân của các tồn tại do đâu.

Khảo sát và làm việc trực tiếp với Ban Quản lý dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Đoàn công tác cho rằng, Dự án này còn nhiều tồn tại, bất cập mà trong báo cáo chưa đề cập, đồng thời đề nghị làm rõ căn cứ nào dừng dự án, trách nhiệm của các tập thể, cá nhân để gây chậm dự án, giải trình cụ thể về lý do chưa được nghiệm thu chính thức, việc chậm chễ nghiệm thu sẽ ảnh hưởng thế nào tới hiệu quả đầu tư, giải trình về tổng mức đầu tư giữ nguyên trong khi thực tế nhiều chi phí phát sinh tăng mạnh hay bất cập về việc áp dụng các tiêu chuẩn mới về môi trường, phòng cháy chữa cháy; lý do phải điều chỉnh và đàm phán giá điện trong PPA sau khi chạy thử…

 Đối với dự án điện gió đã dừng từ năm 2021, Đoàn công tác đề nghị UBND tỉnh báo cáo cụ thể giải pháp, kiến nghị cụ thể để tháo gỡ vướng mắc này, bổ sung đánh giá tính khả thi của việc huy động nguồn lực, kêu gọi đầu tư cũng như việc bố trí cơ sở hạ tầng để thực hiện các dự án này. Các vấn đề khác như điện rác; năng lượng nguyên tử; các nguồn năng lượng tái tạo khác như sinh khối, địa nhiệt hay xăng dầu cũng cần phải làm rõ hơn trong báo cáo.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Toàn cảnh Đoàn công tác số 3, Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021" làm việc tại Thái Bình.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Đại biểu Đồng Ngọc Ba, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chỉ rõ, báo cáo vấn đề ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực năng lượng mới chỉ dừng lại ở việc nêu vấn đề, chưa làm rõ chính sách ưu đãi.

Đại biểu Trần Văn Khải, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội lưu ý tỉnh Thái Bình cần làm rõ việc phát triển năng lượng, nhất là điện gió trong quy hoạch của tỉnh.

 Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Ngô Đông Hải cho biết, tỉnh Thái Bình đã có kế hoạch, chiến lược phát triển năng lượng trong tương lai gần.

Các đại biểu tham dự buổi làm việc.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn, Tổ trưởng Tổ công tác, Đoàn Công tác số 3 giám sát tại Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Thùy Linh - Bích Hạnh