Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp xúc cử tri tại huyện Châu Thành A, Hậu Giang
Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành; các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang và lãnh đạo tỉnh Hậu Giang.
Tại hội nghị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang Lê Thị Thanh Lam báo cáo với cử tri về dự kiến nội dung chương trình Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV và một số hoạt động của Đoàn từ sau Kỳ họp thứ Tư đến nay.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri
Kỳ họp thứ Năm sẽ khai mạc vào ngày 22.5 và dự kiến bế mạc vào ngày 23.6. Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội và Kỳ họp tiến hành theo 2 đợt. Tại Kỳ họp lần này, Quốc hội thực hiện một số nội dung chính như: xem xét thông qua 8 dự án Luật, 2 dự thảo Nghị quyết; cho ý kiến 8 dự án luật; xem xét các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác …
Từ sau Kỳ họp thứ Tư đến nay, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang đã phối hợp Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tổ chức để các đại biểu Quốc hội tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri với hình thức trực tiếp tại 8 đơn vị huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn, với số lượng 1.170 cử tri tham dự, có 47 lượt cử tri phát biểu và ghi nhận 115 lượt ý kiến, kiến nghị; trong đó có 2 nội dung liên quan đến Trung ương đã được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận và phản ánh đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét trả lời với cử tri. Đến nay, đã nhận được 8 văn bản trả lời của các bộ, ngành Trung ương và 9 văn bản của các sở, ngành địa phương. Các đại biểu Quốc hội luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cử tri và luôn hoàn thành nhiệm vụ đại biểu khi được phân công.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu phát biểu
Tại hội nghị, cử tri đã phản ánh, kiến nghị về: giải pháp để phát huy các thế mạnh của tỉnh Hậu Giang, nâng cao chất lượng sống của người dân. Về tuyến đường cao tốc Cần Thơ - Sóc Trăng, cử tri kiến nghị cần làm thêm các tuyến đường dân sinh để giao thông của người dân thuận tiện hơn. Cử tri phản ánh tình trạng ngập úng ở Quốc lộ 1A, từ km10 đến cầu Đất Sét và đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra đơn vị thi công.
Cử tri cũng kiến nghị khi phân bổ nguồn vốn ngân sách, cần xem xét nhu cầu thực tế của địa phương. Liên quan đến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), cử tri đề nghị cần quan tâm hơn tới công tác tái định cư với những hộ dân bị thu hồi đất, bảo đảm nơi ở mới tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ.
Cử tri huyện Châu Thành A phát biểu ý kiến
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn thông tin tới cử tri về hoạt động của Quốc hội trong thời gian qua, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, dù chịu nhiều ảnh hưởng từ tình hình thế giới, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự đồng thuận của Nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội của nước ta vẫn có những bước tăng trưởng, tiến bộ. GDP quý I.2023 tăng 3,32% so với cùng kỳ; thu ngân sách nhà nước tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, tình hình kinh tế-xã hội nước ta còn phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức liên quan đến ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị lãnh đạo các cấp của tỉnh Hậu Giang thường xuyên quan tâm tới các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng lưu ý, tình hình dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp, đề nghị người dân luôn nêu cao cảnh giác, thực hiện nghiêm túc các quy định của ngành y tế, không được có tâm lý chủ quan.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, các ý kiến, kiến nghị của cử tri sẽ được Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp đầy đủ để chuyển tới Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành chức năng của Trung ương và tỉnh xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Quang cảnh hội nghị
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng biểu dương Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hậu Giang đã có nhiều nỗ lực, phấn đấu, đạt nhiều điểm sáng về kinh tế - xã hội. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Hậu Giang cần tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện hiệu quả, kịp thời Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV.
Cùng với đó, cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có trình độ học vấn cao, có tri thức để phát triển Hậu Giang cùng cả nước; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường công tác thanh tra, giám sát; chú trọng đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người dân. Đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công; điều chuyển các dự án không có khả năng giải ngân để điều chuyển cho các dự án có tỷ lệ giải ngân cao; cần tập trung phát triển hạ tầng đồng bộ để tạo động lực phát triển công nghiệp.