NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH ÁP DỤNG THUẾ TỐI THIỂU TOÀN CẦU

24/04/2023

Thuế tối thiểu toàn cầu hiện đã được OECD thông qua và bắt đầu áp dụng tại một số quốc gia từ 2024 và các năm tới đây sẽ có tác động đến môi trường đầu tư, thu hút đầu tư nước ngoài và hệ thống các chính sách ưu đãi của các quốc gia trong đó có Việt Nam. Với thực trạng là nước nhận vốn đầu tư của nước ngoài lớn, có nhiều chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp nên Việt Nam cần kịp thời nghiên cứu, xây dựng và ban hành các giải pháp chính sách phù hợp.

CẦN CHỦ ĐỘNG ÁP DỤNG THUẾ NỘI ĐỊA BỔ SUNG TỐI THIỂU ĐẠT CHUẨN: CƠ HỘI ĐỂ THÍCH ỨNG VỚI ĐIỀU KIỆN MỚI VÀ ĐỒNG HÀNH VỚI DOANH NGHIỆP

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI DỰ HỘI THẢO THUẾ TỐI THIỂU TOÀN CẦU VÀ TÁC ĐỘNG ĐỐI VỚI CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI ĐẦU TƯ TẠI VIỆT NAM

Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế về Thuế tối thiểu toàn cầu và tác động đối với chính sách ưu đãi đầu tư tại Việt Nam

Để giải quyết một cách hiệu quả tình trạng chuyển lợi nhuận về những nơi có chế độ thuế thấp và chấm dứt cuộc đua cùng nhau xuống đáy giữa các quốc gia trong ưu đãi thuế để cạnh tranh thu hút đầu tư, tháng 10/2021, G20 đã đưa ra thỏa thuận nhằm đạt được mức thuế suất hiệu quả tối thiểu toàn cầu 15%, áp dụng cho các tập đoàn đa quốc gia có doanh thu toàn cầu trên 750 triệu EURO, mà không cần có một thoả thuận đa phương giữa các nước về nội dung này.

Đối với các nước chủ yếu có vốn đầu tư ra nước ngoài như các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU), các nước Châu Âu không phải thành viên của EU (bao gồm Thụy Sĩ, Vương Quốc Anh, Na Uy), các nước Châu Á (bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Úc) sẽ áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024. Ngoài ra, Singapore sẽ áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2025. Tại Mỹ cũng đã có đề xuất nâng mức thuế suất tối thiểu của Global intangible low-taxed income – GILTI (một cơ chế thuế tối thiểu của hiện hành của Mỹ) từ 10.5% lên 21% và sửa đổi các quy tắc liên quan để phù hợp với các quy định về Thuế tối thiểu toàn cầu. Như vậy, đối với các nước có vốn đầu tư ra nước ngoài, phần lớn sẽ áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 để thu thêm phần chênh lệch từ mức thuế thực tế so với Thuế tối thiểu toàn cầu (15%), trong đó có các nước có số vốn đầu tư lớn vào Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông và Singapore.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự hội thảo

Trong khi đó, đối với các nước chủ yếu nhận vốn đầu tư từ nước ngoài như Indonesia sẽ áp dụng Quy định IIR và UTPR từ năm 2024. Malaysia sẽ áp dụng Quy định QDMTT từ năm 2024. Thái Lan áp dụng Quy định thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2025. Có thế thấy các nước nhận vốn đầu tư từ nước ngoài, tương tự như Việt Nam đang nghiên cứu để đưa ra chính sách ứng phó Thuế tối thiểu toàn cầu, trong đó có việc áp dụng quy định thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) để tránh việc các Tập đoàn phải nộp thuế bổ sung đối với phần thu nhập của công ty con có thuế suất thấp hơn mức tối thiểu về các nước có công ty mẹ đóng trụ sở chính, đồng thời cũng nghiên cứu một số giải pháp hỗ trợ về tài chính để giữ chân các công ty thuộc đối tượng của Thuế tối thiểu toàn cầu và thu hút các công ty mới.

Theo số liệu tổng hợp từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư, đến nay, Việt Nam đã thu hút đầu tư nước ngoài từ 142 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, các đối tác đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam chủ yếu đến từ khu vực Đông Á, cụ thể: Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore là những nước dẫn đầu danh sách. Trong tương quan chung, Việt Nam vẫn là quốc gia nhập khẩu vốn đầu tư nước ngoài.

Về số thu NSNN, trong 3 năm 2020-2022, số thu thuế TNDN từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên tổng số thu thuế TNDN như sau: Tổng số thu thuế TNDN chiếm 18% - 21% tổng số thu ngân sách nội địa. Số thu thuế TNDN từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 7,5% - 8,5% tổng số thu ngân sách nội địa. Số thu thuế TNDN từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 39% - 41% tổng số thu thuế TNDN. Nếu Việt Nam không áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu thì số thu NSNN về thuế thu nhập doanh nghiệp không bị ảnh hưởng.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Tuy nhiên, nếu Việt Nam áp dụng quy định thuế tối thiểu nội địa đạt chuẩn, Việt Nam sẽ có quyền đánh thuế bổ sung đối với những doanh nghiệp FDI đang được hưởng thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu 15%, từ đó tăng thu NSNN. Trường hợp Việt Nam không thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung thì toàn bộ số thu được ưu đãi cho các doanh nghiệp hiện tại sẽ được các nước phát triển có doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam thu về ngân sách của các nước đó. Mặt khác, khi Việt Nam áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu (quy định IIR và UTPR) đối với những doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng của Thuế tối thiểu toàn cầu và có công ty con ở nước khác có số thuế TNDN thực tế thấp hơn mức tối thiểu thì sẽ thu thêm được thuế TNDN từ những doanh nghiệp này, từ đó tăng thu NSNN.

Về tác động của Thuế tối thiểu toàn cầu tới doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, theo dữ liệu, thông tin thống kê sơ bộ từ cơ sở dữ liệu doanh nghiệp toàn cầu thì hiện có khoảng 1.017 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu.

Không chỉ là nước nhận đầu tư, Việt Nam cũng có các nhà đầu tư ra nước ngoài. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến 20/3/2023, Việt Nam đã có 1.625 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực. Như vậy, Thuế tối thiểu toàn cầu cũng tạo ra cơ hội đánh thuế khi Việt Nam áp dụng quy định chung về Thuế tối thiểu. Theo đó, Việt Nam có quyền đánh thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp Việt Nam nếu thuộc đối tượng áp dụng của Thuế tối thiểu toàn cầu đầu tư ra nước ngoài, và đang được hưởng thuế suất thực tế thấp hơn mức tối thiểu 15% tại các nước khác.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Để ứng phó trước tác động của Thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam cần chủ động thực hiện theo chương trình Thuế tối thiểu toàn cầu. Theo đó ban hành chính sách về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định về Thuế tối thiểu toàn cầu để các doanh nghiệp này nộp phần chênh lệch giữa thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế so với Thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam.

Việt Nam cần quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định về Thuế tối thiểu toàn cầu (đạt chuẩn 15% - theo quy định QDMTT của OECD) để ứng phó với Thuế tối thiểu toàn cầu của các nước có đầu tư nước ngoài vào Việt Nam (áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024) và áp dụng từ ngày 1/1/2024.

Đồng thời, quy định về Thuế tối thiểu toàn cầu, bao gồm quy định tổng hợp thu nhập (IIR) và quy định lợi nhuận chịu thuế dưới mức tối thiểu (UTPR), để áp dụng đối với các doanh nghiệp Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài và các doanh nghiệp khác thuộc đối tượng áp dụng của Thuế tối thiểu toàn cầu để thu phần chênh lệch (nếu có).

Việc bổ sung quy định này sẽ thể chế hóa được nội dung của Nghị quyết số 07- NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị là: “Hoàn thiện chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế, tăng tỉ trọng thu nội địa, bảo đảm tỉ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu, khai thác tốt thuế thu từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường;…”.

Mặt khác để hạn chế tác động tiêu cực của Thuế tối thiểu toàn cầu đối với thu hút đầu tư tại Việt Nam cần có các giải pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp nhưng phải đảm bảo không vi phạm quy tắc về Thuế tối thiểu toàn cầu, phù hợp với cam kết, thông lệ quốc tế, công khai minh bạch, giảm thiểu tác động xấu tới môi trường đầu tư.

Các giải pháp hỗ trợ cần được nghiên cứu ban hành có thể bao gồm việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng cơ bản cho sản xuất, đầu tư hình thành tài sản cố định cho sản xuất công nghiệp, bảo vệ môi trường, hỗ trợ nhà ở cho công nhân, hỗ trợ bảo hiểm xã hội, y tế cho người lao động, hỗ trợ cho nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường. Để thực hiện được chương trình hỗ trợ nhà nước cũng cần bố trí các nguồn lực tài chính, đất đai, đào tạo nguồn nhân lực để duy trì sức hấp dẫn và ổn định môi trường đầu tư.

Bảo Yến