PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN DÂNG HOA, DÂNG HƯƠNG TẠI BẢO TÀNG QUANG TRUNG
Tham dự đoàn giám sát có: bà Nguyễn Thị Thanh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Đoàn giám sát.
Về phía tỉnh Bình Định có: Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn…
Báo cáo với Đoàn Giám sát, ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 204 trường tiểu học, 148 trường trung học cơ sở, 55 trường trung học phổ thông (52 trường công lập, 03 trường tư thục), 1 Trung tâm Giáo dục thường xuyên, 11 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên với 277.789 học sinh, học viên. Toàn tỉnh có 13.708 giáo viên đang công tác tại các cơ sở giáo dục công lập. Đội ngũ cơ bản đủ để tổ chức dạy và học, triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tỷ lệ đạt chuẩn của giáo viên: Cấp Tiểu học: 85,36% (vượt chuẩn 0,31%); Cấp THCS: 86,06% (vượt chuẩn 3,91%); Cấp THPT: 100% (vượt chuẩn 28,8%).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang báo cáo với Đoàn Giám sát
Đánh giá chung, công tác chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai sớm, bắt đầu từ khâu rà soát, sắp xếp, sáp nhập trường có quy mô nhỏ; dồn dịch điểm trường lẻ gần điểm chính, đi lại thuận tiện do đó mạng lưới trường lớp ngày càng tinh gọn, hiệu quả trong việc bố trí, sử dụng nguồn lực. Đội ngũ giáo viên đã được bổ sung về số lượng, trong tuyển dụng đã quan tâm nhiều đến cơ cấu và chất lượng; công tác bồi dưỡng được thực hiện một cách chủ động, nội dung bồi dưỡng thiết thực, hiệu quả. Do đó, khi thực hiện chương trình mới giáo viên hoàn toàn chủ động xử lý các vấn đề mới phát sinh, không bỡ ngỡ, lúng túng. Cơ sở vật chất đã được các địa phương quan tâm đầu tư, đa số các cơ sở giáo dục tiểu học có đủ phòng học để dạy học 2 buổi/ngày; các trang thiết bị được mua sắm bổ sung, nhất là các thiết bị công nghệ mới đầu tư cho các lớp 1, lớp 2 góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng giáo dục; việc lựa chọn sách giáo khoa được đông đảo phụ huynh, học sinh và đội ngũ giáo viên ủng hộ, dư luận xã hội đồng thuận cao; tài liệu giáo dục địa phương được biên soạn công phu, thẩm định kỹ lưỡng, phát hành kịp thời và đưa vào giảng dạy đúng theo lộ trình. Kết quả triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo lộ trình cho thấy: Các nhà trường đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; khai thác, sử dụng sách giáo khoa, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn; vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Tất cả các trường đã hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch, chất lượng học sinh đảm bảo theo chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của chương trình, có một số điểm nổi trội hơn so với chương trình hiện hành.
Đoàn giám sát ghi nhận những kết quả ban đầu của tỉnh Bình Định, tuy nhiên cũng chỉ ra Báo cáo của UBND tỉnh chưa đề cập đến những điểm vướng mắc, bất cập của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở địa phương. Qua giám sát trực tiếp, một số cơ sở cho rằng “Chương trình cơ bản phù hợp với đa số học sinh, tuy nhiên, đối với học sinh người dân tộc thiểu số, việc tiếp thu, lĩnh hội kiến thức còn chậm”. Đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh Bình Định bổ sung, làm rõ các căn cứ, cơ sở thực tiễn để đánh giá về ưu điểm, hạn chế, mức độ đáp ứng mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (chương trình tổng thể và chương trình môn học); việc thiết kế, xây dựng chương trình giáo dục phổ thông theo hai giai đoạn và định hướng nghề nghiệp; kết quả thực tế qua hai năm triển khai (năm học 2020-2021và 2021-2022). Đoàn giám sát cũng nhận thấy, mặc dù tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn của Bình Định cao so với các địa phương khác cũng như mặt bằng chung của cả nước, và cũng không thiếu giáo viên cục bộ như nhiều tỉnh khác; tuy nhiên tỉnh vẫn chưa đánh giá được số lượng giáo viên gặp khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới của chương trình. Cùng với đó cần bổ sung, làm rõ công tác chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh; đánh giá rõ hơn về kết quả đạt được, các hạn chế trong việc thực hiện đổi mới đánh giá chất lượng giáo dục, từ quy trình ra đề thi, phương thức tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh. Đối với học sinh người dân tộc thiểu số, việc tiếp thu, lĩnh hội kiến thức Chương trình còn chậm. Đề nghị UBND tỉnh có ý kiến về việc áp dụng tiêu chuẩn chung đại trà trong việc đánh giá đối với học sinh đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh và đề xuất, kiến nghị…
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định
Phát biểu tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho biết, việc triển khai chương trình đổi mới giáo dục phổ thông là cần thiết, để tiếp cận nền giáo dục hiện đại. Tuy nhiên khi mới bắt đầu triển khai còn vướng. “ Chúng tôi nhìn nhận thấy rằng, mỗi lần đổi mới là lại có một giai đoạn hẫng, trũng về mặt kiến thức thì chúng ta cố gắng làm sao phải hạn chế tối đa điều này và làm theo hướng nâng cấp dần. Quan trọng nhất hiện nay là chất lượng đội ngũ giáo viên cần phải đào tạo lại thì cái này rất khó, không hề dễ dàng gì”, ông Phạm Anh Tuấn chia sẻ. Do vậy, theo ông Tuấn cần rà soát, đào tạo lại nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên để nắm bắt và tiệm cận được, truyền đạt được cho học sinh kiến thức các môn theo chương trình mới; bố trí nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn khẳng định, quan điểm lãnh đạo tỉnh Bình Định đặc biệt quan tâm tới giáo dục, thời gian qua, tỉnh đã ưu tiên dành nhiều nguồn lực cho ngành giáo dục đào tạo, nhất là với khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời kiến nghị Nhà nước cần cấp sách miễn phí cho học sinh vùng dân tộc thiểu số, miền núi vùng sâu vùng xa. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cũng đề nghị Quốc hội quan tâm đến cấp mẫu giáo, đề xuất cơ bản không nên xã hội hóa. Ông Phạm Anh Tuấn cho rằng, công tác xã hội hoá giáo dục nên có lộ trình cụ thể, có sự phân định với từng khu vực, không nên “ép” quá mức về vấn đề tự chủ, xã hội hóa, ngân sách của địa phương và nhà nước nên cân đối “chung tay” tiếp tục quan tâm bố trí để giáo dục phát triển.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận những điểm sáng của tỉnh trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới song cũng đồng thời đề nghị tỉnh quan tâm tiếp tục nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp; thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc. “Bình Định cần thực hiện tốt chính sách cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh có hoàn cảnh khó khăn học sinh khuyết tật; lồng ghép sử dụng có hiệu quả các đề án, chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn huy động hợp pháp từ xã hội để tạo thêm nguồn lực đầu tư”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.
Quang cảnh buổi làm việc
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng lưu ý, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, đề nghị tỉnh Bình Định tiếp tục chủ động, quyết tâm, sáng tạo vượt qua những khó khăn để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đúng lộ trình, đạt hiệu quả trong những năm học tới.
Cùng với đó, cần tiếp tục thực hiện tốt công tác truyền thông, vận động sự ủng hộ về mọi mặt của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và người dân; thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục, xây dựng trường chuẩn quốc gia tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Bình Định cũng kiến nghị, Nhà nước cấp sách miễn phí cho học sinh vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Các nhà xuất bản cần cung cấp đủ số lượng sách và gửi trước thời gian tập huấn để giáo viên có thời gian tham khảo.
Sau khi nghe báo cáo của địa phương, ý kiến của các bộ, ngành Trung ương và các thành viên Đoàn giám sát, phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Đoàn giám sát ghi nhận, đánh giá cao công tác chuẩn bị nội dung và các điều kiện bảo đảm của tỉnh Bình Định để cuộc làm việc thu được nhiều kết quả tích cực. Các báo cáo được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, phản ánh khá toàn diện việc thực hiện đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn; tài liệu được cung cấp kịp thời, đầy đủ, nhiều số liệu, các kiến nghị rõ ràng, cụ thể, đáp ứng yêu cầu của Đoàn giám sát.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại cuộc làm việc
Đoàn giám sát nhận thấy, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, lãnh đạo và hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và các chương trình, đề án của Chính phủ. Các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cơ bản được ban hành kịp thời, sát với tình hình thực tiễn. Đây là căn cứ để địa phương và các cơ sở giáo dục trên địa bàn xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện. Các cơ sở giáo dục, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã phát huy tính chủ động, linh hoạt để triển khai Chương trình với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng nêu rõ, trong điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng Bình Định đã quan tâm, bố trí ngân sách và huy động các nguồn lực tương ứng để đầu tư, bổ sung cơ sở vật chất và mua sắm thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục; rà soát, đánh giá đội ngũ giáo viên, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đúng kế hoạch, với đội ngũ giáo viên đạt chuẩn cao; đã tổ chức hướng dẫn, kiểm tra quá trình triển khai thực hiện nghiêm túc; thực hiện quy trình lựa chọn sách giáo khoa theo quy định; biên soạn và phát hành tài liệu giáo dục địa phương đáp ứng yêu cầu dạy và học. Những kết quả bước đầu trong đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông mà tỉnh đã đạt được thời gian qua là rất đáng trân trọng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, đồng hành với ngành giáo dục, Đoàn ĐBQH, HĐND và Ủy ban MTTQ tỉnh Bình Định đã tổ chức nhiều hoạt động giám sát thường xuyên, giám sát chuyên đề; kiến nghị, đề xuất với UBND tỉnh để có sự chăm lo tốt nhất cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của địa phương. Bên cạnh đó, việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới còn nhận được sự chia sẻ, ủng hộ, đồng tình của phụ huynh và nhân dân trên địa bàn.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Phan Viết Lượng phát biểu tại buổi làm việc
Qua khảo sát thực tiễn, Đoàn giám sát nhận thấy, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn còn một số khó khăn, vướng mắc, như: nguồn lực đầu tư cho việc đổi mới giáo dục phổ thông còn thấp so với nhu cầu; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học còn thiếu hoặc được đầu tư chưa đồng bộ, một số công trình, phòng học, thiết bị dạy học xuống cấp, hoặc chậm được mua sắm, bổ sung, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên dạy các môn học mới, việc cơ cấu lại, đào tạo và bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý còn có những khó khăn nhất định; còn có giáo viên lúng túng, chưa quen với phương pháp giáo dục, phương pháp đánh giá chất lượng giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Giá sách giáo khoa còn cao so với mặt bằng đời sống của một bộ phận người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Việc đổi mới quản lý, quản trị nhà trường vẫn còn lúng túng nhất định trong thời gian đầu thực hiện. "Đây là một số trong những thách thức đang đặt ra trong lộ trình thực hiện đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội chỉ rõ.
Đoàn giám sát cơ bản tán thành với những giải pháp và kiến nghị của UBND tỉnh để nâng cao hiệu quả việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong thời gian tới. Nêu rõ điều này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khẳng định, các kiến nghị của tỉnh sẽ được Đoàn giám sát tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu kỹ lưỡng để tiếp thu, xây dựng Báo cáo kết quả giám sát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và gửi đến Chính phủ, các bộ, ngành liên quan.
"Đối với các ý kiến trao đổi tại cuộc làm việc này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị UBND tỉnh tiếp thu tối đa ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát, đại diện các bộ, ngành để hoàn thiện báo cáo bổ sung gửi Đoàn giám sát trong thời gian sớm nhất. Báo cáo bổ sung của tỉnh cần có trọng tâm, trọng điểm, đúng theo tinh thần Nghị quyết 88 (những gì đã làm, đang làm, chưa làm, lý do); phát hiện những ưu điểm, cách làm hay để nhân rộng, đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế và đặc biệt có các giải pháp, đề xuất.
Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị tỉnh Bình Định tiếp tục nỗ lực, quyết tâm, sáng tạo vượt qua những khó khăn để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đúng lộ trình, đạt hiệu quả trong những năm học tới.