ĐOÀN ĐBQH TỈNH CAO BẰNG LÀM VIỆC VỚI BAN DÂN TỘC TỈNH, SỞ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

15/04/2023

Chiều 14/4, Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng do đồng chí Bế Minh Đức, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách làm trưởng đoàn làm việc với Ban Dân tộc tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG: LÀM RÕ TRÁCH NHIỆM CỦA TỪNG BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG TRONG THỰC HIỆN 3 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Các đại biểu dự buổi làm việc.

Hiện nay, 3 CTMTQG được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Cao Bằng gồm: Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bên vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Toàn tỉnh có 17 dự án, 24 tiểu dự án, 15 nội dung thuộc các chương trình với tổng vốn và phân chia nguồn vốn cho cả giai đoạn 2021 - 2025 hơn 10.600 tỷ đồng; 1.462 thôn, bản của 161 xã thuộc các huyện, Thành phố được thụ hưởng các chương trình.

Đối với việc thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các cấp có nhiều đổi mới trong quá trình tổ chức thực hiện. Giai đoạn 2021 - 2022, các dự án, tiểu dự án giải ngân hơn 650 tỷ đồng, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 4,29%, giảm 5.342 hộ nghèo; GRDP bình quân đầu người đạt trên 39 triệu đồng; 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh do tiếp tục thực hiện chuẩn hộ nghèo áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh giảm 5.043 hộ nghèo, tỷ lệ giảm 4,03%, đưa tỷ lệ hộ nghèo đầu năm 2021 từ 22,06% giảm xuống còn 18,03% vào cuối năm 2021. Năm 2022, thực hiện chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2022 - 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 4,29%, giảm 5.342 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo đầu kỳ từ 33,23% giảm xuống còn 28,94% vào cuối năm 2022.

Tại buổi làm việc, các đại biểu thảo luận về một số nội dung còn vướng mắc, hạn chế trong thực hiện 3 CTMTQG tại tỉnh, trong đó, tập trung vào việc phân bổ vốn, khó khăn trong thực hiện tỷ lệ đối ứng của địa phương; thực hiện hệ thống sinh kế giảm nghèo; vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản; duy trì tiêu chí nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao...

Qua khảo sát cho thấy, công tác phối hợp thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị trong thời gian qua được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Tuy nhiên, các mô hình giảm nghèo quy mô nhỏ, việc nhân rộng, bao tiêu sản phẩm từ một số mô hình khó khăn, bất cập..., nguồn vốn đầu tư cho huyện nghèo thấp, công tác lồng ghép nguồn lực khó khăn, thiếu bền vững. Một bộ phận người nghèo còn tư tưởng không muốn thoát nghèo, có hiện tượng tách hộ là người già, người khuyết tật… thành hộ riêng để được thụ hưởng chính sách ưu đãi; có nơi cấp xóm, cấp xã, huyện không muốn mất chế độ nên không muốn thoát nghèo.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng Bế Văn Hùng phát biểu tại buổi làm việc.

2 đơn vị kiến nghị: Ủy ban Dan tộc sớm ban hành hệ thống phần mềm phục vụ công tác báo cáo số liệu kết quả thực hiện chương trình; Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm nghiên cứu ban hành, điều chỉnh, bổ sung các văn bản hướng dẫn thực hiện các dự án của chương trình, đặc biệt là thiết kế các dự án mẫu đa dạng hóa sinh kế; hướng dẫn các nội dung hỗ trợ, mức chi đối với mô hình, dự án giảm nghèo dịch vụ, thương mại, du lịch, khởi nghiệp; quan tâm phân bổ kinh phí thực hiện Dự án 5 "Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo".

Phát biểu kết luận, đồng chí Bế Minh Đức đề nghị các sở, ngành cần tập trung, quyết liệt trong tổ chức thực hiện các CTMTQG, nhất là Chương trình giảm nghèo bền vững; tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ và người dân. Bố trí kinh phí đầu tư cho các công trình hạ tầng cần tập trung, dứt điểm, không kéo dài, bảo đảm công trình sớm phát huy hiệu quả; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả của chương trình.

Đối với những kiến nghị của tỉnh và các huyện, sau đợt giám sát, Đoàn có trách nhiệm đề xuất với Quốc hội, Chính phủ xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế trong giai đoạn tiếp theo.

(Theo Báo điện tử Cao Bằng)