SỬA ĐỔI CĂN BẢN, TOÀN DIỆN LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI
“Bắt nhịp” cùng sự phát triển của công nghệ số
Ngày 13/6/2022, Quốc hội đã ra Nghị quyết số 50/2022/QH15 về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Theo đó, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV vào tháng 10/2023.
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết số 50/2022/QH15
Thực hiện Nghị quyết này, ngày 06/7/2022 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 799/QĐ-TTg về phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Theo đó, Bộ LĐTBXH được giao chủ trì soạn thảo dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Chính phủ tháng 6/2023.
Qua khảo sát thực tế, tổng kết kỹ lưỡng quá trình triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội 2014, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu nhận định, Luật hiện hành đang bộc lộ những điểm hạn chế, bất cập như: Diện bao phủ đối tượng tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội trên thực tế còn thấp; Các quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động, người lao động trong thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội vẫn còn khoảng trống; Quy định về thời gian đóng tối thiểu để hưởng lương hưu chưa phù hợp với thực tế tham gia bảo hiểm xã hội và nhu cầu hưởng lương hưu của người lao động.
Bên cạnh đó, tính tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội còn thấp, vẫn còn tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội; Một số chế độ bảo hiểm xã hội chưa được quy định để tăng sự hấp dẫn của bảo hiểm xã hội; Mức hỗ trợ của một số chế độ, chính sách còn chưa hấp dẫn; Vai trò của tổ chức công đoàn trong việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội còn có vướng mắc về cả quy định pháp lý và thực tiễn thực hiện; Quy định về công nghệ thông tin, công nghệ, phương tiện kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu của thời đại 4.0;...
Trong bối cảnh trao đổi thương mại và đầu tư trên thế giới ngày càng phát triển, dòng lưu chuyển lao động giữa các nước cũng ngày càng tăng. Xu hướng các quốc gia đều thúc đẩy các hoạt động đàm phán, ký kết Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi cho người lao động, đồng thời cũng khắc phục bất cập trong việc tránh đóng trùng bảo hiểm xã hội ở cả hai quốc gia.
Trong điều kiện đặc biệt này, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 còn thiếu các quy định để tạo thuận lợi hoạt động đàm phán và thực thi Hiệp định, cũng như có đủ quy định pháp lý cho người lao động Việt Nam tham gia thị trường lao động quốc tế được thực hiện quyền, nghĩa vụ và hưởng chế độ bảo hiểm xã hội tích lũy từ quá trình lao động.
Ủy ban Xã hội làm việc với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Tại cuộc làm việc với Ủy ban Xã hội, đại diện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) hướng đến giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành, tạo khung pháp lý thông thoáng, linh hoạt hơn trong tham gia, thụ hưởng các quyền lợi về bảo hiểm xã hội. Đồng thời, đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động trong quá trình tham gia và thụ hưởng các quyền lợi về bảo hiểm xã hội, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng các yêu cầu về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội.
Bên cạnh những quy định chung, dự thảo Luật đề xuất một số nội dung như: Quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội và quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với bảo hiểm xã hội; trợ cấp hưu trí xã hội; đăng ký tham gia và quản lý thu, đóng bảo hiếm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện….
Đặc biệt, nhằm tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hoá quản lý bảo hiểm xã hội theo tình thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW, tạo thuận lợi, minh bạch cho người tham gia và thụ hưởng BHXH, dự thảo Luật quy định sổ bảo hiểm xã hội được xây dựng trên môi trường điện tử và được cấp cho từng người lao động để theo dõi việc đóng, hưởng, là cơ sở để giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quy định của Luật này.
Bên cạnh đó, để phù hợp với điều kiện thực hiện thực tiễn đối với những trường hợp chưa có điều kiện thực hiện điện tử thì dự thảo luật cũng có bước quy định chuyển tiếp về việc tiếp tục sử dụng sổ bảo hiểm xã hội bằng bản giấy.
Cần sự đồng thuận mạnh mẽ từ phía người dân
Đóng góp ý kiến nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan cho rằng, ngành bảo hiểm xã hội cần đẩy mạnh chuyển đổi số không chỉ ở dữ liệu, quy trình thủ tục hành chính, mà cần tiến tới chuyển đổi số toàn diện. Quá trình này kéo theo sự thay đổi về mọi mặt trong hoạt động của ngành, từ quy trình làm việc, con người, hạ tầng, chính sách, thói quen, các mối quan hệ, cho đến văn hóa tổ chức…
Thủ tướng Chính phủ- Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số có thông điệp nhân Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022, trong đó nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực của chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn. Do đó, ngành BHXH Việt Nam cần sớm có kế hoạch, lộ trình cụ thể để tiến tới chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực của Ngành.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan
Bên cạnh đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện bộ công cụ khảo sát đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam, tiến tới triển khai đánh giá trực tiếp ý kiến của người dân về mức độ hài lòng đối với ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam trong quá trình xử lý, giải quyết chính sách, chế độ. Đồng thời, xây dựng đội ngũ nhân lực ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam giỏi chuyên môn nghiệp vụ, tâm huyết và chất lượng.
Chia sẻ quan điểm về việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, TS.Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho rằng, việc cho phép rút 50% bảo hiểm xã hội một lần giúp người dân vượt qua được khó khăn trước mắt, đảm bảo an sinh khi về hưu nhưng cần thời gian để người dân đồng thuận.
Theo TS.Bùi Sỹ Lợi, bảo hiểm xã hội là trụ cột cơ bản của hệ thống an sinh xã hội nhằm bảo đảm cuộc sống cho người dân khi về già, dựa trên quyền con người theo quy định của Hiến pháp, nên rất cần thời gian để người dân đồng thuận và tự nguyện thực hiện vì lợi ích của chính mình.
Nếu người lao động quá khó khăn thì xin nhận một phần tối đa bằng 50% quỹ bảo hiểm xã hội được tích lũy trong thời gian đã tham gia, phần còn lại để dành khi về già. Trong thời gian còn lại chờ đến tuổi nghỉ hưu, người lao động có thể tiếp tục tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội để có mức lương hưu hoặc trợ cấp hưu trí xã hội cao hơn, bảo đảm cuộc sống.
TS.Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội
Do đó, TS.Bùi Sỹ Lợi cho rằng cần phải tuyên truyền, giải thích để người lao động nhận thức đúng chính sách. Vấn đề cần lưu ý cho người lao động hiểu rõ về thiệt hại, đó là đóng thì nhiều, lấy ra thì ít, một năm đóng 2,64 tháng, nếu nhận bảo hiểm xã hội một lần chỉ được tối đa 2 tháng, mất 0,64 tháng. Phải để mọi người có thời gian tính toán đâu là lợi ích tốt nhất để tự nguyện thực hiện.
Đối với việc rút bảo hiểm xã hội một lần, TS.Bùi Sỹ Lợi nêu rõ, với lựa chọn này người lao động có thể nhận được một số tiền lớn để sử dụng cho nhu cầu chi tiêu cấp thiết, giải quyết được khó khăn trước mắt mà không cần phải vay mượn và lo lắng. Tuy nhiên, về tổng thể, rút bảo hiểm xã hội một lần, lợi thì ít mà thiệt hại thì lâu dài.
Trước hết, người lao động không được đảm bảo nguồn thu nhập hằng tháng khi về già, phải phụ thuộc vào con cháu, mất đi tự do, sự tự tin và sự an nhàn của cuộc sống nghỉ hưu. Số tiền khi rút bảo hiểm xã hội một lần thực tế sẽ thấp hơn nhiều so với số tiền đã đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội. Không được cấp bảo hiểm y tế miễn phí, không được hưởng chế độ miễn 100% tiền khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đúng tuyến.
TS.Bùi Sỹ Lợi cho rằng tiền của người lao động đóng góp được tích lũy và quản lý tập trung ở cấp quốc gia. Nguồn quỹ bảo hiểm xã hội kết dư được đem đi đầu tư, tăng trưởng và tiền đó của người lao động vẫn tiếp tục tăng lên, trừ đi phần chi phí quản lý thôi. Khoản tiền đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội là "của để dành" quý giá của người lao động. Nếu không nhận một lần thì người tham gia có thể bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện với sự hỗ trợ của Nhà nước./.