TP. HỒ CHÍ MINH ĐỀ NGHỊ THÍ ĐIỂM CÁC CƠ CHẾ ĐỘT PHÁ, VƯỢT TRỘI

30/03/2023

Sáng 30/3, Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm thảo luận và góp ý dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.

ĐOÀN ĐBQH TP.HỒ CHÍ MINH LẤY Ý KIẾN GÓP Ý DỰ ÁN LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC (SỬA ĐỔI)

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại toạ đàm

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh Văn Thị Bạch Tuyết; Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh Trương Minh Huy chủ trì tọa đàm.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã thông tin các nội dung liên quan đến quá trình chuẩn bị dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 (Nghị quyết 54). Theo đó, Nghị quyết 54 được Quốc hội tổng kết vào cuối năm 2022 và cho phép kéo dài thực hiện đến ngày 31/12/2023.

Trong thời gian đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với TP. Hồ Chí Minh và các bộ, ngành xây dựng nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54. TP. Hồ Chí Minh đã khẩn trương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ ngành tham mưu Chính phủ trình nghị quyết thay Nghị quyết 54.

Các đại biểu tham dự Toạ đàm

Theo Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, Nghị quyết 54 tập trung nhiều vào khai thác nguồn thu cho TP. Hồ Chí Minh. Còn trong dự thảo nghị quyết mới, TP. Hồ Chí Minh không đặt nặng vấn đề nguồn thu mà đề nghị thí điểm những cơ chế đột phá vượt trội để huy động nguồn lực phát triển thành phố. Đó là những việc mà luật chưa quy định hoặc luật có quy định nhưng còn chồng chéo, chưa giải quyết được các vấn đề phát triển thành phố để khai phóng, huy động các nguồn lực để phát triển TP. Hồ Chí Minh.

Từ thực tiễn phát triển, TP. Hồ Chí Minh đề xuất những cơ chế chính sách đáp ứng được tiêu chí đột phá vượt trội nhưng cũng có những chính sách được các cơ quan Trung ương, các bộ, ngành, chuyên gia đề xuất để phát triển TP. Hồ Chí Minh.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh khẳng định, trong quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết mới, TP. Hồ Chí Minh xác định xây dựng nghị quyết với những cơ chế chính sách đột phá vượt trội không chỉ cho TP. Hồ Chí Minh mà còn cho cả nước, vì TP. Hồ Chí Minh phát triển sẽ đóng góp cho sự phát triển chung của cả nước.

Các đại biểu tham dự Toạ đàm

Dự thảo Nghị quyết mới với gần 40 nội dung, trong đó tập trung vào 4 nhóm chính sách, gồm: nhóm nội dung, cơ chế Nghị quyết 54 hiện hữu mà TP. Hồ Chí Minh muốn tiếp tục thực hiện; nhóm đã có trong Nghị quyết đặc thù với các địa phương khác; nhóm những nội dung dự kiến đưa vào sửa đổi các luật thì TP. Hồ Chí Minh thí điểm thực hiện trước; nhóm mới do TP. Hồ Chí Minh chủ động đề xuất từ gợi ý của Trung ương.

Theo ĐBQH Trần Hoàng Ngân, mục tiêu đặt ra cho TP. Hồ Chí Minh tại Nghị quyết 31 rất lớn, đặc biệt là nhiệm vụ ban hành chính sách, pháp luật vượt trội, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính năng động, sáng tạo vì lợi ích chung của cán bộ thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố trong giai đoạn mới… Để cụ thể hoá giải pháp này, với đô thị đặc biệt, mật độ dân cư đông, là vị trí đầu tàu, cần có những cơ chế vượt trội để TP. Hồ Chí Minh thực hiện.

Toàn cảnh buổi toạ đàm 

Khẳng định sự cần thiết của nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, PGS.TS Phạm Duy Nghĩa - trường chính sách công và quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, TP. Hồ Chí Minh cần phải tập trung nghiên cứu, chuẩn bị kỹ để triển khai thực hiện sau khi được Quốc hội thông qua.

Dẫn chứng nhiều mô hình phát triển của các quốc gia trên thế giới, ông Nghĩa cho rằng, muốn TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính nên thử nghiệm mô hình “cơ chế thử nghiệm”. Bởi ,các nước phát triển như Anh, Mỹ… đã áp dụng mô hình này và đã gặt hái được nhiều thành công.

Theo nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành, dự thảo nghị quyết cần nhấn mạnh rõ vai trò của TP. Hồ Chí Minh trong sự phát triển của cả nước cũng như trong tương lai. Đồng thời, phải nhìn nhận thực tế hiện nay tốc độ tăng năng suất lao động của TP. Hồ Chí Minh đang có xu hướng giảm. Trong đó có nguyên nhân là do nhiều cơ chế, chính sách hiện nay không đủ sức giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra cho TP. Hồ Chí Minh. Do đó, nghị quyết mới cần giải quyết được những vấn đề này.

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)