HỘI ĐỒNG DÂN TỘC KHẢO SÁT CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ TẠI HUYỆN HỒNG DÂN, BẠC LIÊU
Bà Trần Thị Hoa Ry - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: N.Q
Bà Trần Thị Hoa Ry - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Trưởng đoàn công tác cho biết chuyến công tác nhằm tham vấn người dân, chính quyền địa phương liên quan đến dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV tới đây sẽ cho ý kiến, xem xét, thông qua nhiều dự án luật, trong đó có dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Với chức năng tham mưu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về xây dựng chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, Hội đồng Dân tộc gợi ý lãnh đạo các địa phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị các Hợp tác xã tập trung góp ý vào Chương II chính sách đối với Hợp tác xã của dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Những tiếng nói từ các nhà quản lý, các Hợp tác xã sẽ được xem xét đưa vào dự thảo Luật hoặc Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Báo cáo với đoàn công tác, ông Lê Tấn Cận - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết năm 2022 là dấu mốc quan trọng của khu vực kinh tế tập thể, Hợp tác xã. Hoạt động sản xuất - kinh doanh của khu vực kinh tế tập thể, Hợp tác xã khôi phục trong tất cả các ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, khu vực này còn gặp nhiều khó khăn do giá nguyên vật liệu và các yếu tố đầu vào biến động mạnh, thị trường tiêu thụ không ổn định, dịch bệnh và các tác động tiêu cực khác từ môi trường tự nhiên.
Bạc Liêu hiện có 215 Hợp tác xã, trong đó, 7 Hợp tác xã có người dân tộc thiểu số tham gia bộ máy lãnh đạo, quản lý, như Hợp tác xã An Hưng Phát (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi), Hợp tác xã rau củ quả Phước Sang (xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu), Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Hồng (xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long), 2 liên hiệp Hợp tác xã và 515 tổ hợp tác.