ĐỀ XUẤT CÓ 1 BỘ LUẬT RIÊNG VỀ NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO

18/03/2023

Năm 2023, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”. Đưa ra đề xuất cho các quy hoạch năng lượng, điện và chuyển dịch năng lượng một cách công bằng và bền vững, nhiều chuyên gia cho rằng, cần có 1 bộ luật riêng về năng lượng tái tạo...

PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TRONG XU THẾ GIẢM PHÁT THẢI KHÍ NHÀ KÍNH ĐÒI HỎI NHIỀU GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ

Theo Nghị quyết số 582/NQ-UBTVQH15, Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm Trưởng đoàn; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy làm Phó Trưởng đoàn Thường trực; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường làm Phó Trưởng đoàn giám sát.

Phạm vi giám sát là việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng theo quy định của pháp luật liên quan trên phạm vi cả nước (trọng tâm là các Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Dầu khí, Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Quy hoạch) từ ngày 01/01/2016 đến hết ngày 31/12/2021. Đối tượng giám sát là Chính phủ; các Bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan; UBND cấp tỉnh của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.


Phát triển năng lượng một cách bền vững là nhiệm vụ quan trọng (ảnh minh họa: Internet).

Đánh giá năng lượng vừa là ngành sản xuất vừa là ngành kết cấu hạ tầng cho toàn bộ nền kinh tế-xã hội và là động lực cho quá trình phát triển của đất nước, Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Điện lực năm 2004, Luật Năng lượng Nguyên tử năm 2008, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010, Luật Khoáng sản năm 2008, Luật Dầu khí số năm 2022…

Tuy nhiên, những thành tựu và tiến bộ đạt được chưa đủ để ngành Năng lượng vượt qua tình trạng phát triển thấp và Việt Nam cần tiếp tục đưa ra các chính sách và sửa đổi một số luật sao cho phù hợp với thực tế nhằm thu hút các nguồn lực để phát triển năng lượng theo hướng đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo.

Đánh giá các kết quả phát triển năng lượng Việt Nam giai đoạn 2016 – 2021 và đề cập đầu tư phát triển năng lượng tái tạo xem như khâu đột phá, PGS.TS Bùi Xuân Thông-Viện Hải văn và Môi trường, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhận định: Trong giai đoạn 2016 - 2020, Việt Nam đạt được bước phát triển đột phá về năng lượng tái tạo. Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời của Chính phủ đã tạo động lực mạnh mẽ, thu hút các nhà đầu tư tham gia sản xuất điện mặt trời. Tới cuối năm 2020, tổng công suất các nguồn điện từ năng lượng tái tạo của Việt Nam đã đạt khoảng 6.000 MW, trong đó có khoảng 6.364 MWp điện mặt trời (tương ứng khoảng 5.290 MW), khoảng 500 MW điện gió và 325 MW công suất điện sinh khối; tổng công suất của điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối đã chiếm xấp xỉ 10% tổng công suất đạt của hệ thống điện

Theo PGS.TS Bùi Xuân Thông, những kết quả tích cực đạt được của ngành năng lượng trong giai đoạn 2016 – 2020 là tiền đề, động lực hết sức quan trọng để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 140/NQ-CP của Chính Phủ về việc  Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đặc biệt, theo mục tiêu của các nghị quyết của Đảng và Nhà nước về phát triển năng lượng tái tạo trong giai đoạn này được xem như là bước đột phá.  


Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội thảo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng Việt Nam giai đoạn 2016-2021.

Tuy nhiên, ngành năng lượng nước ta vẫn còn có một số những hạn chế như: Nhận thức vai trò, vị trí, tầm quan trọng của ngành năng lượng và mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia chưa đầy đủ, quan tâm chưa đúng mức. Một số vấn đề về phát triển năng lượng chậm được tổng kết cả về chính sách, lý luận và thực tiễn.  Chậm giải quyết những vướng mắc về phương hướng phát triển của ngành năng lượng và thiếu cụ thể hoá cơ chế thị trường trong ngành năng lượng. Tính pháp lý của ngành năng lượng nói chung và của từng bộ phận năng lượng còn nhiều hạn chế, thiếu thống nhất, chưa có tính hợp tác quốc tế.

Các chính sách đầu tư quản lý Nhà nước về tài nguyên năng lượng còn thiếu và chưa đồng bộ, các đầu tư khoa học công nghệ đối với ngành năng lượng chậm đổi mới, chưa ban hành được chiến lược quy hoạch năng lượng. Bộ máy quản lý Nhà nước về năng lượng thiếu ổn định và công tác dự báo phát triển ngành năng lượng còn yếu. Hiện tại, còn rất nhiều các dự án nhà máy năng lượng tái tạo vẫn chưa được hoàn thiện. 

Với những bất cập trên, PGS.TS Bùi Xuân Thông kiến nghị đối với các ngành năng lượng tái tạo cần phải có bộ luật riêng. Bên cạnh đó, cần tập chung cho các dạng năng lượng tái tạo (Điện sinh khối, điện mặt trời, điện gió, điện rác…). Ngoài ra, cần tạo điều kiện cho các tư nhân tham gia vào phát triển năng lượng tái tạo.


Bà Cao Thị Thu Yến- chuyên gia năng lượng và môi trường, Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 1.

Đồng thuận với việc cần có 1 bộ luật riêng về năng lượng tái tạo và đưa ra đề xuất cho các quy hoạch năng lượng/điện và chuyển dịch năng lượng một cách công bằng và bền vững, bà Cao Thị Thu Yến- chuyên gia năng lượng và môi trường, Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 1 nêu quan điểm: Trên thực tế, một quá trình chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ với kết quả to lớn diễn ra tại Việt nam trong 5 năm vừa qua.

Tuy nhiên, bên cạnh các thành tựu đã đạt được, sự bùng nổ về nguồn năng lượng tái tạo khi chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý, thiếu nghiên cứu tổng hợp, đầy đủ về chuyển dịch năng lượng và các nghiên cứu thành phần chuyên sâu cho từng loại hình năng lượng, đã tạo ra nhiều vấn đề bất cập trước mắt và lâu dài đối với hệ thống cung ứng năng lượng và toàn xã hội. Việc này cần sớm có giải pháp xử lý từng bước và đồng bộ. 

Mặt khác, hiện nay đang thiếu luật riêng về năng lượng tái tạo nên chưa có các định nghĩa rõ ràng cho các loại năng lượng tái tạo như Hydrogen và dẫn xuất. Vì vậy, cần phải có 1 bộ luật riêng về năng lượng tái tạo.

Ngoài ra, cơ chế thực hiện đấu thầu năng lượng tái tạo chưa hoàn thiện. Loại nguồn năng lượng tái tạo có tiềm năng lớn và có tính ổn định cao như điện gió ngoài khơi hiện đang vướng mắc từ khâu khảo sát đến thực hiện đầu tư dự án; Chưa có cơ chế tài chính cho hệ thống tích trữ năng lượng như pin, thủy điện tích năng... Việc chậm phát triển hệ thống lưu trữ sẽ dẫn đến hạn chế khả năng huy động nguồn năng lượng tái tạo.

Theo bà Cao Thị Thu Yến, để có thể thực hiện hiệu quả các quy hoạch năng lượng, điện và chuyển dịch năng lượng một cách công bằng và bền vững, các nhiệm vụ cụ thể liên quan đến nghiên cứu Kế hoạch chuyển dịch năng lượng cấp quốc gia cần được các Bộ ngành chủ quản giao triển khai một cách đồng bộ và đủ sớm tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị liên quan. Đề xuất cách tiếp cận/phối hợp khi nghiên cứu Kế hoạch chuyển dịch năng lượng ngành điện quốc gia do EVN chủ trì như sau: 

Trên cơ sở các định hướng đã được duyệt về cung cấp năng lượng, tham chiếu kết quả nghiên cứu các quy hoạch dự thảo liên quan như Quy hoạch điện 8, Quy hoạch không gian biển... cũng như dự báo chuyển dịch lớn về nhu cầu năng lượng các ngành như giao thông, phát triển đô thị, công nghiệp… Ngoài ra, EVN chủ trì càng sớm càng tốt để triển khai lập Dự thảo Kế hoạch chuyển dịch năng lượng ngành điện (mốc giả thiết là tháng 9/2023) và chỉnh sửa, hoàn thiện sau khi tham vấn, thống nhất với các bên liên quan ngoài EVN và trong EVN (mốc giả thiết là tháng 12/2023)./.

Bích Lan

Các bài viết khác