TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 17/3: UBTVQH CHO Ý KIẾN ĐỀ NGHỊ BỔ SUNG CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2023, XEM XÉT DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT CÔNG AN NHÂN DÂN

16/03/2023

1602 lượt xem

Sáng 17/3, tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 21, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, UBTVQH cho ý kiến về đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 đối với 02 dự án: Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân.

TỔNG THUẬT SÁNG 16/3: UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT QUẢN LÝ, BẢO VỆ CÔNG TRÌNH QUỐC PHÒNG VÀ KHU QUÂN SỰ

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 16/3: UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ VIỆC GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ ÁN LUẬT HỢP TÁC XÃ (SỬA ĐỔI)

8h00: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu điều hành Phiên họp:

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, phần đầu phiên họp sáng 17/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 đối với 02 dự án: Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Tham dự phiên họp có Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, đại diện Văn phòng Chính phủ, Kiểm toán nhà nước cùng một số cơ quan hữu quan.

Tiếp đến, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình về nội dung đề nghị bổ sung 02 dự án luật là Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

8h01: Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 đối với dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi):

Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình bày tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào Chương trình năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

Về dự án Luật Căn cước công dân sửa đổi, theo Bộ trưởng Lê Thành Long, Luật Căn cước công dân được Quốc hội khóa XIII thông qua, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2016, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao dịch của nhân dân, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ và góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm trật tự, an toàn xã hội. 

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ liên quan đến ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phát huy giá trị, tiện ích thẻ Căn cước công dân, phục vụ phát triển ứng dựng dữ liệu về dân cư, định danh điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Căn cước công dân (sửa đổi) với 04 nhóm chính sách:

 (1) Quy định việc tích hợp thông tin khác ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân vào thẻ Căn cước công dân; thẻ Căn cước công dân có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về công dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ Căn cước công dân;

(2) Bổ sung thông tin lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân;

(3) Bổ sung đối tượng được cấp thẻ Căn cước công dân và đối tượng được cấp giấy chứng nhận căn cước;

(4) Hoàn thiện quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; tài khoản định danh điện tử (căn cước điện tử) và việc sử dụng tài khoản định danh điện tử; cấp, hủy/thu hồi số định danh cá nhân; quy định về việc sử dụng thống nhất thẻ Căn cước công dân và việc hạn chế phát sinh thủ tục hành chính có liên quan. 

Về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, Luật Các tổ chức tín dụng được Quốc hội khóa XII thông qua và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2011 (được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017) đã có những đóng góp quan trọng trong công tác quản lý cũng như tạo môi trường pháp lý ổn định cho hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, đổi mới hoạt động ngân hàng theo nội dung nhiệm vụ trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế; khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) với 06 chính sách:

(1) Hoàn thiện quy định về nâng cao yêu cầu quản trị, điều hành, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng;

(2) Hoàn thiện quy định về hoạt động và bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng nhân dân;

(3) Hoàn thiện quy định về dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử và số hóa dịch vụ ngân hàng, hỗ trợ, thúc đẩy, quản lý ngân hàng số tạo nền tảng cho việc ứng dụng các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0;

(4) Hoàn thiện các quy định nhằm tạo cơ sở thúc đẩy quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý tổ chức tín dụng yếu kém;

(5) Quy định về xử lý nợ xấu;

(6) Quy định về xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.

8h08: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra

Thẩm tra đề nghị bổ sung 02 dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Uỷ ban Pháp luật, Uỷ ban Quốc phòng và An ninh và các cơ quan tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Căn cước công dân nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Đồng thời, khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện Luật, bảo đảm cơ sở pháp lý và sự đồng bộ, thống nhất trong việc tích hợp, quản lý, sử dụng thông tin trong thẻ Căn cước công dân theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. 

Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật đủ điều kiện trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung vào Chương trình. Tuy nhiên, đề nghị trong quá trình xây dựng dự án Luật cần tiếp tục bổ sung đánh giá tác động kỹ hơn đối với các chính sách, nhất là đánh giá về nguồn lực thực hiện, lộ trình thực hiện để bảo đảm tính khả thi; làm rõ phương thức thực hiện việc tích hợp thông tin vào thẻ Căn cước công dân, bổ sung thông tin vào Cơ sở dữ liệu căn cước công dân để không gây phiền hà cho người dân; rà soát các luật có liên quan bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất.

Về tên gọi, phạm vi điều chỉnh và phạm vi sửa đổi của Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật đề nghị làm rõ sự phù hợp của tên gọi “Luật Căn cước công dân” với phạm vi điều chỉnh của Luật; tiếp tục làm rõ phạm vi sửa đổi là sửa đổi toàn diện, thay thế Luật hiện hành hay là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Căn cước công dân. Đối với thời điểm trình dự án Luật, đa số ý kiến trong Thường trực Uỷ ban Pháp luật cho rằng, Tờ trình của Chính phủ chưa làm rõ được tính cấp thiết cần trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật ngay tại kỳ họp thứ 5 sắp tới, nhất là trong bối cảnh số lượng dự án luật, nghị quyết dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 khá lớn. Do đó, đề nghị Chính phủ rà soát lại tổng thể các dự án luật dự kiến trình Quốc hội tại các kỳ họp thứ 5 và thứ 6, nhất là đối với các dự án luật thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh để đề xuất điều chỉnh tiến độ trình một số dự án sang các kỳ họp tiếp theo.

Đối với dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Thường trực Uỷ ban Pháp luật, Uỷ ban Kinh tế và các cơ quan nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Các tổ chức tín dụng nhằm bảo đảm an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, đổi mới hoạt động ngân hàng theo nội dung nhiệm vụ trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng, quan điểm, mục tiêu đã được Đảng, Quốc hội và Chính phủ đề ra. Đồng thời, khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, đặc biệt là trong thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng theo Nghị quyết số 42/2017/QH14, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, đối với Báo cáo đánh giá tác động, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho rằng cần đưa ra các phương án, bổ sung đánh giá kỹ những tác động tiêu cực của từng phương án, chính sách để bảo đảm tính toàn diện. Bên cạnh đó, đây là dự án Luật có nhiều nội dung liên quan đến phạm vi lĩnh vực phụ trách của Bộ Tài chính nhưng trong Hồ sơ còn thiếu văn bản tham gia ý kiến của Bộ Tài chính; đồng thời, ý kiến tham gia của Bộ Ngoại giao chưa thể hiện rõ nội dung đánh giá về sự tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên như quy định. 

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật nhận thấy, 06 chính sách được đề xuất trong đề nghị xây dựng Luật là phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, cơ bản bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tương thích trong hệ thống pháp luật và có tính khả thi. Tuy nhiên, đây là dự án Luật khó, phức tạp, liên quan đến nhiều luật và nhiều cam kết quốc tế, do đó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đối chiếu với các quy định của pháp luật có liên quan nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính tương thích với các cam kết quốc tế.

Trên cơ sở ý kiến các cơ quan của Quốc hội, Thường trực Uỷ ban Pháp luật đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào Chương trình năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, thông qua tại kỳ họp thứ 6. Đối với dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Thường trực Uỷ ban Pháp luật cho rằng cần tiếp tục cân nhắc trong tổng thể các dự án luật thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh dự kiến trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 5, kỳ họp thứ 6 và sẽ được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định khi xem xét dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023.

8h24: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung UBTVQH cho ý kiến về đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 đối với 02 dự án: Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Phát biểu điều hành, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, theo tờ trình 47 ngày 28/2/2023, Chính phủ đã đề nghị bổ sung vào Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV 6 dự án Luật, trong đó có Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi). 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc bổ sung hai dự án luật này. Còn 4 dự án khác, gồm: Luật Công an Nhân dân sẽ được Ủy ban Thường vụ cho ý kiến về việc bổ sung vào chương trình chiều ngày 17/3; đối với 3 dự án luật khác đang chờ ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, hoàn chỉnh và đề nghị bổ sung vào Kỳ họp thứ 5.

Đến thời điểm này, Chính phủ trình đúng quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với 2 dự án luật: Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Các cơ quan của Quốc hội đã tiến hành thẩm tra, hoàn thiện hồ sơ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về cơ bản các ủy ban của Quốc hội thống nhất về 4 chính sách trong dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), và 6 chính sách trong dự án Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi); góp ý hoàn thiện dự án luật; đồng thời thống nhất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung 2 dự án luật vào chương trình Kỳ họp thứ 5. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan phối hợp hoàn thiện dự án, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp tháng 4/2023.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ cho ý kiến về sự cần thiết sửa đổi, sửa đổi toàn diện hay sửa đổi một số điều, hồ sơ, trình tự, thủ tục… để đảm bảo dự án luật có chất lượng.

8h29: Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới:

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh Lê Tấn Tới cơ bản thống nhất với tờ trình và báo cáo thẩm tra về việc bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 đối với 02 dự án: Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). 

Về Luật Căn cước công dân, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh tán thành với việc cần thiết sửa đổi Luật này nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật Căn cước công dân năm 2014 và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ liên quan đến ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phát huy giá trị, tiện ích thẻ Căn cước công dân, phục vụ phát triển ứng dựng dữ liệu về dân cư, định danh điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh cũng đồng tình với các nhóm chính sách trong sửa đổi luật bao gồm: Quy định việc tích hợp thông tin khác ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân vào thẻ Căn cước công dân; thẻ Căn cước công dân có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về công dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ Căn cước công dân; Bổ sung thông tin lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân…

Bên cạnh đó, việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng cũng cần thiết để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, phát triển kinh tế, đổi mới hoạt động ngân hàng theo nội dung nhiệm vụ trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng, quan điểm, mục tiêu của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

 Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh cho rằng, với 6 dự án luật Chính phủ trình bổ sung vào dự án xây dựng luật, pháp lệnh, cần giãn tiến độ một số dự án Luật chưa thực sự cấp bách để đảm bảo tập trung, đảm bảo chất lượng xây dựng pháp luật.

08h37: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành thảo luận

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Uỷ ban Quốc phòng và An ninh có thể giãn tiến độ các dự án Luật chưa cấp bách sang các kỳ họp sau. Đó là Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật Giao thông đường bộ. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, hai luật này tuy rất quan trọng nhưng có thể giãn sang Kỳ họp sau để có thời gian xử lý kỹ lưỡng và thận trọng hơn.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, tại Kỳ họp thứ 5 tới, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh đủ khả năng để làm tốt 5 dự án Luật thảo luận và thông qua trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, trong đó có Luật Căn cước công dân (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị UBTVQH cho ý kiến về Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Tiếp đó, Phó Chủ tịch Quốc hội mời Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu thảo luận.

8h38: Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đã có báo cáo tham gia thẩm tra cùng với Ủy ban Pháp luật đối với sự cần thiết bổ sung dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. 

Nhấn mạnh sự cần thiết phải bổ sung dự án Luật này để tránh khoảng trống trong xử lý nợ xấu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng 6 chính sách được đề cập trong dự án Luật này cũng đã đáp ứng các yêu cầu đề ra... 

Trên tinh thần đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ việc bổ sung dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Nhấn mạnh dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có liên quan trực tiếp tới khoảng hai 20 dự án luật khác. Bởi vậy, nếu được Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 sắp tới, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị Ban soạn thảo cần quan tâm rà soát, bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống, chính sách pháp luật. 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, trong quá trình sau này, nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý, ủng hộ việc bổ sung dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp với Ngân hàng nhà nước một cách tích cực để tham gia ý kiến vào các nội dung có liên quan…

8h43: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, các dự án Luật này dự kiến được trình tại Kỳ họp thứ 5, thông qua tại Kỳ họp thứ 6, các vấn đề về chính sách cần tiếp tục hoàn chỉnh trong quá trình nghiên cứu. Đây là các luật liên quan đến nhiều vấn đề chuyên môn, các Ủy ban của Quốc hội cần có sự phối hợp chặt chẽ để đảm bảo bao quát được các vấn đề, đảm bảo dự án Luật hoàn thiện đạt chất lượng cao.

8h45: Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an​

Phát biểu tại phiên họp về sự cần thiết sửa đổi, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết sau khi ban hành Luật Căn cước công dân đã có nhiều văn bản của Đảng được ban hành, chỉ đạo rất cụ thể về quản lý xã hội và phục vụ Nhân dân. Điển hình như Nghị quyết 21-NQ/TW năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra mục tiêu năm 2030 toàn bộ dân số Việt Nam sẽ được đăng ký, quản lý trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư thống nhất quy mô toàn quốc. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đã xác định xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia hình thành trong hệ thống trung tâm dữ liệu quốc gia, các trung tâm dữ liệu vùng của địa phương kết nối đồng bộ, thống nhất. 

Ngoài ra, Văn kiện Đại hội Đảng về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cũng xác định nhiệm vụ phải đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, trong đó tập trung phát triển hạ tầng số phục vụ cho các cơ quan nhà nước tập trung, thông suốt; thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp kết nối liên thông các hệ thống cơ sở dữ lớn; hoàn thành xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, bảo đảm 100% dân số được đăng ký và quản lý… 

Bộ Trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, triển khai Chính phủ điện tử, sửa Luật Căn cước công dân giúp phục vụ ngành giáo dục có thông tin về số lượng trẻ trong độ tuổi đi học, phục vụ tốt cho các kỳ thi của học sinh… việc tích hợp thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ giúp giảm thủ tục hành chính trong việc nhập học của học sinh. Ngoài ra, để đạt được mục tiêu 100% công dân giao dịch trên môi trường điện tử như Văn kiện Đại hội Đảng đề ra, thì việc sửa đổi luật là rất cần thiết.

8h56: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Nhất trí biểu quyết để bổ sung thêm 2 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2023

Qua xem xét tờ trình và ý kiến thẩm tra, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng ý với đề xuất biểu quyết thông qua Nghị quyết để đưa 2 dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật pháp lệnh vào 2023 theo thẩm quyền của UBTVQH theo quy định của Luật Ban hành văn bản để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 và thông qua tại Kỳ họp thứ 6. Chủ tịch Quốc hội cũng nhất trí với đề xuất giãn tiến độ một số dự án luật như Ủy ban Quốc phòng – An ninh đã nêu. 

Nhấn mạnh, khối lượng công tác xây dựng pháp luật trong năm 2023 là rất lớn, như tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội cho ý kiến 11 dự án luật, thông qua 7 luật và 1 nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cố gắng nỗ lực nghiên cứu kĩ lưỡng, giải trình thuyết phục để các cơ quan gặp nhau đưa ra thảo luận thuận lợi.

Trao đổi thêm về việc sửa đổi Luật Các Tổ chức tín dụng, Chủ tịch Quốc hội khẳng định việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng có ý nghĩa rất quan trọng giữa thực trạng trong nước và nước ngoài để củng cố nền tảng cho các tổ chức tín dụng của Việt Nam, đảm bảo an toàn một hệ thống, gia tăng sức chống chịu của nền kinh tế nói chung và những  tổ chức tín dụng nói riêng trước các cú sốc từ bên trong, bên ngoài.

Nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ rất quan trọng, Chủ tịch Quốc hội cho biết yêu cầu đặt ra đối với lần sửa đổi lần này phải quy định minh bạch và xử lý cơ bản được triệt để tình trạng  sở hữu chéo, sở hữu chéo núp bóng, xử lý được nợ xấu và lãi dự thu được trích lập trên cơ sở các khoản nợ xấu…Chủ tịch Quốc hội lưu ý thực tế lãi dự thu của các khoản nợ xấu còn xấu hơn cả nợ xấu nên cần xử lý được vấn đề này. 

Bên cạnh đó là việc trích lập dự phòng, xem xét trích lập dự phòng khoản nào được coi là chi phí hợp lệ để tính thuế thu nhập, khoản nào  phải trừ vào thu nhập sau thuế của doanh nghiệp, của ngân hàng; cùng với đó là xử lý tài sản bảo đảm mà trong điều kiện bình thường, điều kiện đặc biệt; hoạt động của các tổ chức tín dụng, các dịch vụ ra giá trị gia tăng phi tín dụng hiện hầu như không đầu tư nhất là trong điều kiện kinh tế 4.0.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng trong lần sửa đổi luật lần này cần quy định rõ nét những nội dung như fintech, ngân hàng số, cũng như vấn đề xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, thua lỗ, việc cho vay tái cấp vốn và cho vay đặc biệt rút kinh nghiệm từ vụ phá sản SVB của Mỹ, từ đó sửa đổi Luật Tổ chức tín dụng này phải song hành với sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi.

Chủ tịch Quốc hội cũng đặt vấn đề quản lý nhà nước đối với các tổ chức tín dụng này, nhất là trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc quản lý tài chính đối với các tổ chức tín dụng cùng với đó là giám sát tài chính. Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng kinh nghiệm của Trung Quốc mới đây khi kiện toàn Chính phủ đã thành lập cơ quan giám sát tài chính riêng trực thuộc Trung ương để giám sát toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Đây là một kinh nghiệm để nghiên cứu về lâu dài. 

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Luật này cần phải được nghiên cứu, đánh giá rất kỹ lưỡng để làm sao mà góp phần tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng trong giai đoạn hiện nay, tăng cường độ an toàn của từng tổ chức cũng như toàn hệ thống rồi gia tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế nói chung của hệ thống tài chính ngân hàng nói riêng.

9h10: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung thảo luận:

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra, tán thành việc bổ sung 2 dự án Luật là dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 5, thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ và các cơ quan khẩn trương chuẩn bị, hoàn thiện hồ sơ trình để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận trong phiên họp tháng 4.2023. Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Quốc phòng, An ninh chủ trì thẩm tra dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), giao Ủy ban Kinh tế chủ trì thẩm tra Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Tại phiên họp, 100% các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành thông qua Nghị quyết về việc bổ sung nội dung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

9h45: Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành nội dung UBTVQH xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, thực hiện chương trình làm việc phiên họp thứ 21, tiếp đến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, đồng thời xem xét, quyết định việc bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Dự phiên họp có Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Nghĩa; Thượng tướng Đỗ Văn Nghĩa, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Đặng Văn Cường; Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cùng một số cơ quan hữu quan.

Tiếp đến, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm sẽ trình bày Tờ trình.

9h47: Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân

Trình bày tóm tắt Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân (CAND), Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Luật với những lí do sau:

(1) Luật CAND năm 2018 chưa quy định cụ thể về kéo dài hạn tuổi đối với các trường hợp này nên chưa bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các quy định của Đảng, Nhà nước và yêu cầu thực tiễn. Vì vậy, việc bổ sung quy định kéo dài hạn tuổi phục vụ trong các trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định là cần thiết và phù hợp. 

(2) Về thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan Công an nhân dân có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác đã được quy định trong Luật CAND năm 2018 nhưng chưa cụ thể nên việc áp dụng còn khó khăn, bất cập. 

(3) Quy định về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an nhân dân còn một số vướng mắc. 

(4) Ngày 16-3-2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; trong đó có chỉ đạo “Xây dựng, hoàn thiện pháp luật về an ninh, trật tự, xây dựng lực lượng, hậu cần, kỹ thuật Công an nhân dân và pháp luật có liên quan, nhất là Luật Công an nhân dân (sửa đổi)”.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, mục đích xây dựng Dự án Luật là nhằm thể chế hóa quan điểm chỉ đạo: “Xây dựng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu đến năm 2030 xây dựng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Quan điểm chỉ đạo xây dựng Dự án Luật là bảo đảm lực lượng CAND đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện về mọi mặt của Đảng, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lý của Chính phủ, sự chỉ huy, quản lý trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công an, dựa vào Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân. 

Dự thảo Luật gồm 02 điều: Điều 1 - Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND và Điều 2 - Hiệu lực thi hành.

Về nội dung cơ bản của dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu rõ, sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 22 theo hướng: Quy định sĩ quan CAND được xét thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng phải còn ít nhất đủ 03 năm công tác. Trường hợp không đủ 03 năm công tác do Chủ tịch nước quyết định.

Bổ sung khoản 1 Điều 23 theo hướng: Chính phủ quy định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan CAND có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác. Việc bổ sung nội dung này nhằm xác định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác để làm căn cứ đề nghị Chủ tịch nước xem xét, quyết định thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng cho biết, bổ sung quy định cụ thể về 06 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng trong CAND, gồm: 01 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tướng và 05 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng; quy định Trưởng Công an thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, Trung đoàn trưởng có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá. Đồng thời bổ sung quy định và tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân công an (nam tăng 02 tuổi, nữ tăng 05 tuổi); tăng 02 tuổi của sĩ quan, hạ sĩ quan. Ngoài ra, sửa đổi, bổ sung khoản 3, khoản 4 Điều 30; Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 42 theo hướng: Chính phủ quy định chế độ, chính sách của công nhân công an.

9h54: Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra

Trình bày Báo cáo thẩm tra tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Thường trực UBQPAN nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Công an nhân dân (CAND) với những lý do như đã nêu trong các Tờ trình của Chính phủ nhằm thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị, thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, về xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới… Thường trực UBQPAN cho rằng, đến nay đã đủ điều kiện chín muồi để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND. 

Thường trực UBQPAN cho rằng, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND có quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng. Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật và hồ sơ dự án Luật bảo đảm các yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét để quyết định bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và đủ điều kiện trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật này. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị rà soát các nội dung ủy quyền quy định chi tiết để bổ sung vào dự thảo văn bản gửi kèm theo cho đầy đủ… 

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực UBQPAN cho rằng, các chính sách nêu tại Tờ trình số 47/TTr-CP và các quy định trong dự thảo Luật là phù hợp với chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013, cơ bản bảo đảm tính khả thi, bảo đảm tính tương quan về độ tuổi lao động theo quy định trong Bộ luật Lao động. 

Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, Thường trực UBQPAN thấy rằng, các nội dung điều chỉnh của dự thảo Luật cơ bản bảo đảm phù hợp với mục tiêu, quan điểm xây dựng Luật, thể chế đường lối, chính sách của Đảng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát kỹ lưỡng quy định của Luật CAND để sửa đổi ngay trong Luật này, tránh việc phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần. 

Liên quan đến các chính sách và nội dung cụ thể của dự thảo Luật, đa số ý kiến trong Thường trực UBQPAN nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung cấp bậc hàm cao nhất đối với một số chức vụ, chức danh trong CAND như trong dự thảo Luật... 

Thường trực UBQPAN nhất trí với đề xuất của Chính phủ về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an và thấy rằng, việc tăng tuổi phục vụ của lực lượng CAND phù hợp với chủ trương của Đảng điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 23/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và thống nhất với quy định của Bộ Luật lao động năm 2019 về độ tuổi nghỉ hưu. Đồng thời, có sự kế thừa về cơ cấu các độ tuổi đã được quy định trong Luật CAND năm 2005, năm 2014 và năm 2018. 

Từ kết quả thẩm tra nêu trên, Thường trực UBQPAN tán thành đề xuất của Chính phủ và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2023 để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) theo trình tự tại một kỳ họp Quốc hội. Nếu được bổ sung vào Chương trình, UBQPAN sẽ tổ chức phiên họp toàn thể để thẩm tra chính thức dự án Luật này theo quy định để kịp thời trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.

10h04: Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành nội dung thảo luận:

Phát biểu điều hành, Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, đến nay hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, xin ý kiến các cấp có thẩm quyền, Chính phủ đã có Tờ trình gửi UBTVQH và Quốc hội về bổ sung dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. 

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, căn cứ vào hồ sơ của Chính phủ và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân ngày 14/3/2023, Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh đã tổ chức Phiên họp mở rộng để thẩm tra sơ bộ hồ sơ đề nghị xây dựng Luật và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân để có cơ sở trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét về nội dung cũng như quyết định bổ sung dự án luật vào chương trình xây dựng xây dựng luật, pháp lệnh, cho ý kiến xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 5.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận một số nội dung trọng tâm: Về hồ sơ đề nghị xây dự án luật, đã thực hiện đúng quy định tại Điều 37 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; có đủ điều kiện trình Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; có đủ điều kiện thông qua theo quy trình một kỳ họp…

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá tác động; dự thảo nghị định sửa đổi của Chính phủ; việc áp dụng các quy định của cấp có thẩm quyền về thăng quân hàm cấp tướng trước hạn; quy định về cấp úy; quy định trường hợp đặc biệt là sĩ quan công an nhân dân là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia cao cấp có thể kéo dài thời hạn phục vụ; sự thống nhất đồng bộ với hệ thống pháp luật liên quan…

10h13: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường: Thống nhất trình Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân để Quốc hội xem xét, quyết định

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, để tương thích với các Luật hiện hành. Hồ sơ Dự án Luật đã được các cơ quan chuẩn bị kỹ lưỡng, đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 tới đây. 

10h16: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng:

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết ban hành luật sửa đổi như Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng trong xây dựng lực lượng Công an nhân dân tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, bảo đảm phù hợp, đồng bộ với quy định của Luật Lao động về chế độ, chính sách, tuổi nghỉ hưu của người phục vụ trong lực lượng công an nhân dân. 

Cơ bản thống nhất với phạm vi điều chỉnh, hồ sơ dư án cũng như 3 chính sách lớn thể hiện trong Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, về thời điểm tăng tuổi phục vụ đã đảm bảo phù hợp với quy định trong Luật Lao động, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Dự án Luật đã đủ điều kiện báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét để bổ sung vào Chương trình Luật, pháp lệnh năm 2023, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, thông qua theo quy trình một kỳ họp.

10h21: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Việc chuẩn bị hồ sơ dự án Luật bảo đảm đúng quy định

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận hồ sơ tài liệu được chuẩn bị đúng với quy trình và quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, được chuẩn bị công phu, kĩ lưỡng. Chủ tịch Quốc hội cho rằng việc sửa đổi luật xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, quá trình soạn thảo cơ bản thống nhất với các luật khác có liên quan. Về quan điểm nguyên tắc sửa đổi, tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ của hệ thống pháp luật, Chủ tịch Quốc hội đồng tình với tờ trình, báo cáo thẩm tra sơ bộ đã nêu. Cơ bản tán thành với các nội dung của dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý một số nội dung cụ thể để các cơ quan tiếp tục hoàn thiện.

Góp ý với sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 22 về sĩ quan được xét thăng cấp hàm Đại tá đến Thiếu tướng còn ít nhất đủ 3 năm công tác, trường hợp không đủ 3 năm công tác do Chủ tịch nước quyết định, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu thêm trường hợp không đủ 3 năm công tác do Chủ tịch nước quyết định thì có quy định thời gian tối thiểu không? Đề nghị cụ thể hơn về thời gian. 

 Về sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 25, dự thảo quy định trần cao nhất là Thượng tướng cho sĩ quan công an biệt phái đảm nhận chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh, bày tỏ đồng tình với quy định này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị bổ sung thêm nội dung làm rõ vị trí này trong xếp hạng phân loại về chức danh, chức vụ trong hệ thống chính trị tương đương với Bộ trưởng và thường do Ủy viên Trung ương Đảng đảm nhiệm chức vụ để bảo đảm đầy đủ hơn, tương xứng với vị trí chức vụ này. 

Về mốc thời gian để áp dụng tăng tuổi theo lộ trình, Chủ tịch Quốc hội đề nghị quy định theo thời hiệu của Bộ luật Lao động tức từ ngày 1/1/2021. 

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục hoàn thiện tờ trình, báo cáo thẩm tra để bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; nhất trí trình Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình tại một kỳ họp.

10h28: Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu:

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cảm ơn Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng thuận cao với dự án Luật sửa đổi một số điều của Luật Công an nhân dân. Về thời hạn phong cấp tướng, trong thời hạn đặc biệt không đảm bảo thời hạn 3 năm là rất hãn hữu, đặc biệt, tuy nhiên không tránh khỏi có trường hợp đã đủ 3 năm công tác, nhưng do lý do đặc biệt nên chưa thể chính thức tiến hành. Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị giữ như dự thảo Luật để đảm bảo bao quát các trường hợp thực tế.

Bộ trưởng cho biết, Bộ Công an sẽ tiếp thu đầy đủ và nghiêm túc các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự án Luật này.

10h34: Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam:

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam bày tỏ nhất trí cao với sự cần thiết của việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Công an nhân dân. Đồng thời cho nhấn mạnh, việc sửa đổi các quy định trong lĩnh vực công an hay quốc phòng dù sửa đổi, bổ sung như thế nào cũng cần đảm bảo sự ổn định và đủ sức bảo vệ Tổ quốc… 

Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, hiện nay Bộ Quốc phòng đang tổng kết Luật sĩ quan. Sau đó sẽ tiếp thu và tiến hành điều chỉnh luật. Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho rằng, việc xây dựng, ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Công an nhân dân đi trước sẽ là điều kiện để Bộ Quốc phòng học hỏi, rút kinh nghiệm cho mình trong thời gian tới.

10h36: Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội kết luận nội dung thảo luận:

Kết luận phiên họp, Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất rằng Hồ sơ đề nghị xây dựng luật và Hồ sơ dự án Luật đã đảm bảo yêu cầu, đủ điều kiện trình Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2023 và trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 theo quy trình một kỳ họp.

Tại phiên họp, 100% các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt tán thành bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2023 và trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 theo quy trình một kỳ họp. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình với các chính sách như trong Tờ trình, đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu, rà soát, bổ sung hồ sơ, Tờ trình, điều chỉnh các điều khoản đề xuất sửa đổi, đảm bảo các quy định phù hợp với thực tiễn, thống nhất với quy định của Luật Lao động và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Quốc phòng khẩn trương tổng kết việc thực hiện Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, đề xuất sửa đổi Luật này bảo đảm tương thích với các luật liên quan đến lực lượng vũ trang nói chung.

Cổng Thông tin Điện tử Quốc hội