HOÀN THIỆN CƠ CHẾ KIỂM TRA, ĐẢM BẢO CÁC DOANH NGHIỆP CẤP THOÁT NƯỚC HOẠT ĐỘNG BÌNH ĐẲNG

28/02/2023

Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới. Cho ý kiến về dự án Luật quan trọng này, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng cần hoàn thiện cơ chế kiểm tra kiểm soát độc lập, thường xuyên để đảm bảo tất cả các doanh nghiệp cấp thoát nước hoạt động bình đẳng, tuân thủ pháp luật, thực hiện cam kết chất lượng phục vụ với người dân và xã hội.

ĐOÀN CÔNG TÁC ỦY BAN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG KHẢO SÁT THỰC TẾ VỀ DỰ LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC TẠI BÌNH ĐỊNH

Công khai thông tin về tình trạng cấp thoát nước ở mỗi địa phương

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới, dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Đây là một dự án Luật quan trọng, không chỉ có ý nghĩa trong việc khắc phục những tồn tại, bất cập trong luật hiện hành, mà còn nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế về tài nguyên nước, đảm bảo phù hợp với các văn bản trong hệ thống pháp luật.

Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ bổ sung các chính sách mới để điều chỉnh một số nội dung phát sinh trong thực tiễn (Ảnh minh họa)

Giới thiệu về dự thảo Luật, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, luật đã bổ sung các chính sách mới để điều chỉnh một số nội dung phát sinh trong thực tiễn là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp; xây dựng hệ thống chính sách pháp luật đồng bộ, tổng hợp, thống nhất về tài nguyên nước, đảm bảo an ninh tài nguyên nước.

Cho ý kiến về dự án luật này, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu nhận định, dự thảo Luật Tài nguyên nước sửa đổi có quan điểm về xã hội hóa ngành nước và một số điều khoản về xã hội hóa công tác bảo vệ nguồn nước và đầu tư ngành nước, như: Xã hội hóa đi đôi với tăng cường bảo vệ, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước; Xã hội hóa trong bảo vệ, phát triển, phục hồi nguồn nước, trữ nước. Tuy nhiên, việc phân công trách nhiệm quản lý quản lý tài nguyên nước riêng cho các Bộ và các địa phương khó đảm bảo tính thống nhất quản lý nhà nước về tài nguyên nước. Việc không xem nước sau xử dụng đã xử lý đạt tiêu chuẩn sử dụng là tài nguyên nước sẽ không khuyến khích xã hội hóa việc đầu tư xử lý nước thải. Thiếu điều khoản riêng về xã hội hóa ngành nước sẽ ít có tác động đến việc huy động nguồn lực cho việc xã hội hóa ngành cấp, thoát và xử lý nước thải.

 PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam 

Theo PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam cùng một số chuyên gia, nhà nghiên cứu, để đẩy mạnh công tác xã hội hóa ngành nước, cần minh bạch và công khai thông tin về tình trạng cấp thoát nước ở mỗi địa phương trên cơ sở xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dễ tiếp cận cho mọi nhà đầu tư và người dân có thể truy cập. Tiêu chuẩn hóa chất lượng nước, chi phí cấp nước, thoát nước và xử lý nước sau sử dụng cùng với cơ chế kiểm tra, thanh tra, quan trắc thường xuyên chất lượng nước cấp và nước sau xử lý.

Bên cạnh đó, cần xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư dài hạn vào lĩnh vực nước thải, đặc biệt là phương pháp tính toán chi phi xử lý hợp lý và cơ chế thu tiền đối với việc xử lý nước thải sinh hoạt của người dân và doanh nghiệp vì thành phần và tính chất nước thải có thể biến động. Xây dựng cơ chế tuyển chọn đấu thầu nhà đầu tư công khai, bình đẳng và minh bạch trong việc thực hiện các công trình cấp, thoát và xử lý nước thải để tìm đúng nhà đầu tư có năng lực về tài chính, kỹ thuật và quản lý.

Hoàn thiện cơ chế kiểm tra, đảm bảo các doanh nghiệp cấp thoát nước hoạt động bình đẳng

Nhiều chuyên gia cũng kiến nghị cần quản lý chặt công tác quy hoạch, thiết kế, thẩm định, xây dựng các báo cáo kỹ thuật và báo cáo đánh giá tác động môi trường của các nhà máy nước chuẩn bị xây dựng. Hoàn thành công tác cổ phần hóa các công ty cấp thoát nước hiện nay không mà Nhà nước không giữ vai trò quan trọng trong việc quản lý khai thác và sử dụng nước.

Một trong những yêu cầu thực tế đang đặt ra là cần hoàn thiện cơ chế kiểm tra kiểm soát độc lập, thường xuyên để đảm bảo tất cả các doanh nghiệp cấp thoát nước hoạt động bình đẳng, tuân thủ pháp luật, thực hiện cam kết chất lượng phục vụ với người dân và xã hội, tránh các hiện tượng canh tranh cấp thoát nước đã từng diễn ra trong thời gian qua. Tuyên truyền, vận động người dân về tầm quan trọng nước và xã hội hóa của việc quản lý, bảo vệ, sử dụng tiết kiệm, khai thác hợp lý, xử lý nước thải trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời vận động xây dựng các mô hình xã hội hóa quản lý và bảo vệ tài nguyên nước.

Bàn về thực trạng xã hội hóa trong ngành cấp, thoát, xử lý nước, nhiều đại diện doanh nghiệp, chuyên gia cho biết, trong thời gian qua, việc xã hội hóa còn chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng vốn đầu tư, một nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng trên là do chính sách xã hội hóa đầu tư ngành nước còn thiếu tính hấp dẫn, do lợi nhuận thấp, khó thu hồi vốn, tính cạnh tranh yếu kém.... Các dịch vụ công này cần có cơ chế chính sách hợp lý cho việc chuyển từ ngân sách nhà nước sang nguồn ngân sách xã hội hóa.

Từ nhận định trên, nhiều ý kiến cho rằng cần bổ sung một điều khoản về xã hội hóa ngành nước (cấp, thoát, xử lý nước thải) trong Dự thảo Luật Tài nguyên nước 2022; đồng thời với việc bổ sung vào khoản 1 Điều 3 về định nghĩa tài nguyên nước: Tài nguyên nước bao gồm nguồn nước mặt, nước dưới đất, nước mưa, nước biển và nước sau xử lý thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

GS.TS Nguyễn Việt Anh, Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường

Quan tâm đến vấn đề liên quan đến việc xử lý nước thải tập trung, GS.TS Nguyễn Việt Anh, Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường cùng các chuyên gia đề nghị cần nghiên cứu thay đổi lĩnh vực này theo hướng “xanh hơn” từ khâu lập quy hoạch. Theo ddos, cần có nhiều giải pháp thân thiện với môi trường, bền vững, mang lại hiệu quả và lợi ích về lâu dài: Thoát nước bền vững, thu gom và sử dụng nước mưa, tái chế và tái sử dụng nước thải, sử dụng năng lượng hiệu quả trong xử lý nước thải, xử lý bùn và thu hồi tài nguyên, các giải pháp thông minh,...

Ngoài ra, cơ chế mua bán hạn ngạch phát thải Các – bon, hướng tới phát thải ròng bằng 0 cũng có thể là các nguồn tài chính hứa hẹn. Vì vậy, khi đã có giải pháp kỹ thuật khả thi, chính sách phù hợp và lợi ích kinh tế rõ ràng thì sẽ tao ra động lực mạnh mẽ để thu hút khối tư nhân tham gia vào lĩnh vực này, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xử lý nước thải.

Hồ Hương