ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC, NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CẤP TỈNH

26/02/2023

Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội đồng Nhân dân (HĐND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2022 và triển khai kế hoạch công tác năm 2023. Báo cáo tổng kết tình hình tổ chức và hoạt động của HĐND, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, hoạt động của HĐND cấp tỉnh đã có nhiều đổi mới về phương thức, cách thức tổ chức hoạt động, qua đó hiệu lực, hiệu quả được nâng lên rõ rệt.

HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC TỔNG KẾT VÀ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH CÔNG TÁC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN NĂM 2023

Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND cấp tỉnh được nâng lên rõ rệt

Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội đồng Nhân dân (HĐND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2022 và triển khai kế hoạch công tác năm 2023. Đây là Hội nghị có quy mô lớn nhất về công tác HĐND do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức với sự tham dự của hơn 320 đại biểu Trung ương và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng dự, phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Tại Hội nghị, báo cáo tổng kết tình hình tổ chức và hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, về ưu điểm, năm 2022, hoạt động của HĐND cấp tỉnh đã có nhiều đổi mới về phương thức, cách thức tổ chức hoạt động. Hiệu lực, hiệu quả được nâng lên rõ rệt, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị ở từng địa phương.

Quang cảnh Hội nghị

Với sự lan tỏa trong đổi mới hoạt động của Quốc hội, sự chỉ đạo tập trung của Trung ương và của cấp ủy đảng cùng cấp, hoạt động của HĐND các địa phương trong năm 2022 tiếp tục có nhiều đổi mới theo hướng thực chất và hiệu quả. HĐND đã bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết của cấp ủy, cụ thể hóa thành các Nghị quyết, ban hành cơ chế, chính sách, các biện pháp thiết thực, khả thi, phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của địa phương, bảo đảm tính thống nhất đồng bộ, làm cơ sở để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu đã được HĐND cấp tỉnh thông qua cuối năm 2021, đặc biệt là Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, các Chương trình mục tiêu quốc gia và triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2022, giai đoạn 2021-2025...

Trưởng Ban Công tác đại biểu cho biết, các Ban HĐND đã chủ động trong hoạt động thẩm tra báo cáo, tờ trình, nghị quyết, có nhiều đổi mới về cách làm và phương pháp tiếp cận, bảo đảm kỹ lưỡng, tranh thủ được nhiều ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, của cử tri và nhân dân địa phương, kết hợp giữa xem xét báo cáo với khảo sát cơ sở, có chính kiến rõ ràng, tính phản biện cao phục vụ trước khi trình kỳ họp HĐND, làm cơ sở để đại biểu thảo luận, xem xét, quyết định. Công tác điều hành kỳ họp luôn được rút kinh nghiệm và có những cải tiến hợp lý. Chủ tọa kỳ họp đã phát huy tính dân chủ, điều hành linh hoạt và sáng tạo, tạo không khí dân chủ, phát huy được nhiều ý kiến của tập thể, của đại biểu HĐND. Việc trình bày các báo cáo tại hội trường được đổi mới, trình chiếu phóng sự hoặc chỉ trình bày những vấn đề cơ bản để dành thời gian tập trung thảo luận, chất vấn và quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương. Nội dung, chương trình các kỳ họp thực hiện bảo đảm đúng quy định của pháp luật, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng và phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh

Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu, các Nghị quyết ban hành bảo đảm sự thống nhất, khả thi, thiết thực, đúng pháp luật, đúng đường lối, chủ trương của đảng và phát huy hiệu quả khi thi hành, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân địa phương. Công tác thông tin tuyên truyền trước, trong và sau khi họp HĐND được duy trì và phát huy hiệu quả trên thực tế, góp phần đưa Nghị quyết của HĐND đi vào thực tiễn cuộc sống. Đã đẩy mạnh hơn việc ứng dụng công nghệ thông tin tiến tới chuyển đổi số trong tất cả các hoạt động của HĐND, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND.

 Bên cạnh đó, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho biết, phương thức tổ chức hoạt động giám sát, tái giám sát của HĐND cấp tỉnh có sự chuyển biến rõ rệt, nhất là sau khi UBTVQH ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 về hướng dẫn hoạt động giám sát của của HĐND. Nghị quyết như một “cẩm nang” để thống nhất, chuẩn hóa, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND, khắc phục được một số hạn chế, vướng mắc, lúng túng trong thực tiễn giám sát của HĐND hiện nay.

Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội đồng Nhân dân

Hoạt động tiếp công dân đã phát huy hiệu quả, nhiều vụ việc đã được giải quyết dứt điểm. Việc phối hợp điều hòa, hướng dẫn hoạt động với các cơ quan có liên quan được duy trì, chặt chẽ, rõ trách nhiệm. Hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo và giải quyết kiến nghị cử tri được quan tâm đổi mới.

Nhiều địa phương, HĐND cấp tỉnh tiếp tục phối hợp triển khai hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc thù như các tỉnh, thành phố: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế. Qua triển khai thực hiện các Nghị quyết đã phát huy hiệu quả, giúp các địa phương chủ động, sử dụng linh hoạt, hiệu quả hơn các nguồn lực sẵn có, huy động tối đa mọi nguồn lực tạo bước đột phá, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án và kịp thời giải quyết các bức xúc về cơ sở hạ tầng, giải quyết các vấn đề về xã hội, môi trường, giao thông…

Việc trả lời kiến nghị cử tri còn kéo dài, quá thời hạn quy định

Bàn về những tồn tại, hạn chế trong việc tổ chức công tác của Hội đồng nhân dân, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc ban hành các Nghị quyết chứa quy phạm pháp luật của HĐND còn hạn chế; Quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND chưa thật rõ, ví dụ thẩm quyền về điều chỉnh hệ số đất và hệ số điều chỉnh giá đất. Về hoạt động của Thường trực HĐND, trong đó có hoạt động chất vấn, giải trình tại các Phiên họp thực hiện chưa nhiều, chủ yếu tập trung chất vấn tại kỳ họp. Chưa tổ chức được nhiều hoạt động giám sát thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND tỉnh.

Cùng với đó, hình thức tiếp xúc cử tri chưa đa dạng, chủ yếu tiếp xúc cử tri tại các đơn vị bầu cử trước và sau kỳ họp thường lệ, tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, nơi làm việc, nơi cư trú còn ít...; việc giải quyết kiến nghị của cử tri đối với một số vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm liên quan đến nguồn lực, cơ chế chính sách hoặc chưa nhận được sự đồng thuận cao của cử tri. Việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri của một số các cơ quan có thẩm quyền còn kéo dài, quá thời hạn quy định. Việc theo dõi, đôn đốc giải quyết các kiến nghị, kết luận qua giám sát chưa được thường xuyên và triệt để.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Về hoạt động của các Ban HĐND, Trưởng Ban Công tác đại biểu nêu rõ, chất lượng thẩm tra chưa được đồng đều, chất lượng một số văn bản chưa cao; ở một số địa phương kế hoạch, lịch làm việc của các Ban HĐND có lúc còn chồng chéo, chưa thực sự khoa học. Về hoạt động của Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND có nơi còn hạn chế như chưa bố trí nhiều thời gian cho hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri, duy trì họp tổ thường xuyên; chưa thực hiện tốt hoạt động tiếp công dân định kỳ.

Ngoài ra, Trưởng Ban Công tác đại biểu thẳng thắn nêu rõ, sự phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của HĐND có lúc chưa chặt chẽ, chưa bảo đảm thời gian theo quy định của pháp luật về lấy ý kiến đối với các đối tượng chịu sự tác động của chính sách; các đơn vị được xin ý kiến chưa quan tâm đến việc tham gia vào dự thảo nghị quyết. Công tác dự báo các nguồn lực thực hiện nghị quyết chưa được tính toán đầy đủ, chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với nguồn lực ngân sách nên quá trình tổ chức triển khai thực hiện còn gặp lúng túng, khó khăn.

Minh Hùng