TS.LƯU BÌNH NHƯỠNG: TÁCH BẠCH, LÀM RÕ CÁC VẤN ĐỀ QUY HOẠCH VÀ KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT

25/02/2023

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chính thức được đưa ra lấy ý kiến Nhân dân từ ngày 3/1 đến 15/3/2023. Góp ý đối với quy định về Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Ban Dân nguyện, ĐBQH khóa XIV cho rằng, Luật Đất đai sửa đổi cần quy định rõ việc quy hoạch sử dụng đất phải bảo đảm tầm nhìn dài hạn; tách bạch, làm rõ các vấn đề về quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất.

ĐỀ XUẤT THÀNH LẬP CƠ QUAN ĐỊNH GIÁ ĐẤT ĐỘC LẬP ĐỂ ĐƯA GIÁ ĐẤT SÁT VỚI GIÁ THỊ TRƯỜNG

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được lấy ý kiến Nhân dân từ ngày 3/1 đến 15/3/2023

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) - Lấy ý kiến lần hai gồm 16 chương, 236 điều. Trong đó, tại Chương V gồm 17 điều, từ Điều 60 đến Điều 76 quy định về Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Cụ thể: Thể chế hóa quan điểm của Nghị quyết số 18-NQ/TW, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định: Nguyên tắc lập quy hoạch sử dụng đất theo hướng quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất quốc gia và quy hoạch sử dụng đất cùng cấp đã được phê duyệt.

Quy hoạch sử dụng đất quốc gia phải bảo đảm tính đặc thù, liên kết vùng; bảo đảm sự cân bằng giữa nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, địa phương và phù hợp với tiềm năng đất đai nhằm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả (Điều 60).

Quy định tầm nhìn của quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh là 50 năm; tầm nhìn của quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh là 30 năm; tầm nhìn của quy hoạch sử dụng đất cấp huyện là 20 năm (Điều 62).

Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia và các địa phương có biển được lập bao gồm cả phần đất có mặt nước ven biển (Điều 67)…..

Quy hoạch sử dụng đất phải bảo đảm tầm nhìn dài hạn

Góp ý về nội dung này, TS. Lưu Bình Nhưỡng cho biết, Luật Đất đai là luật chuyên biệt/chuyên ngành, có chức năng điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai. Tuy nhiên, hầu hết các hoạt động kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh,… đều liên quan đến đất đai. Vì vậy, quy hoạch sử dụng đất là vô cùng quan trọng.

Thực trạng quy hoạch sử dụng đất cho thấy, mặc dù những năm qua Nhà nước đã có nhiều biện pháp quản lý, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao chất lượng và hiệu quả của bộ máy chuyên ngành quản lý đất đai, siết chặt kỷ cương trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý sai phạm, phòng chống tham nhũng –tiêu cực về đất đai…. Nhưng bức tranh sử dụng đất đai vẫn chưa còn tồn tại một số bất cập.

TS. Lưu Bình Nhưỡng dẫn chứng, theo báo cáo của Đoàn giám sát “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tỷ lệ đơn thư liên quan đến đất đai là khoảng 70% trên tổng lượng đơn thư hàng năm. Các khiếu kiện và tố cáo, tố giác sai phạm về đất đai có nhiều nguyên nhân nhưng một trong những nguyên nhân là do công tác quy hoạch thiếu tầm nhìn, quy hoạch cảm tính,…

Vì vậy, TS. Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh, Luật Đất đai sửa đổi cần quy định rõ việc quy hoạch sử dụng đất phải bảo đảm tầm nhìn dài hạn, có thể hàng trăm năm, mà không nên hạn chế thời hạn quy hoạch dưới 50 năm, đồng thời phải dựa trên cơ sở khoa học, đánh giá tác động toàn diện về  không gian phát triển cũng như bảo đảm đời sống của người dân, gìn giữ những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của dân tộc và gắn với quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước.

Tách bạch, làm rõ các vấn đề quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất

Về quy hoạch, kế  hoạch sử dụng đất tại Chương V của Dự thảo, TS. Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, về ưu điểm, quy định như Dự thảo, có sự liên kết hai vấn đề quy hoạch và kế hoạch trong một điều luật. Tuy nhiên, nhược điểm, dễ tạo sự nhầm lẫn giữa quy hoạch và kế hoạch.

Theo TS. Lưu Bình Nhưỡng, quy hoạch là trạng thái “tĩnh” còn kế hoạch là “động”; quy hoạch là định hướng không gian phát triển trên diện tích đất đai còn kế hoạch là định hướng tổ chức triển khai sử dụng đất, có kế hoạch bao quát và kế hoạch sử dụng đất cụ thể cho dự án.

Do đó, TS. Lưu Bình Nhưỡng đề xuất, trong quy định cần lưu ý:

Thứ nhất, tách bạch, làm rõ các vấn đề quy hoạch và kế hoạch

Thứ hai, bên cạnh quy định để thể hiện mối liên hệ giữa Quy hoạch và Kế hoạch, (trong đó làm rõ tính quyết định về nguyên tắc của Quy hoạch) thì phải quy định những trường hợp xử lý các vấn đề biến động của Quy hoạch làm ảnh hưởng tới Kế hoạch hoặc dự án sử dụng đất.

Thứ ba, quy định rõ vấn đề mối liên hệ giữa quy hoạch Quốc gia với quy hoạch cấp tỉnh; giữa quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh trong khu vực, vùng miền, nhất là các tỉnh giáp nhau. Nếu không có sự xác định mang tính chỉ đạo của Trung ương thì sẽ gây khó khăn cho đầu tư phát triển và vấn đề an sinh xã hội./.

Việc lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân có liên quan (Điều 68) cần giao cho Mặt trận Tổ quốc cùng cấp chủ trì, hoặc đồng chủ trì có sự tham gia của các cơ quan để bảo đảm khách quan. Đối với vấn đề có liên quan đến nhiều hộ dân thì cần bảo đảm dân chủ thông qua việc tổ chức lấy ý kiến từ cơ sở cấp thôn/bản/khu phố./.

Lê Anh