TỔNG THUẬT SÁNG 10/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ LUẬT HỢP TÁC XÃ (SỬA ĐỔI)
Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam
Phát triển kinh tế tập thể là một chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước trong quá trình cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã khẳng định: “Kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển. Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”. Nghị quyết số 13/NQ-TW ngày 18/03/2002, Hội nghị Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể đã cụ thể hóa Cương lĩnh, đề ra các chủ trương, chính sách khá toàn diện về phát triển kinh tế tập thể,...
Tiếp đó, tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định xu hướng phát triển “kinh tế nhà nước giữa vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển” và nguyên tắc hoạt động: Kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, các hợp tác xã, tổ hợp tác có phạm vi hoạt động rộng lớn, với vai trò cung cấp dịch vụ cho các thành viên; liên kết, phối hợp sản xuất kinh doanh, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện để các thành viên nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững. Tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã, hình thành các hiệp hội, liên hiệp hợp tác xã. Đồng thời xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII: Xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập.
Nghị quyết 20-NQ/TW thống nhất quan điểm: (1) Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân....; (2) Kinh tế tập thể với nhiều hình thức tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao (tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã…) trong đó hợp tác xã là nòng cốt…; (3) Kinh tế tập thể phát triển dựa trên sở hữu riêng của thành viên và sở hữu chung của tập thể; tổ chức hoạt động theo nguyên tắc đối nhân, không phụ thuộc vào vốn góp; phân phối theo mức độ tham gia dịch vụ, theo hiệu quả lao động và theo vốn góp....; (4) Phát triển kinh tế tập thể cả về số lượng và chất lượng, trong đó chú trọng chất lượng, bảo đảm sự hài hoà trong tất cả các ngành, lĩnh vực, địa bàn; có chính sách ưu tiên cho các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số;….;(5) Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên.…
Ths.Trịnh Quang Hân, Vụ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương
Theo Ths.Trịnh Quang Hân, Ban Kinh tế Trung ương, những vấn đề đặt ra để tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể tại Nghị quyết 20-NQ/TW bao gồm:
Một là, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về kinh tế tập thể như: Quy định về các loại hình tổ chức kinh tế tập thể, tổ chức đại diện; quy định về hợp tác xã, phát triển thành viên, về nâng cao khả năng huy động vốn, tăng tích lũy vốn và tài sản chung; quy định về phát triển doanh nghiệp trong tổ chức kinh tế tập thể. Bổ sung đầy đủ cơ sở pháp lý về kiểm toán, các quy định nhằm nâng cao tính minh bạch trong quản lý, điều hành; về nâng cao hiệu quả, chất lượng chính sách hỗ trợ của Nhà nước, quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể. Có chính sách hỗ trợ, thu hút nguồn lực, ứng dụng khoa học - công nghệ, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, mở rộng thị trường cho kinh tế tập thể, bảo đảm thống nhất, đồng bộ.
Hai là, sửa đổi, bổ sung các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể theo hướng xác định các tổ chức kinh tế tập thể là chủ thể phù hợp để kết hợp giữa đầu tư của Nhà nước và đầu tư, quản lý của tập thể người dân (đầu tư công - quản trị cộng đồng). Nhà nước có cơ chế, chính sách đặc thù cho kinh tế tập thể. Xây dựng chương trình tổng thể về phát triển kinh tế tập thể trên phạm vi toàn quốc để thống nhất, tập trung nguồn lực, phù hợp với yêu cầu phát triển của kinh tế tập thể và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ với một số chính sách cụ thể về: phát triển nguồn nhân lực; chính sách đất đai; chinh sách tài chính; chính sách tín dụng; khoa học – công nghệ;…
Từ đó, Ths.Trịnh Quang Hân cho rằng, Luật Hợp tác xã (sửa đổi) cần thông thoáng, minh bạch, khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng. Ưu tiên Phát triển Hợp tác xã khu vực nông nghiệp, nông thôn, đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu, hỗ trợ đắc lực cho kinh tế hộ, trang trại phát triển, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, trật tự xã hội ở nông thôn. Tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức kinh tế tập thể chủ động vươn lên, vượt qua các khó khăn, nhanh chóng khắc phục những hạn chế, yếu kém, củng cố tổ chức, nâng cao năng lực quản lý, điều hành và hiệu quả hoạt động, phát huy lợi thế vốn có của tổ chức kinh tế tập thể để tăng cường sức cạnh tranh.
Để tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết 20-NQ/TW, Ths.Trịnh Quang Hân nhấn mạnh, công tác xây dựng chính sách pháp luật về Hợp tác xã cần lưu ý thống nhất một số quan điểm như sau:
Thứ nhất, tiếp tục khẳng định kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác ngày càng phát triển là xu thế tất yếu; là thành phần kinh tế quan trọng cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phải xuất phát từ nhu cầu của thành viên, tôn trọng giá trị, nguyên tắc hoạt động của tổ chức hợp tác xã và phù hợp với điều kiện, đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương, từng vùng, đồng thời phải tuân thủ đầy đủ các quy luật kinh tế, tuân thủ nguyên tắc tổ chức của hợp tác xã, đồng sở hữu, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, do các thành viên tự nguyện thành lập nhằm tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, đáp ứng nhu cầu chung của các thành viên, trên cơ sở bình đẳng, dân chủ và cùng có lợi.
Thứ hai, tăng cường năng lực quản lý của Nhà nước, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận về chủ trương, định hướng, đổi mới cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác. Cụ thể: Nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với kinh tế hợp tác, hợp tác xã, tôn trọng quyền tự do hoạt động kinh tế, kinh doanh của người dân, hợp tác xã, giảm tối đa sự can thiệp của nhà nước vào hoạt động sản xuất kinh doanh của hợp tác xã, bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự giác thực hiện quy định pháp luật của Hợp tác xã; Xác định rõ rõ bản chất, nguyên tắc hoạt động của Hợp tác xã. Thực hiện đúng chủ trương theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nêu: “Kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, các hợp tác xã, tổ hợp tác có phạm vi hoạt động rộng lớn, với vai trò cung cấp dịch vụ cho các thành viên; liên kết, phối hợp sản xuất kinh doanh, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện để các thành viên nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững. Tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã, hình thành các hiệp hội, liên hiệp hợp tác xã” .
Bên cạnh đó, hoàn thiện chính sách, pháp luật Hợp tác xã như tiếp cận đất đai, tín dụng, khoa học công nghệ, đào tạo, nâng cao năng lực quản trị, kết nối thị trường như xử lý công nợ, tỷ lệ vốn góp, thủ tục giải thể bắt buộc và chuyển đổi sang loại hình tổ chức khác, chế tài xử lý vi phạm Luật,.. cho phù hợp với xu thế quốc tế về phát triển hợp tác xã và tình hình thực tế của Việt Nam trong mỗi giai đoạn phát triển.
Thứ ba, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên trong thực hiện Nghị quyết và tổ chức triển khai thực hiện các quy định pháp luật có liên quan phát triển kinh tế tập thể./.