CẦN BẢO ĐẢM THỐNG NHẤT CÁC CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI VỀ ĐẤT TRONG LĨNH VỰC VĂN HÓA, GIÁO DỤC, THỂ THAO, DU LỊCH, TRẺ EM

06/02/2023

"Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi. Cơ quan chủ trì soạn thảo đã hoàn thiện dự thảo Luật, bước đầu đảm bảo tính đồng bộ, tuy nhiên cần tiếp tục nghiên cứu, bảo đảm tính thống nhất với các chính sách ưu đãi về đất đai trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thể thao, du lịch, trẻ em ở các luật chuyên ngành...” là những nhận định của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đối với dự án Luật này.

KỲ VỌNG LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) KHƠI THÔNG NGUỒN LỰC, ỔN ĐỊNH XÃ HỘI, TIẾP THÊM ĐỘNG LỰC CHO THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN

Theo Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bắt đầu từ 3/1/2023 đến hết ngày 15/3/2023

Theo Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bắt đầu từ 03/01/2023 đến hết ngày 15/3/2023

Đối tượng lấy ý kiến gồm: Các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; Các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên của Mặt trận, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội; Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác; Các viện nghiên cứu, trường đại học và chuyên gia, nhà khoa học.

Nội dung lấy ý kiến là toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các nội dung trọng tâm do Chính phủ xác định phù hợp với từng nhóm đối tượng lấy ý kiến.

Hình thức lấy ý kiến gồm: Góp ý trực tiếp bằng văn bản; Tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; Thông qua Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các phương tiện thông tin đại chúng, các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin, các hình thức phù hợp khác.

Mục đích của việc tổ chức lấy kiến nhân dân nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó, tạo sự thống nhất và đồng thuận của nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai. Đồng thời, nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Việc tổ chức lấy ý kiến phải được tiến hành dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, thực chất, bảo đảm tiến độ, chất lượng và tiết kiệm. Tổ chức lấy ý kiến với các hình thức thích hợp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia góp ý. Việc tổ chức lấy ý kiến phải bảo đảm sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; sự chỉ đạo, tổ chức thực hiện chặt chẽ của các cấp chính quyền; đề cao trách nhiệm người đứng đầu và sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức. Nội dung lấy ý kiến phải toàn diện và có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số nội dung, chính sách lớn, các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp được dư luận quan tâm.

Ý kiến đóng góp của nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan và được nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ngoài ra, tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đóng góp ý kiến; kiên quyết đấu tranh với thế lực thù địch lợi dụng chống phá, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Chính phủ xây dựng kế hoạch, xác định nội dung trọng tâm lấy ý kiến và tổ chức lấy ý kiến; chủ trì tổng hợp ý kiến và xây dựng báo cáo kết quả. Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước tổ chức lấy ý kiến Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp, các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận tổ chức lấy ý kiến đối với nội dung có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, quyền và trách nhiệm của tổ chức mình. Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với Hội đồng Nhân dân, đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cùng cấp tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả lấy ý kiến và gửi Chính phủ (qua Bộ Tài nguyên và Môi trường) để tổng hợp, đồng thời gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội (qua Ủy ban Kinh tế) để theo dõi. Các cơ quan thông tấn, báo chí có trách nhiệm đăng tải, tuyên truyền, phổ biến các nội dung liên quan đến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, trung thực, khách quan, phục vụ cho việc đóng góp ý kiến của nhân dân...

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cơ bản đồng tình với sự cần thiết, mục đích, quan điểm, bố cục và nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Theo ý kiến tham gia thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục về dự án Luật này, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục bày tỏ cơ bản đồng tình với sự cần thiết, mục đích, quan điểm, bố cục và nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo Tờ trình của Chính phủ. Dự án Luật được xây dựng bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp trên tinh thần thể chế hóa quan điểm của Đảngvà giải quyết các vấn đề còn tồn tại, hạn chế, phát sinh trong thực tiễn liên quan đến đất đai. Đặc biệt giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến đất đai. Trong đó, Luật Đất đai (sửa đổi) phải thống nhất điều chỉnh mọi quan hệ quản lý, sử dụng đất đai, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất; hoàn thiện các chế định để quản lý đất đai theo chức năng là tài nguyên, tài sản, nguồn lực; cả về diện tích, chất lượng, không gian sử dụng.

Về hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhận thấy cơ quan chủ trì soạn thảo đã hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật trong đó: Rà soát hoàn thiện Tờ trình Quốc hội; Hoàn thiện bổ sung báo cáo đánh giá tác động chính sách; (3) Hoàn thiện Báo cáo lồng ghép giới; (4) Đánh giá cụ thể mối quan hệ của các chính sách trong dự thảo Luật với các Luật khác có liên quan và các tài liệu liên quan (bảng giải trình tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương; Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật).

Cơ quan chủ trì soạn thảo đã hoàn thiện dự thảo Luật, bước đầu đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa các pháp luật; tính tương thích của dự thảo Luật với với điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Về kết cấu dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban nhận thấy cơ quan chủ trì soạn thảo đã tiếp thu ý kiến thẩm tra sơ bộ của các cơ quan của Quốc hội và ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sắp xếp, bố cục dự thảo luật hợp lý hơn, đưa Chương quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất (Chương XIII theo dự thảo kèm theo Tờ trình số 307/TTr-CP) lên sau Chương quy định về quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai; đưa các Chương: thu hồi đất, trưng dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư  khi nhà nước thu hồi đất; phát triển quỹ đất lên trước Chương giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Tách nội dung hỗ trợ thành một mục mới trong Chương quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất. Việc điều chỉnh bố cục bảo đảm tính lô-gíc, hệ thống của các quy định. Đồng thời, cơ quan soạn thảo đã rà soát, Luật hóa các quy định trong các văn bản hướng dẫn luật đã phù hợp với thực tiễn phát huy hiệu quả trong quá trình thực thi, giảm số Điều giao Chính phủ quy định hướng dẫn chi tiết. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này được kết cấu gồm 16 chương, 245 điều, trong đó giữ nguyên 28 điều; sửa đổi, bổ sung 184 điều; bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều.

Đối với nội dung về nguyên tắc áp dụng luật, Thường trực Ủy ban thống nhất với nguyên tắc áp dụng luật được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, hoàn thiện quy định tại Điều 4 dự thảo Luật theo hướng: Luật Đất đai giữ vai trò trung tâm trong hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai, luật sẽ điều chỉnh các mối quan hệ về quyền và trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; điều kiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư; thu hồi, trưng dụng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tài chính đất đai, giá đất; hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về đất đai; phân loại đất; điều tra, đánh giá đất đai; chế độ sử dụng các loại đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; thủ tục hành chính về đất đai thì thực hiện theo quy định của Luật Đất đai.

Dự thảo cũng quy định các trường hợp áp dụng cả Luật đất đai và Luật khác như: đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu dự án có sử dụng đất; việc sắp xếp lại, xử lý đất và các tài sản khác gắn liền với đất là tài sản công,...

Việc bổ sung Điều 4 về áp dụng pháp luật là hết sức cần thiết nhằm giải quyết những xung đột, chồng chéo, thiếu thống nhất giữa các pháp luật đã chỉ ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TW; phù hợp với quy định tại 2 khoản 2 Điều 12 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đảm bảo Luật Đất đai là đạo luật trung tâm điều chỉnh các quan hệ có liên quan đến quản lý, sử dụng đất.

Liên quan đến, phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban thống nhất với nội dung về phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban đề nghị việc xác định phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật cần bảo đảm một số nội dung sau: Tách bạch, phân định rõ các quan hệ đất đai mang tính chất công và các quan hệ mang tính chất tư; Việc xây dựng dự án Luật cần bảo đảm nguyên tắc nhất quán trên cơ sở kế thừa các quy định mang tính ổn định của pháp luật đất đai qua các thời kỳ; sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn; bảo đảm tính tổng thể, chiến lược, lâu dài, trách hợp thức hóa những vi phạm, vấn đề phát sinh của thực tiễn mang tính sự vụ, hiện tượng; Do đây là lĩnh vực liên quan đến nhiều lĩnh vực liên quan khác nhau, do đó đề nghị cần xác định rõ phạm vi điều chỉnh của từng Luật nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đất đai và các luật khác có liên quan.

Về sự phù hợp của nội dung dự thảo Luật với chủ trương, đường lối của Đảng; tính hợp hiện, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo văn bản với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan, Thường trực Ủy ban nhận thấy dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được xây dựng dựa trên quan điểm bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW và các nghị quyết, kết luận khác có liên quan để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai; bảo đảm kế thừa, sự ổn định của hệ thống pháp luật; sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm phát huy nguồn lực đất đai và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong chính sách, pháp luật đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW và thi hành Luật Đất đai. Dự thảo Luật bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp; có tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan.

Tuy nhiên, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bảo đảm tính thống nhất của Luật Đất đai với các quy định khác của pháp luật có liên quan, trong đó, có chính sách ưu đãi về đất đai đối với các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thể thao, du lịch, trẻ em trong các luật chuyên ngành; đồng thời, lưu ý vấn đề sử dụng đất của cá nhân người nước ngoài, doanh nghiệp có một phần vốn của tổ chức, cá nhân người nước ngoài, việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật, đảm bảo sự công bằng, nhất quán giữa những dự án trong nước và dự án có yếu tố nước ngoài.

Về tính khả thi của các quy định trong dự thảo Luật, qua nghiên cứu thực tiễn, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhận thấy nhiều vấn đề bất cập của thực tiễn quản lý nhà nước về đất đai đã được dự thảo Luật giải quyết thích đáng, có tính khả thi cao. Bên cạnh đó, cũng còn nhiều nội dung do thực tiễn mới phát sinh, những xung đột pháp luật đất đai với 22 luật, bộ luật có nội dung vướng mắc và chồng chéo với Luật Đất đai hiện hành cần được tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng hơn, bảo đảm tính khả thi của dự án Luật. Đồng thời, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục hoàn thiện báo cáo đánh giá thủ tục hành chính, bảo đảm tính khả thi, tính minh bạch, cụ thể khi triển khai các quy định của luật trong thực tế sau khi được ban hành đưa vào áp dụng.

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có phạm vi điều chỉnh rộng và tác động lớn đến hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước cũng như các chủ thể có liên quan trong quá trình thực thi. Tuy nhiên, qua nghiên cứu hồ sơ tài liệu, Thường trực Ủy ban nhận thấy Tờ trình của Chính phủ chưa đánh giá về điều kiện bảo đảm nguồn lực, tài chính để thi hành luật. Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung nội dung này, trong đó, việc đánh giá phải bảo đảm tính toàn diện, khách quan và lượng hóa các chi phí liên quan.

Ngoài ra, về ngôn ngữ, kỹ thuật và trình tự, thủ tục soạn thảo văn bản, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhận thấy hồ sơ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được cơ quan soạn thảo xây dựng nghiêm túc, bảo đảm tuân thủ đúng quy trình, thủ tục, quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát kỹ lưỡng về câu chữ, kỹ thuật soạn thảo bảo đảm ngôn ngữ sử dụng trong văn bản quy phạm pháp luật phải chính xác, phổ thông, cách diễn đạt rõ ràng, dễ hiểu; sử dụng thống nhất một số thuật ngữ/từ ngữ/cụm từ đồng nghĩa./.

Thu Phương