ĐOÀN ĐBQH TỈNH KON TUM GIÁM SÁT VIỆC ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA TẠI SỞ GD&ĐT

02/02/2023

Chiều 2/2, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum tổ chức giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT) tại Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH KON TUM GIÁM SÁT VỀ ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA TẠI HUYỆN NGỌC HỒI

ĐOÀN ĐBQH TỈNH KON TUM GIÁM SÁT VỀ ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA TẠI HUYỆN TU MƠ RÔNG

Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội, Sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền của địa phương, tạo hành lang pháp lý đồng bộ để thực hiện mục tiêu đổi mới GD&ĐT, tổ chức thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT tại tỉnh phù hợp.

Đồng thời, triển khai đầy đủ các nghị quyết của Quốc hội và các văn bản quy phạm pháp luật về việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT.

Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức tư tưởng chính trị trong đội ngũ nhà giáo, vai trò của từng trường, từng cán bộ quản lý giáo dục, từng giáo viên, nhân viên được khẳng định và phát huy, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển chung giáo dục của tỉnh, tạo niềm tin đối với chính quyền địa phương, cha mẹ học sinh và của cộng đồng đối với ngành GD&ĐT.

Quang cảnh buổi giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh tại Sở GD&ĐT. Ảnh: TVP

Đặc biệt, ngành GD&ĐT tỉnh huy động có hiệu quả các nguồn lực của địa phương để thực hiện Chương trình GDPT năm 2018. Nhờ đó, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tiếp tục được bổ sung, cải thiện; ngân sách cho GD&ĐT được ưu tiên phân bổ phù hợp; công tác thông tin, truyền thông được đổi mới; mạng lưới truyền thông được thiết lập để kịp thời cung cấp thông tin và định hướng dư luận; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học và thực hiện chuyển đổi số.

Tuy nhiên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở một số cơ sở giáo dục còn thiếu, chưa đồng bộ so với yêu cầu triển khai Chương trình GD&PT hiện hành và Chương trình GD&PT năm 2018, nhất là thiết bị dạy học ngoại ngữ, tin học, thiết bị thí nghiệm, thực hành. Hệ thống nhà ăn, nhà bếp, nhà nội trú của nhiều trường phổ thông dân tộc bán trú còn thiếu so với nhu cầu. Nhà công vụ cho giáo viên ở vùng sâu, vùng xa chưa đáp ứng yêu cầu.

Công tác chuẩn bị đội ngũ đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình GDPT năm 2018 còn một số khó khăn nhất định. Trong đó, chỉ tiêu biên chế sự nghiệp GD&ĐT của tỉnh còn thiếu so với định mức quy định, đội ngũ giáo viên ở vùng sâu, vùng xã thiếu tính ổn định.

Cơ cấu giáo viên chưa hợp lý, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ ở một số bộ môn cấp học trung học cơ sở và trung học phổ thông. Tỷ lệ giáo viên chưa đạt chuẩn còn 15,2%.

Công tác đào tạo bồi dưỡng, đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu triển khai một số bộ môn mới, hoạt động giáo dục theo chương trình mới còn lúng túng, chưa đáp ứng yêu cầu.

Năng lực của một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên chưa đáp ứng tốt so với yêu cầu tổ chức triển khai Chương trình GDPT năm 2018.

Việc chuyên cần của nhiều học sinh DTTS chưa đảm bảo, đặc biệt ở thời điểm mùa vụ. Chất lượng giáo dục mũi nhọn chưa bền vững...

Từ thực trạng nêu trên, Sở GD&ĐT kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan quan tâm hỗ trợ ngành GD&ĐT tỉnh bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các trường thuộc vùng đồng bào DTTS để nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình sách giáo khoa GDPT năm 2018 và mở rộng cơ chế hợp đồng giáo viên.

Rà soát, xây dựng cơ chế chính sách đặc thù đối với đội ngũ giáo viên công tác tại vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS; bổ sung chỉ tiêu biên chế còn thiếu cho ngành GD&ĐT tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Đồng thời, có cơ chế ưu đãi đặc thù để khuyến khích giáo viên an tâm công tác ở vùng sâu, vùng xa. Trong đó, tiếp tục duy trì chế độ phụ cấp ưu đãi có thời hạn đối với giáo viên ở địa bàn vừa công nhận nông thôn mới…

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Đình Thanh- Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá cao công tác triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội của ngành GD&ĐT tỉnh. Đồng thời, sẽ tổng hợp các kiến nghị để phản ánh với Quốc hội, các cơ quan Trung ương, địa phương xem xét. Qua đây, Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị ngành GD&ĐT tỉnh chủ động có giải pháp khắc phục những khó khăn để nâng cao chất lượng dạy và học chương trình GDPT mới theo quy định của Bộ GD&ĐT đã đề ra.

(Theo Báo Kon Tum)