THẢO LUẬN TẠI TỔ 07: ĐIỀU HÀNH QUẢN LÝ NGÂN SÁCH LINH HOẠT DỰA TRÊN CÁC NGUYÊN TẮC CHẶT CHẼ

07/01/2023

Thực hiện Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, chiều 07/01/2023, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.

TỔNG THUẬT CHIỀU 07/01: ĐÁNH GIÁ VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 30/2021/QH15 VÀ ĐỀ XUẤT NỘI DUNG ĐƯA VÀO NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VIỆC CHUYỂN TIẾP MỘT SỐ CHÍNH SÁCH THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 30/2021/QH15

Toàn cảnh phiên họp

Tổ 07 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc đoàn ĐBQH các tỉnh Yên Bái, Hòa Bình, Quảng Nam, Đồng Tháp. Đại biểu Đỗ Đức Duy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái làm Tổ trưởng điều hành nội dung thảo luận.

Tại phiên họp tổ, đa số các đại biểu nhất trí với sự cần thiết điều chỉnh kế hoạch vốn vay năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.

Các đại biểu chỉ rõ, theo quy định tại Điều 19 của Luật Ngân sách nhà nước, Quốc hội có thẩm quyền điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước. Do vậy, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước là đúng thẩm quyền.

Một số đại biểu phân tích, Nghị quyết số 129/2020/QH14 đã cho phép kéo dài tiếp tục thực hiện đến khi thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương; do đó, trong khi chưa thực hiện cải cách tiền lương thì hiện nay có đủ căn cứ pháp lý để Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan tiếp tục được hưởng cơ chế tài chính đặc thù. Trong điều kiện các dự án đầu tư của Bộ Tài chính đang thiếu vốn, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, việc điều chỉnh, bố trí vốn để thực hiện các dự án của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan là cần thiết.

Các đại biểu tại phiên họp

Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị Chính phủ khắc phục việc chậm trễ, chịu trách nhiệm bảo đảm các dự án đầu tư công được sử dụng nguồn vốn này đúng mục đích, đủ thủ tục theo quy định của pháp luật, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, bảo đảm hiệu quả thực tế. 

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Tạ Văn Hạ, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng, cần xem xét tỷ lệ phân bổ cho Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan có hợp lý hay không. Đại biểu cho rằng, tuy điều kiện thực tế đòi hỏi cần có nhiều phản ứng linh hoạt trong quản lý ngân sách, tuy nhiên sự linh hoạt đó cần dựa trên nguyên tắc chặt chẽ, kỷ luật kỷ cương nghiêm minh.

Tham gia thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp bày tỏ đồng tình với việc bổ sung dự toán ngân sách, do yêu cầu về nguồn viện trợ không hoàn lại để phòng chống dịch bệnh xuất phát từ điều kiện thực tiễn của đất nước. Về điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm nghiên cứu nguyên nhân có những địa phương vay dư vốn, phải trả lại, còn có những địa phương vay thiếu vốn. Đại biểu cho rằng, cần phân tích nguyên nhân lập dự toán không chuẩn, để có thể rút kinh nghiệm, đưa ra giải pháp khả thi, hữu hiệu cho tình trạng đầu tư cho vay, vay lại, trả lại vốn của các địa phương.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu

Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho biết, Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan là hai đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính, cùng góp phần thực hiện nhiệm vụ quản lý, điều hành, điều hòa ngân sách. Đại biểu đề nghị cần giải thích rõ tại sao giao chỉ tiêu xây dựng cơ bản cho hai đơn vị này thấp hơn Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhưng lại giao chỉ tiêu chi thường xuyên rất cao. Đại biểu đề nghị Bộ Tài chính cần giải trình rõ vấn đề này.

Đối với việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021, một số đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát, thống nhất số liệu với Kiểm toán nhà nước trước khi đề xuất bổ sung dự toán thu, chi nguồn viện trợ không hoàn lại và chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của số liệu. Đồng thời, giao Chính phủ chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát chính xác số liệu, cập nhật kịp thời, làm rõ các nội dung chi cho các bộ, ngành, địa phương, bảo đảm công khai, minh bạch và xem xét trách nhiệm, rút kinh nghiệm trong việc chậm phân bổ dự toán được Quốc hội giao, kéo dài việc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bổ sung dự toán thu, chi theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, về điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, các đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát và chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu số liệu điều chỉnh tăng, giảm dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; bảo đảm tổng mức bội chi của ngân sách địa phương không tăng, dư nợ của từng địa phương đúng trong hạn mức theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Đồng thời, Chính phủ nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc tổng hợp kiến nghị của các các địa phương chậm, chưa tổng hợp đầy đủ, kịp thời báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định. 

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Quang cảnh phiên họp

Các đại biểu tại phiên họp

Đại biểu Đỗ Đức Duy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái điều hành nội dung thảo luận

Tham gia thảo luận, đa số các đại biểu nhất trí với sự cần thiết điều chỉnh kế hoạch vốn vay năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021

Các đại biểu chỉ rõ việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước là đúng thẩm quyền

Một số ý kiến đề nghị Chính phủ khắc phục việc chậm trễ, chịu trách nhiệm bảo đảm các dự án đầu tư công được sử dụng nguồn vốn này đúng mục đích, đủ thủ tục theo quy định của pháp luật

Hồ Hương - Nghĩa Đức

Các bài viết khác