KỲ VỌNG VÀO NHỮNG QUYẾT SÁCH QUAN TRỌNG, KỊP THỜI CỦA KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 2, QUỐC HỘI KHÓA XV

04/01/2023

Sáng 05/01, kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội sẽ chính thức khai mạc. Đây là lần thứ 2, Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường để kịp thời xem xét, quyết định các nội dung cấp bách nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Theo dõi sự kiện chính trị quan trọng này, nhiều ý kiến đại biểu và cử tri tin tưởng vào thành công của kỳ họp với những quyết sách quan trọng, kịp thời sẽ được ban hành và thực thi hiệu quả...

TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG QUỐC HỘI BÙI VĂN CƯỜNG CHỦ TRÌ HỌP BÁO VỀ DỰ KIẾN CHƯƠNG TRÌNH KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 2

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo về dự kiến Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV

Theo Luật Tổ chức Quốc hội, Quốc hội mỗi năm sẽ tiến hành hai kỳ họp thường lệ và kỳ họp bất thường chỉ được tổ chức khi cần để xem xét các vấn đề cần thiết, cấp bách.

Trong trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường để thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn, trừ nội dung định kỳ trình Quốc hội theo quy định của pháp luật.

Căn cứ khoản 2 Điều 90 và khoản 1 Điều 92 của Luật Tổ chức Quốc hội, trên cơ sở đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, sau khi xem xét kỹ lưỡng, thận trọng về các mặt và nội dung chuẩn bị do Chính phủ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội Khóa XV. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội, họp phiên trù bị chiều 4/1/2023 và khai mạc sáng 5/1/2023, dự kiến bế mạc vào ngày 9/1/2023.

Chia sẻ trước phiên khai mạc kỳ họp, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết, tuy là kỳ họp bất thường, chuẩn bị trong bối cảnh rất khẩn trương ngay sau tết dương lịch và trước tết nguyên đán, nhưng các nội dung trình đều đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, bảo đảm yêu cầu trình Quốc hội.

Cũng theo đánh giá của đại biểu, công tác chuẩn bị về tài liệu, điều kiện bảo đảm, công tác phòng, chống dịch Covid-19 được Văn phòng Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tổ chức chu đáo, sẵn sàng cho kỳ họp bất thường.

“Thực tiễn cuộc sống luôn có những thay đổi, biến chuyển nhanh chóng do đó, hoạt động của các cơ quan dân cử cũng cần phải thay đổi, thích ứng kịp thời. Việc tổ chức các kỳ họp Quốc hội thường xuyên, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn là cần thiết nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội….”, đại  biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Nhiều năm gắn bó với hoạt động của Quốc hội, TS. Lê Hải Đường – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho rằng, đây là một sự kiện chính trị quan trọng để Quốc hội có thể kịp thời giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền. Đồng thời, cũng là nét đổi mới trong hoạt động của Quốc hội.

Việc tăng cường hợp lý số lượng kỳ họp của Quốc hội nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn là hoàn toàn phù hợp với mong mỏi của cử tri và Nhân dân cả nước. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để tiến tới một Quốc hội hoạt động thường xuyên hơn, chuyên nghiệp hơn, đáp ứng cao nhất các yêu cầu của đất nước, đồng thời cũng bám sát định hướng về yêu cầu đổi mới hoạt động của Quốc hội tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

TS. Lê Hải Đường cũng nêu quan điểm, trong tương lai không nên gọi là “bất thường” nữa mà cứ khi cần thiết, cấp bách là Quốc hội tiến hành kỳ họp để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Đại biểu Quốc hội có nhiệm vụ tham dự kỳ họp để giải quyết các vấn đề lớn của đất nước, đồng hành cùng Chính phủ, cùng các cơ quan để tháo gỡ khó khăn.

Nhấn mạnh, nội dung của kỳ họp bất thường là những vấn đề lớn, cấp bách; vấn đề quan trọng của đất nước như: Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050 vấn đề quy hoạch; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid - 19 tại Nghị quyết số 30/2021/QH15; bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021, điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương.;…  TS. Lê Hải Đường kỳ vọng, Quốc hội sẽ xem xét, bàn thảo kỹ lưỡng, đưa ra những quyết sách quan trọng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

TS. Lê Hải Đường – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp 

Đánh giá cao việc Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường ngay trong những ngày đầu năm mới 2023 để xem xét, quyết định một số vấn đề cấp bách, Luật sư Nguyễn Thành Chung cho rằng, đây là việc làm cần thiết, thể hiện rất rõ tính thường xuyên, chuyên nghiệp, kịp thời của hoạt động Quốc hội, góp phần ban hành các chính sách, dự luật giải quyết ngay các vấn đề tồn tại của đời sống kinh tế - xã hội hiện nay.

Dù về thời gian tổ chức gần thời điểm tết nguyên đán nhưng luật sư bày tỏ kỳ vọng kỳ họp bất thường sẽ được tổ chức một cách chỉn chu, kỹ lưỡng, có chất lượng, bảo đảm quy định pháp luật và những Nghị  quyết, quyết sách của Quốc hội sẽ được sớm triển khai hiệu quẩ trên thực tiễn.

Liên quan đến các nội dung xem xét, quyết định trong kỳ họp này, luật sư đánh giá cao việc Quốc hội đẩy nhanh xem xét, thông qua dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Cho rằng, Dự án luật này vô cùng thiết thực và có ảnh hưởng quan trọng đến chất lượng an sinh xã hội, luật sư mong rằng Quốc hội có thể sớm ban hành các quy định liên quan để khơi thông các vấn đề còn vướng mắc trong việc đấu thầu thuốc, đầu thầu trang thiết bị y tế, giá các dịch vụ y tế, … để nhân dân có thể được cung cấp đầy đủ và tốt nhất điều kiện khám, chữa bệnh, đặc biệt là các đối tượng chính sách xã hội khám, chữa bệnh theo diện bảo hiểm; ngoài ra, việc quy định rõ ràng quy trình mua sắm trang thiệt bị y tế cũng cần được quan tâm, nghiên cứu ban hành trên cơ sở đúng quy định pháp luật những cũng phải linh hoạt, chủ động để phù hợp với thực tiễn và hạn chế các trường hợp vi phạm quy định hoặc e ngại quy định không dám thực hiện gây ảnh hưởng đến hoạt động của cơ sở khám, chữa bệnh và quyền lợi của Nhân dân.

Cùng chung quan điểm, cử tri Nguyễn Thị Bình, phường Vân Cơ, Tp. Việt Trì chia sẻ, cả 5 nội dung Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp bất thường lần này đều là vấn đề quan trọng. Việc Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường hết sức hợp lý, cần thiết, nhằm giải quyết kịp thời với những vấn đề cấp bách trong thực tiễn. Đồng thời, thể hiện rõ quyết tâm chính trị của Quốc hội đối với sự phát triển đất nước và hướng đến mục tiêu cao nhất là lợi ích của cử tri, Nhân dân.

Cử tri Nguyễn Thị Bình cũng bày tỏ mong muốn Quốc hội sẽ ban hành các quyết sách “trúng”, sát thực tế, đặc biệt là nội dung liên quan đến tiếp tục thực hiện một số chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid - 19 tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 và tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược./.

Lê Anh