“NGÀY CHỦ NHẬT YÊU THƯƠNG”: SỰ HỘI NGỘ CỦA NHỮNG TẤM LÒNG BÁC ÁI

01/01/2023

6 năm mang tình yêu thương đến với những mảnh đời yếu thế, thiệt thòi đang sinh sống tại các Trung bảo trợ xã hội (Khu vực miền Bắc), những cán bộ, nhân viên, người lao động của Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bệnh viện Tim Hà Nội và hơn 20 cục, vụ, đơn vị, tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài Văn phòng Quốc hội đã thực sự thắp sáng niềm tin, hy vọng cho các đối tượng bị thiệt thòi. Và cũng chính niềm tin, hy vọng đó đã trở thành chất keo, gắn kết những tấm lòng bác ái đến với nhau, cùng nhau đưa “Ngày Chủ nhật yêu thương” ngày một lớn mạnh cả về chất và lượng.

CHƯƠNG TRÌNH NGÀY CHỦ NHẬT YÊU THƯƠNG TẠI TRUNG TÂM CÔNG TÁC XÃ HỘI VĨNH PHÚC

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu. (Ảnh: Mai Anh)

4 hoạt động ý nghĩa

Theo số liệu của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, hiện nay trên cả nước có 425 trung tâm bảo trợ xã hội (195 cơ sở công lập và 230 cơ sở ngoài công lập). Trong đó, có 46 cơ sở chăm sóc người cao tuổi, 73 cơ sở chăm sóc người khuyết tật, 149 cơ sở chăm sóc trẻ em, 102 cơ sở tổng hợp, 32 cơ sở chăm sóc người tâm thần và 23 trung tâm công tác xã hội. Mức trợ cấp nuôi dưỡng tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội của Nhà nước mặc dù đã được Nhà nước và chính quyền địa phương quan tâm nhưng mức trợ cấp còn rất khiêm tốn so với mức sống tối thiểu của người dân, chỉ khoảng 1.200.000 đồng/tháng.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu (Ảnh: Mai Anh)

Những người đang được nuôi dưỡng trong các Trung tâm Bảo trợ xã hội của Nhà nước tuy không còn gia đình nhỏ nhưng họ vẫn còn có gia đình lớn, đó là Nhà nước, xã hội và cộng đồng luôn quan tâm chăm sóc họ bằng nguồn trợ cấp của Nhà nước, bằng những hoạt động thiện nguyện, có thể chỉ là một bữa cơm trưa cải thiện nhưng đó là những bữa cơm ấm áp tình yêu thương của cộng đồng. Với bữa trưa ấm tình người đó, những người đã sống trong thời bao cấp lại nhớ lại thời đó chỉ mong sao đến ngày Chủ nhật, gia đình mình có bữa ăn cải thiện, cả nhà quây quần đầm ấm bên nhau. Với mong muốn được chia sẻ tình cảm yêu thương của cộng đồng đến những người được nuôi dưỡng tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội, tiếp thêm động lực để họ vượt qua những khó khăn của bản thân, một số công chức của các vụ, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội, Vụ Truyền thông - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam và nhiều cá nhân khác đã tổ chức Chương trình Ngày Chủ nhật yêu thương. Chương trình được thực hiện từ tháng 8.2017 và từ đó được tổ chức định kỳ vào ngày Chủ nhật cuối cùng hằng tháng tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội. Bệnh viện Tim Hà Nội hỗ trợ Chương trình khám chuyên khoa tim mạch cho những người được nuôi dưỡng tại các Trung tâm. Từ tháng 8.2018, Chương trình đã chính thức được Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bệnh viện Tim Hà Nội phối hợp tổ chức thực hiện và đây cũng là 1/5 nội dung hoạt động kết nghĩa giữa Chi bộ Xã hội thuộc Đảng bộ Văn phòng Quốc hội và Đảng bộ Bệnh viện Tim Hà Nội, thuộc Đảng bộ quận Hoàn Kiếm.

Chương trình bao gồm 04 hoạt động: (1) Tổ chức bữa ăn trưa cải thiện cho người được nuôi dưỡng, người làm việc tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội và người tham gia chương trình; (2) Khám chuyên khoa tim mạch cho người đang được nuôi dưỡng tại các Trung tâm; (3) Tổ chức giao lưu biểu diễn văn nghệ tại các Trung tâm; (4) Tặng quà, hỗ trợ trang, thiết bị cho các Trung tâm.

Hạnh phúc cho cả người trao và người nhận

Các bác sỹ Bệnh viện Tim Hà Nội thăm khám cho các trẻ em thiệt thòi. (Ảnh: Đ. Kiên)

Từ tháng 8/2017 đến nay, mặc dù do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Chương trình bị gián đoạn 15 tháng (năm 2020: 3 tháng, năm 2021: 8 tháng, năm 2022: 4 tháng) nhưng Chương trình đã được tổ chức tại 52 Trung tâm Bảo trợ xã hội của 18 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hòa Bình, Hải Phòng, Thái Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Dương, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Lạng Sơn, Bắc Kạn). Chương trình đã tổ chức bữa ăn trưa cải thiện cho 12.061 người; khám chuyên khoa tim mạch cho 9.618 người; khám nội hô hấp cho 4.823 người. Các hoạt động của Chương trình đã góp phần chăm sóc sức khỏe, đời sống vật chất và tinh thần cho những người được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội.

Những bữa ăn thấm đẫm yêu thương... (Ảnh: Đ. Kiên)

Kinh phí tổ chức Chương trình do các thành viên, đơn vị tham gia Chương trình tự nguyện ủng hộ. Các năm 2018, 2019, 2020, 2021 với sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chương trình đã được Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) hỗ trợ 600 triệu đồng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) hỗ trợ 600 triệu đồng. Toàn bộ số tiền các Ngân hàng hỗ trợ được giữ nguyên để sử dụng tặng quà, hỗ trợ các Trung tâm mua sắm trang thiết bị, cải tạo cơ sở vật chất nhằm cải thiện việc chăm sóc, nuôi dưỡng những người đang được nuôi dưỡng tại đây, bảo đảm sử dụng đúng mục đích, công khai, minh bạch và có hiệu quả thiết thực. Chứng từ hỗ trợ được lưu giữ tại Văn phòng Quốc hội.

Hằng tháng, ngay sau khi tổ chức xong hoạt động thiện nguyện, nguồn tiền đóng góp tự nguyện của các cá nhân, tổ chức đều được quyết toán thu - chi công khai, minh bạch ngay trên trang Facebook của Chương trình. Ngoài ra, từ nguồn đóng góp tự nguyện, Chương trình còn tổ chức các hoạt động như sau: (1) Hỗ trợ định kỳ hằng tháng cho trẻ em mồ côi được nuôi dưỡng tại Chùa Thịnh Đại, xã Đại Cương, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam và bệnh nhân phong tại Cơ sở 3, Bệnh viện Da liễu Hà Nội; (2) Tặng học bổng cho 26 học sinh đến lúc tốt nghiệp trung học phổ thông; (3) Tổ chức, tham gia các hoạt động thiện nguyện khác. Tổng số tiền đóng góp tự nguyện đã tổ chức thực hiện Chương trình Ngày Chủ nhật yêu thương hằng tháng và các hoạt động khác là hơn 1,2 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, hàng năm Chương trình còn phối hợp với Quỹ Thiện Tâm, Tập đoàn Vingroup để thực hiện các hoạt động của Quỹ như xây dựng phòng học, nhà bán trú cho học sinh, làm đường, cầu, tặng quà Tết nguyên đán cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với số tiền hàng chục tỷ đồng mỗi năm và phối hợp với các cơ quan, tổ chức khác thực hiện các hoạt động xã hội.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, Chương trình đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của lãnh đạo Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bệnh viện Tim Hà Nội và sự ủng hộ của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Các hoạt động của Chương trình đạt kết quả tốt, bước đầu tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng, thu được nhiều kinh nghiệm trong tổ chức các hoạt động xã hội và là một trong những kênh giám sát việc thực hiện các chính sách bảo trợ xã hội của Ủy ban Xã hội của Quốc hội, từ đó Ủy ban có những kiến nghị cụ thể để hoàn thiện các chính sách trợ giúp xã hội.

Để chương trình Ngày Chủ nhật yêu thương được tổ chức bền vững, đến được nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, tạo được sự lan tỏa hơn nữa, Chương trình rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của lãnh đạo Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bệnh viện Tim Hà Nội và sự ủng hộ của các cơ quan, tổ chức. Điều đó sẽ làm cho những người được nuôi dưỡng trong các Trung tâm Bảo trợ xã hội luôn được sống trong tình cảm yêu thương của cộng đồng, được tiếp thêm động lực để vượt qua những khó khăn của bản thân.

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)