SỬA ĐỔI LUẬT GIÁ: LÀM RÕ HƠN VAI TRÒ, THẨM QUYỀN, TRÁCH NHIỆM CỦA HỘI ĐỒNG THẨM ĐỊNH GIÁ NHÀ NƯỚC

27/12/2022

Luật Giá (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4 và dự kiến tiếp tục cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5. Một trong những quy định của dự thảo nhận được sự quan tâm của đại biểu Quốc hội, cũng như chuyên gia kinh tế là Thẩm định giá của Nhà nước (Chương VI của thảo luật). Bởi đây là nội dung quan trọng, nếu thực thi hiệu quả sẽ giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước, quản lý và sử dụng hiệu quả tài sản công.

TỔNG THUẬT CHIỀU 11/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT GIÁ (SỬA ĐỔI)

Thời gian qua, một số bộ, ngành ở trung ương và địa phương đã chủ động thành lập các Hội đồng thẩm định giá nhà nước để thực hiện việc thẩm định giá tài sản phục vụ cho mục đích mua, bán, chuyển nhượng… thuộc thẩm quyền của đơn vị mình. Hoạt động thẩm định giá nhà nước đã góp phần quan trọng giúp các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ra các quyết định liên quan đến mua, bán tài sản; đảm bảo sử dụng các nguồn lực của Nhà nước một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, thực tế hoạt động thẩm định giá nhà nước tại một số địa phương vẫn còn tồn tại, vướng mắc, như: kiến thức chuyên sâu về thẩm định giá của một số thành viên hội đồng thẩm định giá hạn chế; việc phân cấp thực hiện thẩm định giá nhà nước tại các địa phương đôi khi chưa hợp lý; chưa có hướng dẫn mức chi cụ thể đối với công tác thẩm định giá nhà nước…

Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4 đã quy định rõ hơn về Hội đồng Thẩm định giá nhà nước.

Vì vậy, tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4 và dự kiến tiếp tục cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 quy định cụ thể hơn về phạm vi áp dụng thực hiện thẩm định giá nhà nước; đồng thời, củng cố cơ chế triển khai thẩm định giá của nhà nước theo phương thức Hội đồng nhằm tạo thuận lợi cho tổ chức thực hiện.

Theo đó, dự thảo luật quy định, thẩm định giá của Nhà nước thực hiện trong các trường hợp: Bán, cho thuê, liên doanh, liên kết tài sản công mà pháp luật quản lý sử dụng tài sản công quy định phải thẩm định giá của Nhà nước; Mua, đi thuê tài sản từ nguồn ngân sách nhà nước trừ trường hợp pháp luật về ngân sách nhà nước có quy định phương thức xác định giá khác; Mua, bán tài sản thuộc bí mật nhà nước và các trường hợp Luật khác quy định phải thẩm định giá của Nhà nước.

Góp ý về quy định này, đại biểu Lại Văn Hoàn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, tại Điều 23 quy định bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất kinh doanh thực tế hợp lý, lợi nhuận phù hợp với mặt bằng thị trường cung cầu hàng hóa, dịch vụ và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của nhà nước trong từng thời kỳ. Đại biểu cho rằng, quy định này chỉ áp dụng được với công tác định giá của nhà nước và không phù hợp với hoạt động định giá của tổ chức, cá nhân định giá cho hàng hóa, dịch vụ của mình cung cấp ra thị trường.

Do đó, đại biểu đề nghị tách quy định về định giá nhà nước riêng, định giá tổ chức, cá nhân riêng để tránh nhầm lẫn và có thể chỉnh sửa thành "nguyên tắc định giá nhà nước bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế, lợi nhuận hợp lý theo nguyên tắc phù hợp với mặt bằng chung của thị trường và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ. Đồng thời, bổ sung quy định về Hội đồng định giá Nhà nước, vai trò, nhiệm vụ, đối tượng cụ thể để tách biệt với hoạt động của Hội đồng thẩm định giá Nhà nước.

Đại biểu Vũ Tuấn Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ

Cũng liên quan đến Hội đồng thẩm định giá nhà nước, đại biểu Vũ Tuấn Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cho biết, dự thảo luật quy định Hội đồng này được thành lập bởi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền hoặc được giao nhiệm vụ bán, cho thuê, liên doanh, liên kết, mua, đi thuê hoặc được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu liên quan đến tài sản công hoặc sử dụng nguồn ngân sách nhà nước. Hội đồng này cần tối thiểu 3 thành viên, trong đó có tối thiểu một thành viên có chuyên môn về lĩnh vực giá.

Đại biểu Vũ Tuấn Anh đề nghị cần có đánh giá kỹ tác động của chính sách này về tổ chức nhân sự và khả năng đáp ứng yêu cầu thẩm định giá của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập khi mua bán, cho thuê, liên kết tài sản, nhất là các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ không liên quan đến chuyên môn trong lĩnh vực giá. Đồng thời, dự thảo luật cũng quy định trách nhiệm Hội đồng thẩm định giá phải chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định giá tài sản và chịu trách nhiệm về việc sử dụng kết quả của đơn vị tư vấn.

Với nhân sự chỉ cần tối thiểu 1 người có chuyên môn về lĩnh vực giá, không quá cao (chỉ cần có chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ thẩm định giá, chứng chỉ bồi dưỡng về thẩm định giá nhà nước) như trong dự thảo luật Giá (sửa đổi), đại biểu Vũ Tuấn Anh lo ngại quy định như vậy khó có thể đáp ứng được yêu cầu về thẩm định giá trên các lĩnh vực.

Đại biểu đề nghị cần rà soát lại quy định này, có thể quy định cơ quan chuyên môn về thẩm định giá thuộc cơ quan tài chính hoặc trách nhiệm tham gia của cơ quan tài chính trong thẩm định giá. Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung thêm quy định về miễn trừ trách nhiệm của Hội đồng thẩm định giá khi sử dụng kết quả thẩm định giá của đơn vị tư vấn và miễn trừ trách nhiệm của người có thẩm quyền quyết định giá khi sử dụng kết quả thẩm định giá của Hội đồng thẩm định giá, như vậy mới tháo gỡ được những vướng mắc về thẩm định giá trong thời gian vừa qua.

Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh.

Quan tâm đến quy định thẩm định giá của Nhà nước trong dự thảo Luật Giá (sửa đổi), chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh chia sẻ, giá cả là một trong những thành tố quan trọng nhất của kinh tế thị trường nên những qui định về giá trong Luật Giá cũng cần có những thay đổi chỉnh sửa phù hợp với bối cảnh mới. Bên cạnh xây dựng phương pháp và hình thức định giá Nhà nước phù hợp với cơ chế thị trường trong bối cảnh hiện nay, cần luật hóa quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong thực hiện hình thức định giá Nhà nước. Cụ thể, giao toàn bộ chức năng định giá Nhà nước cho các Bộ ngành và UBND cấp tỉnh đối với từng loại hàng hóa và dich vụ phù hợp với phân cấp quản lý Nhà nước, mà không cần sự tham gia của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong định giá Nhà nước.

Điển hình như định giá đất đai thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường; định giá điện là trách nhiệm của Bộ Công Thương hay định giá dịch vụ giáo dục là thẩm quyền của Bộ Giáo dục; Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ quản lý Nhà nước về giá nói chung, định giá Nhà nước nói riêng theo luật định. Bộ Tài chính cũng như các Bộ ngành chức năng có quyền và trách nhiệm quyết định mức giá cụ thể, mức giá tối đa hay mức giá tối thiểu căn cứ vào kết quả định giá của các công ty định giá được thuê theo hợp đồng với điều kiện mỗi mức giá phải được ít nhất 2 công ty định giá thực hiện. Cơ quan thuê định giá chịu trách nhiệm kiểm tra tính đầy đủ, hợp pháp và phù hợp của các thông tin, phương pháp định giá và xử lý thông tin của các công ty định giá để làm căn cứ ra quyết định về mức giá./.

Lan Hương