GS.TS TỪ THỊ LOAN: HỘI THẢO VĂN HÓA 2022 – RẤT CẦN ĐƯỢC DUY TRÌ THƯỜNG NIÊN

26/12/2022

Đánh giá "Hội thảo Văn hóa 2022" đã rất thành công bởi tính cởi mở, thiết thực và khả thi, GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam bày tỏ vui mừng và cho rằng những hội thảo về văn hóa như "Hội thảo Văn hóa 2022" rất cần được duy trì thường niên.

PGS.TS ĐẶNG VĂN BÀI: TĂNG CƯỜNG ĐẦU TƯ NGUỒN LỰC CHO PHÁT TRIỂN VĂN HÓA VÀ BẢO TỒN DI SẢN VĂN HÓA

Diễn ra trong 1 ngày, với 800 đại biểu tham dự trực tiếp, Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” đã thành công tốt đẹp. Nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, thẳng thắn, cho thấy bức tranh về văn hóa khá toàn diện, nhiều giải pháp thiết thực cho phát triển văn hóa trong giai đoạn tới.

GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

Phóng viên: Hội thảo Văn hóa 2022 diễn ra ngay sau Kỳ họp Quốc hội thứ 4, Quốc hội khóa XV, theo bà điều này có ý nghĩa như thế nào?

GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: Tôi cho rằng, việc Hội thảo Văn hóa 2022 diễn ra ngay sau Kỳ họp Quốc hội thứ 4, Quốc hội khóa XV có ý nghĩa rất lớn cả về tinh thần và thực tiễn.

Thứ nhất, đó là dịp nhắc nhớ chúng ta về tinh thần và ý nghĩa của Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra cách đây đúng một năm, tại đó có những chỉ đạo, định hướng rất quan trọng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính  phủ về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam.

Thứ hai, thể hiện năng lực hành động nhanh nhạy, khẩn trương của Quốc hội, gắn chặt giữa hội họp, bàn thảo trên nghị trường với hành động thực tiễn, triển khai trong cuộc sống.

Tôi tin với thành công của Hội thảo Văn hóa 2022 năm nay, tiếng nói tư vấn, góp ý, tham mưu, đề xuất của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý cho vấn đề văn hóa sẽ được lắng nghe, được tôn trọng và tận dụng, không bị “rơi vào hư không”, “kiến nghị trên giấy” như nhiều hội nghị, hội thảo khác.

Hội thảo Văn hóa 2022

Phóng viên: Trong kết luận của Chủ tịch Quốc hội tại Hội thảo Văn hóa 2022  lần này, trên cơ sở các đề xuất của 9 nhóm chính sách, Hội thảo đã đồng thuận và thống nhất cao kiến nghị 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp cụ thể cần tập trung làm ngay. Bà có đánh giá như thế nào về các nhóm giải pháp này, đâu là những việc cần ưu tiên làm trước?

GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: Sau Hội thảo Văn hóa 2022 có rất nhiều ý kiến hoan nghênh, phấn khởi và hy vọng vào những thay đổi lớn cho ngành văn hóa trong thời gian tới.

Tôi cho rằng, thực hiện đúng như kết luận của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu, nếu một Chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa được thông qua thì đó sẽ là một sự tiếp sức quan trọng thúc đẩy văn hóa nước nhà phát triển. Những điều chỉnh, bổ sung các nội dung liên quan đến văn hóa trong 2 Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng tạo điều kiện hỗ trợ các lĩnh vực của văn hóa.

Đầu tư cho văn hóa sẽ được nâng lên, từ đầu tư xây dựng cơ bản đến đầu tư phát triển sự nghiệp sẽ thúc đẩy các loại hình văn hóa, văn học, nghệ thuật phát triển. Các Chiến lược, chương trình, đề án về văn hóa sẽ được quan tâm triển khai. Cơ chế hoạt động được đổi mới, giúp đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa, khuyến khích năng lực sáng tạo của các chủ thể văn hóa...

Trong các nhiệm vụ và giải pháp này, tôi cho rằng việc ưu tiên cần làm ngay là hoàn thiện thể chế, tăng mức đầu tư cho văn hóa và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Và đúng như dự đoán của tôi, Hội thảo Văn hóa 2022 thực sự thành công, với nhiều yếu tố đổi mới hơn các Hội thảo khác vì các kiến nghị, thông điệp đến thẳng những lãnh đạo cao nhất.

Phóng viên: Theo bà, Hội thảo này có nên duy trì thường niên không?

GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: Tôi cho rằng, đây là một Hội thảo có sự đổi mới trên nhiều phương diện: sự  quan tâm lắng nghe từ đầu đến cuối của những người chủ trì; sự cởi mở, thẳng thắn trong trao đổi, thảo luận, phản biện; tính tương tác cao cả trong Hội trường lẫn trực tuyến; các đề xuất, kiến nghị của Hội thảo được chốt lại ngay bằng những kết luận cụ thể và có tính khả thi. Chính vì vậy mà có ý kiến cho rằng Hội thảo đã thành công 200%. Điều đó thật là vui!

Tôi thấy rất cần tổ chức thường niên đối với các Hội thảo về Văn hóa như thế này với đa dạng thành phần tham dự... để lắng nghe đầy đủ tiếng nói của các bên liên quan... Làm sao để hội thảo thực sự trở thành cầu nối giữa Quốc hội với những người làm văn hóa nghệ thuật.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn bà!

Thu Phương